Hậu vụ nổ bom ở Boston: Trận hockey hàn gắn nỗi đau

19/04/2013 08:56 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) – Sau vụ nổ bom kinh hoàng ở cuộc đua marathon truyền thống Boston, một sự kiện thể thao ở thành phố lại tiếp tục được tổ chức với hơn 17 nghìn người tham dự. Ở vào thời điểm này, nó không còn đơn thuần là trận đấu hockey.

Cậu bé Cole Fagan cùng bố đi cổ vũ Boston Bruins

Cuộc cạnh tranh tìm suất dự vòng play-off của CLB Boston Bruins và Buffalo Sabres tại sân TD Garden ở Boston, được bắt đầu bằng hình ảnh vụ nổ bom ngay gần vạch đích của cuộc thi chạy marathon hôm 15/4, khiến 3 người thiệt mạng và hơn 170 người bị thương. Cầu thủ hai đội đứng sát bên nhau, cùng đặt gậy thi đấu xuống mặt sân khi màn hình lớn kết thúc trình chiếu với dòng chữ: “Chúng tôi là Boston. Chúng tôi mạnh mẽ”.

Thể thao kết nối sức mạnh

Rene Rancourt, ca sĩ nổi danh ở Boston, đã có màn biểu diễn có lẽ đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của mình. Lần đầu tiên khi hát quốc ca Mỹ ở giải hockey, Rene Rancourt để micro trôi khỏi môi anh, hướng nó về phía khán đài có 17.565 khán giả, những người đã hưởng ứng ngay lập tức bằng cách hát vang “The Star-Spangled Banner”. Đêm đó, khác với tất cả các đêm, ca khúc không còn dành riêng cho người nghệ sĩ.

Màn biểu diễn kết thúc trong tiếng vỗ tay vang dội. HLV Dave Beauchamp vẫn chào CĐV theo cách đặc biệt như ông thường thể hiện. Ở hàng phía trước, cầu thủ Nick Andries và đồng đội chuyền tay nhau băng rôn với dòng chữ: “Hãy tin vào Boston”.

Tom Cahill, cầu thủ tham dự cuộc thi marathon, may mắn không bị chấn thương khi bước lại lấy chai nước ngay trước thời điểm quả bom phát nổ, đã không mặc áo đấu như thường lệ. Anh chọn áo vàng xanh quen thuộc của cuộc thi marathon với khuôn mặt ánh lên niềm tự hào. “Tôi ở đây để truyền đi thông điệp” – Cahill nói và hướng về khán đài nơi con gái bé nhỏ của anh đang đứng.

Bên ngoài SVĐ, binh lính trang bị vũ khí, cảnh sát địa phương và cán bộ cơ quan An ninh Nội địa Mỹ tuần tra liên tục trên các tuyến đường. Bên trong, lực lượng an ninh bảo vệ sân kiểm tra kỹ lưỡng mọi tư trang của fan, đặc biệt là túi xách hơn là đo nồng độ cồn như trước.

Sẽ không đúng nếu nói người dân Boston không còn sợ hãi sau vụ đánh bom. “Nhiều người bị mất chân, họ lo lắng. Nhưng tôi vẫn cảm thấy vinh dự khi là người dân thành phố này. Chúng tôi phải ở đây, để giành chiến thắng” – một người dân bộc bạch.

Chuông báo động vẫn vang lên khắp trung tâm thành phố, cảnh báo về nguy hiểm rình rập được dán ở khắp nơi. Nhưng, người dân Boston vẫn tới TD Garden để cổ vũ cho CLB mình yêu thích. Ngoài trải nghiệm cảm giác ăn mừng, họ tới để quên đi những mất mát, để tận hưởng cảm giác ấm áp của sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau.

Thể thao hàn gắn nỗi đau

Trước trận đấu, vé được bán với giá 150 USD, bằng với số tiền mà fan hockey phải trả để xem trận cầu sinh tử giữa Bruins với những kình địch như Montreal Canadiens.

Gary Lafond, một CĐV của Bruins, đưa con trai riêng Cole Fagan tới cổ vũ đội nhà. “Vừa vui vừa buồn” – cậu bé Fagan trả lời khi được hỏi về cảm xúc khi tới trận đấu này. Đó cũng là tâm trạng chung của người hâm mộ khi tới dự một sự kiện thể thao ngay sau thời điểm một sự kiện khác bị tấn công.

Nhưng khi Boston Bruins ghi bàn mở tỷ số ở phút 5:45 thì sự sầu não dường như tan biến. CĐV đứng bật dậy, nở nụ cười mãn nguyện nhất kể từ sau khi vụ nổ tang thương xảy ra. Boston Bruins đã thua cuộc 2-3 khi trận đấu kết thúc nhưng những người yêu thể thao ở thành phố Boston không buồn. Đến với trận cầu, họ cảm thấy như được chữa lành vết thương.

Ngay sau sự kiện này, đội bóng chày Boston Red Sox của ông chủ John W Henry (sở hữu đội bóng Liverpool), cũng sẽ chọn cách của riêng mình để tưởng nhớ những người đã ra đi trong vụ nổ bom và tạo động lực tinh thần cho những ai đang điều trị tại bệnh viện. Đội bóng rổ Celtics cũng sẽ chơi một số trận trong vài tuần tới.

Và theo thông báo mới nhất, tháng 4 năm sau giải marathon Boston vẫn sẽ diễn ra như thường lệ, trên đoạn đường chứa đựng những ký ức đau thương.

Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm