Trung Thu - Tết của hoài niệm

07/09/2011 11:04 GMT+7

(TT&VH) - So với Tết Nguyên đán, Trung Thu tuy không quan trọng bằng nhưng lại là một cái Tết (tiết) mang dấn ấn tâm hồn người phương Đông. Người phương Bắc xưa kia tha hương mưu sinh, có khi năm cùng tháng tận cũng chẳng về nhưng hễ đến Trung Thu lại tìm đường đoàn tụ với gia đình. Còn nếu khi đó vẫn lạc bước nơi đất khách thì cũng ngước nhìn trăng mà than rằng:

Vằng vặc trăng soi khắp chín châu
Mấy nhà sung sướng mấy nhà sầu
Mấy nhà vui vẻ ngày đoàn tụ
Mấy kẻ chân trời góc bể đau.

(Lục Du)
Với người Việt, Trung thu là cái Tết riêng của trẻ và cũng là dịp để người ta hoài niệm về tuổi thơ của mình. Mâm cỗ mùa Thu là những hoa quả, bánh trái thanh nhã mang đậm hồn Thu. Không phải vị ngọt sắc của trái cây mùa Hạ, không cầu kỳ như những thức bánh trái ngày Tết. Trung Thu giản dị mà ấn tượng từ tiếng trống ếch, ánh nến hạt bưởi sáng và thơm trong chiếc đèn ông sao. Đèn kéo quân tít mù mười hai con giáp mải đuổi theo nhau hay cùng góp sức để suốt mười hai tháng mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa. Thế rồi đến đêm khuya trời trong, gió mát, cũng là khi những em bé đã chìm sâu vào giấc ngủ với niềm vui ngập tràn của một đêm Thu huyền diệu.

Ngày nay đêm Trung Thu vẫn được người ta nhớ tới từ rất sớm nhưng đã đổi thay khá nhiều với dấu ấn của bàn tay người lớn. Hộp bánh ngày một cầu kỳ, lạ lẫm hơn, chiếc đèn ông sao mỗi năm diêm dúa nhưng ọp ẹp. Và đặc biệt hơn, nó xa lạ với đời sống nông nghiệp vốn giản dị và sâu sắc. Trẻ em không còn được ngắm nghía mâm cỗ Trung Thu được bày biện từ những hoa trái vườn nhà thấm giọt mồ hôi của ông bà, cha mẹ.

Trung Thu của người phương Bắc thật vui với những gia đình giàu có, ấm áp, quây quần cả gia đình. Trung Thu của người Việt đẹp trong sự thanh đạm, gắn liền với tre trúc, hồng, bưởi vườn nhà. Cùng ngắm một vầng trăng nhưng mỗi nơi một vẻ, gắn bó với hồn xứ xở và tình người hồn hậu. Mong sao Trung Thu mãi giữ được như vậy.

Bùi Việt Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm