Đỗ Chu: Thăm thẳm bóng người

13/07/2008 09:05 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Online) - Ngay khi mới trích đăng trên báo Tiền Phong với tên gọi Miên man tùy bút, những dòng viết của Đỗ Chu đã cuốn hút người đọc. Đến khi in ra sách đổi tên thành Thăm thẳm bóng người thì người đọc đã cầm sách lên đọc là không dứt ra được, cứ để tự mình miên man theo dòng cảm xúc, hồi tưởng, suy tư của nhà văn. “Trong miên man có thăm thẳm mà trong thăm thẳm có miên man. Miên man một cách nông nổi sẽ hóa mơn man, miên man sâu xa hóa ra thăm thẳm” (tr. 304).
 
 Tác phẩm của Đỗ Chu 
Một lối viết Đỗ Chu đã thành “văn hiệu” từ những truyện ngắn đầu tay say đắm, nồng nàn, da diết của những năm sáu mươi thế kỷ trước, đến khoảng cuối thế kỷ hiện lại trong “mảnh vườn xưa hoang vắng”, tới đầu thế kỷ mới thì chảy tràn trong một mạch tâm tư tình cảm của một con người đã trải những buồn vui thế sự đời người đời văn đủ để trang trải lòng mình lên trang giấy sẻ chia đồng vọng cùng người đời.
 
Cuốn sách chia ra ba phần: Hoa bờ giậu, Thăm thẳm bóng người, Về quê đốt lửa. Xuyên suốt cả ba phần là chiều dài thời gian lịch sử của một dân tộc, của những đời người, những thân phận vinh quang có, cay đắng có, nổi danh có, âm thầm có, là chiều rộng không gian của nước Việt mở ra đến những bờ bến lạ, những xứ sở xa xôi. Ở đâu, lúc nào, con người với những nỗi niềm trăn trở của nó vẫn là cái đích đến của văn học, vẫn là cái neo cho ngòi bút sáng tạo, vẫn là câu hỏi muôn đời đặt ra và đi tìm câu trả lời. Thì Đỗ Chu viết Thăm thẳm bóng người cũng là một cách đi tìm câu trả lời đó thôi, câu trả lời của riêng ông, góp vào câu trả lời của nhiều người khác.
 
Đọc sách này mới thấy Đỗ Chu giấu cả trong mình một kho văn hóa dân gian, bác học, lịch sử, huyền tích, cái trông thấy và cái nghe thấy, cái sống và cái ngẫm, trộn tất cả vào mình rồi rút ra bằng những câu văn như kể chuyện mà như tâm sự, giãi bày, khiến cho những điều ông nói ra được đọng lại day dứt, ngậm ngùi, có cả những điều rất khó nói cũng được ông nói ra nhẹ nhàng, sâu lắng.
 
Như nói về lịch sử: “Anh bạn tôi làm nghề viết sử có lần tâm sự, nhiều lúc tưởng mình đang chép sử mà thật ra là đang xóa sử, vừa đi vừa xóa lịch sử cũng chưa biết chừng. Lịch sử là gì rất thật mà cũng rất lắt léo, hiểu nó khó, đọc thì dễ, thuộc rồi mang chép lại càng dễ. Phải lấy lòng ra mà đo, phải có trí tuệ sáng láng và cân bằng để mà nhận đúng nó” (tr. 22). Như nói về làng Việt: “Ôi cái làng Việt mới lạ lùng làm sao, mỗi lần nghĩ đến nó lại càng thấy khó hiểu. Ta đã từng gửi lại đấy nhiều yêu thương và ta cũng đã để lại nơi ấy không ít hờn giận. Nó giống như một bát thuốc đắng vì cho quá nhiều phụ tử, không uống không được, bởi không uống thì không sống nổi, mà một lần uống vào là một lần chẳng mấy dễ dàng. Cái làng Việt luôn luôn là một câu hỏi lớn của lịch sử” (tr. 333).
 
Nhà văn Đỗ Chu
 
Gần đây một số cuốn sách mang dáng dấp tự truyện của các nhà văn đã được in ra, và chúng có sức hấp dẫn người đọc. Đỗ Chu gọi cái viết này của mình là tùy bút, nhưng trong đó có rất nhiều phần hồi tưởng, tự truyện. Từ những trải nghiệm của cá nhân mình, ông kể lại người và việc, ông liên tưởng gần và xa, xưa và nay, và ông giãi bày những điều đã được nghiền ngẫm lâu nay. Chắc hẳn, ông tin ở người đọc sẽ theo ông miên man. Có thế ông mới tự tin tự mình in sách và đưa sách đi bán. Niềm tin của ông hoàn toàn có cơ sở vì bút lực văn chương Đỗ Chu vẫn còn duyên với ông, với người đọc. Thăm thẳm bóng người đọc xong thấy có mình trong đó.
 
Thạch Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm