Milan thảm bại trước Barcelona: Cầm vàng là để... vàng rơi

14/03/2013 14:44 GMT+7 | AC Milan

(Thethaovanhoa.vn) - Không ai muốn sự yếu đuối trở thành một đặc tính, nhưng nếu “đồng ý” yêu Milan, nghĩa là bạn đã gật đầu chấp nhận sự thất thường của họ. Trận thua Barca chỉ là một trong rất nhiều những lần “Rossoneri” gây thất vọng mỗi khi được đánh giá cao.

Màn lội ngược dòng của Barcelona gây sốc cho tất cả, và họ trở thành đội đầu tiên thắng chung cuộc trong một trận vòng knock-out ở Champions League sau khi bị dẫn 2-0 ở lượt đi. Nhưng nếu đối thủ là Milan, điều đó có thể hiểu được.

Thêm một lần nữa, Milan lại chết trước cửa thiên đường 

Lại chết trước cửa thiên đường

Ngay như mùa bóng trước, Arsenal cũng suýt làm nên điều thần kì trước Milan, dù đã thất bại tới 0-4 ở trận lượt đi. Được đánh giá cao hơn hẳn, nhưng đội bóng của ông Allegri đã chơi một trận bạc nhược trên sân Emirates: để thua 3 bàn từ hiệp Một, đá rời rạc và bối rối. Chỉ nhờ may mắn, khi Abbiati đẩy được cú đá của van Persie những phút cuối, Milan mới không bị gỡ hòa.

Kí ức trước Barcelona sẽ gây đau đớn, nhưng Milan cũng đã… quen với nhiều kỉ niệm kiểu này. Họ thua Deportivo đến 0-4 năm 2004 rồi bị loại, sau khi đã thắng 4-1 ở trận lượt đi. Họ thua Liverpool trên chấm luân lưu trong trận Chung kết Champions League 2005, sau khi đã dẫn đến 3-0 trong hiệp Một. Năm 2011, dù được đánh giá cao hơn hẳn một Tottenham lần đầu tiên dự Champions League, Milan cũng đã bị loại ở vòng 1/8 một cách ê chề. Đấy là chưa kể đến những thất bại lẻ tẻ, kiểu như thua Bordeaux với tổng tỉ số 2-3 dù thắng 2-0 ở lượt đi trận Tứ kết cúp UEFA 1995/96. Dẫn Ajax 1-0 trận tranh Siêu cúp châu Âu năm 1973, nhưng sau đó thua 0-6 ở lượt về, hay thất bại trước Feyenoord ở vòng 2 cúp C1 năm 1969.

Cũng như đội tuyển Ý, thi đấu trong thế được đánh giá cao hơn luôn là vấn đề của Milan. Đội Ý đã thất bại tan tác trước Tây Ban Nha ở Chung kết EURO 2012 dù đá trên cơ đối thủ ở vòng bảng, cũng như Milan, thua tan tác trận hôm qua dù sở hữu lợi thế lớn. Ngay như mùa này, “Rossoneri” đã để Inter cầm hòa trong trận derby Milano dù áp đảo trong cả hiệp Một và đang đạt phong độ tốt hơn hẳn. Đây rõ ràng là vấn đề về tâm lý, một điểm yếu đã thành truyền thống của Milan. Bên cạnh đó, không phải thời kì nào, Rossoneri cũng thoải mái khi “phải” áp đặt thế trận tấn công.

Ông lớn ở cửa dưới

Có một điều đặc biệt là những chiến công vĩ đại nhất của Milan luôn được tạo ra khi họ phải thi đấu ở cửa dưới.
Điển hình là trận lượt đi với Barcelona. Tâm lý không có gì để mất giúp Milan đá một trận tuyệt vời trước đội bóng xứ Catalunya đang có phong độ hủy diệt vào thời điểm đó. Giống như năm 1994, Rossoneri cũng đánh bại Dream team 1 của Johan Cruyff dù thiếu vắng hai trung vệ quan trọng nhất Baresi và Costacurta. Chiến công năm 2007 sau chiến thắng trước Liverpool, Milan cũng giành được sau một mùa giải khó khăn cực độ vì Calciopoli. (Giống như Azzurri vô địch World Cup 2006 trong bối cảnh Calciopoli vừa vỡ lở). Hay như Scudetto 1999 cũng là danh hiệu minh chứng cho tinh thần vượt khó của Milan (đến tháng 3/1999 còn đứng thứ 5, nhưng sau đó có một series trận thắng liên tiếp rồi vô địch).

Nếu như câu chuyện chỉ được kể từ một vài trận đấu thì chẳng có gì đáng nói, nhưng vấn đề là nó đã lặp đi lặp lại quá nhiều lần, đến mức trở thành tính cách của Milan. Cứ mỗi khi bị đẩy vào chân tường, khó khăn chồng chất khó khăn, đội đỏ-đen mới lại biết cách phát huy hết (thậm chí là vượt) tiềm lực của mình để lập những chiến công. Và đặc tính này là một phần nguyên nhân cản trở họ lặp lại một thời kì thống trị bóng đá châu Âu trong suốt một thời gian dài như Sacchi đã từng làm được những năm 1980.

Nếu Milan quyết tâm phát triển bóng đá trẻ, thì họ cũng phải chú trọng vào khía cạnh tâm lý cầu thủ. Galliani hẳn đã thấy rất thèm khát được sở hữu một tập thể như Barca đang có: luôn cháy hết mình, và thể hiện sự vững vàng tâm lý trong mọi hoàn cảnh.

Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

1: AC Milan là đội đầu tiên thất bại chung cuộc dù đã thắng 2-0 ở lượt đi một trận vòng knock-out Champions League.

4: Đây là lần thứ tư Milan thua với cách biệt 4 bàn trong một trận đấu ở cúp C1/Champions League. Trong đó, có 3 lần trước các đội bóng Tây Ban Nha. Đó là các trận thua 1-5 trước Barca năm 1959; thua 0-4 trước Deportivo năm 2004; và 0-4 trước Manchester United năm 2010.

2006: Lần gần nhất Milan ghi được bàn thắng trên sân khách tại vòng 1/8 Champions League cách đây đã 7 năm, trước Bayern Munich ở sân Olympic


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm