Về dịch lợn tai xanh ở Hà Nội: Cần kiểm soát chặt chẽ công tác giết mổ

28/04/2010 14:21 GMT+7 | Y tế

Trước tình hình dịch lợn tai xanh bùng phát tại Hà Nội, chiều qua 27/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có cuộc thị sát và chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại địa bàn huyện Gia Lâm. Theo Bộ trưởng, mặc dù tình hình dịch bệnh tại đây đã cơ bản được khống chế, song nguy cơ bùng phát vẫn là rất cao.      

Đã khống chế được dịch bệnh

Ông Nguyễn Huy Việt, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: Tính đến chiều hôm qua 27/4, trên địa bàn huyện có 5 xã xuất hiện lợn nhiễm bệnh tai xanh với tổng số 1.809 con, trong đó 2 xã có số lợn nhiễm bệnh lớn nhất là Dương Quang và Kim Sơn (mỗi xã hơn 600 con). 5 xã này đều là những xã có số lượng đàn lợn lớn với tổng số 12.000 con (trong khi tổng đàn lợn trên toàn huyện là hơn 32.000 con). Ngay sau khi có thông tin về dịch bệnh, huyện đã chỉ đạo dập dịch quyết liệt. Đến nay, đã có 1.159 con lợn mắc bệnh của 131 hộ chăn nuôi bị tiêu huỷ. Số còn lại 650 con thuộc 19 thôn của 3 xã hiện đang cho cách ly, theo dõi điều trị, nếu tiên lượng xấu sẽ tiếp tục lập biên bản xử lý. Tuy nhiên theo ông Việt, trong khi tiêu huỷ cũng cần kiểm tra xem xét xem có đúng dịch tai xanh hay không, nếu không sẽ phí cả đàn lợn. Hiện trên địa bàn huyện Gia Lâm đã không phát hiện ổ dịch mới, song tinh thần phòng chống dịch tại các xã vẫn rất cao.

Tại xã Lệ Chi, nơi Bộ trưởng đến thị sát, ông Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ ngày 22 đến 24/4, tại xã Lệ Chi có 327 con lợn mắc bệnh tai xanh. Số lợn này nằm ở 40 hộ chăn nuôi, trên địa bàn 5/6 thôn của xã. Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, chính quyền địa phương phối hợp cùng UBND huyện, Chi cục Thú y thành phố đã xử lý việc dập dịch, hướng dẫn các hộ dân cách phòng chống, lập cam kết với các hộ chăn nuôi, tạm dừng việc buôn bán tiêu thụ các sản phẩm từ lợn và thực hiện nghiêm túc việc tiêu độc khử trùng. Xã đã nhận 188 lít thuốc từ Chi cục Thú y, đồng thời mua 50.000kg vôi bột để cấp cho các hộ làm vệ sinh tiêu độc; thành lập 2 chốt kiểm dịch để kiểm soát việc vận chuyển, tiêu thụ các sản phẩm từ lợn.

Trong số hơn 300 con lợn bị bệnh, chính quyền địa phương đã tiêu huỷ 280 con (hơn 12.000kg). Hiện toàn xã chỉ còn 47 con lợn bị ốm đang được chăm sóc, không có lợn nhiễm dịch mới phát sinh.

Cần kiểm soát chặt chẽ công tác giết mổ

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc Hà Nội xảy ra dịch là điều rất đáng lo ngại vì đây là thành phố có số gia súc lớn, lại là trung tâm giao dịch của cả nước. Thực tế, công tác xử lý dịch của Hà Nội là rất tốt. Nhưng dù cho dịch ở Hà Nội có dừng ở đây thì tại các tỉnh khác, dịch vẫn đang bùng lên. Hiện cả nước đã có 9 tỉnh với 123 xã có dịch lợn tai xanh. Người dân nơi khác vẫn bán chạy lợn ốm mà nơi tiêu thụ cuối cùng không đâu khác chính là Hà Nội. Vì thế, Bộ trưởng đề nghị UBND huyện Gia Lâm đồng thời với việc làm tốt công tác phòng chống dịch cần kiểm soát chặt chẽ công tác giết mổ lợn, không nên chủ quan, lơ là. Địa phương cũng cần tăng cường tiêm phòng, kiểm soát vận chuyển, không cho lợn ở các tỉnh đang có dịch bệnh như Hải Dương, Hưng Yên... đưa sang. Bộ trưởng cũng yêu cầu đối với đàn lợn chưa bị bệnh, chính quyền địa phương cần có biện pháp bảo vệ.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, trong đợt dịch lợn tai xanh này, Sở NN&PTNT Hà Nội đã cấp 2,2 tấn thuốc sát trùng và phối hợp với huyện Gia Lâm xử lý các ổ dịch. Tại những ổ nhỏ lẻ, quan điểm của thành phố là cho tiêu huỷ ngay. Còn tại các hộ chăn nuôi lớn, con nào yếu thì tiêu huỷ. Thành phố cũng đang chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Đối với những hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu huỷ, mức hỗ trợ của thành phố là 25.000đồng/kg. Theo ông Đăng, mức hỗ trợ như trên là cao hơn so với các tỉnh lân cận. Để tránh việc người dân có hành vi gian lận hoặc mang lợn bệnh từ nơi khác về, ông Đăng đề nghị Bộ trưởng xem xét và có cơ chế hỗ trợ đồng đều tại các địa phương.

Theo Kinhtedothi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm