Mẹ tôi

31/10/2008 15:40 GMT+7 | Entry của bạn

Duy nhất có một anh bộ đội được mẹ đem lòng yêu mến đó chính là bố tôi.

Câu chuyện tình yêu của bố mẹ thì có lẽ viết thành một cuốn tiểu thuyết cũng không hết. Mẹ là con gái út trong một gia đình nông dân, tuy nghèo nhưng ông bà tôi cũng cố lo cho mẹ được bằng chị bằng em.

Nhưng không vì thế mà mẹ tôi ỷ lại. Mười ba tuổi mẹ tôi đã biết may vá, thêu, đan. Mẹ tôi được cái khéo tay và cũng rất tinh ý. Nhìn thấy có cái mẫu đan, thêu nào đẹp là về nhà tự mày mò làm cho bằng được, từ đo tiếng hay, tiếng tốt đồn xa.

Từ làng trên, xóm dưới ai muốn đan áo, hay thêu thùa cái gì lại đến nhờ mẹ làm. Mẹ cũng rất nhiệt tình vì bạn bè. Lúc đầu không lấy tiền công mà chỉ làm giúp, nhưng mọi người nhờ mãi thì ngại, họ đổi công cấy lúa, làm cỏ lúa, tát nước cho mẹ, để mẹ may áo, thêu gối, khăn mùi xoa cho.

Sau này nhiều người kể cho nhau nghe tài may vá của mẹ, họ đến thuê mẹ làm, mẹ có việc đều đều và không phải làm ruộng như nhưng cô gái nông thôn khác.

Mười lăm tuổi mẹ đã biết mua vàng để làm vốn, đã biết tính toán làm ăn. Mẹ mua gà về nuôi cho đẻ trứng rồi cho nở thành gà con, cứ thế đàn gà được nhân giống lên thành trăm con, mẹ lại bán gà thịt đi, gà giống để lại gây tiếp đàn sau, có tiền rồi mẹ lại mua vàng về để cất. Đến năm mẹ mười sáu tuổi thì đã có kha khá vốn liếng.

Mười sáu tuổi, mẹ đẹp như trăng rằm, ngày ấy bố tôi được về phép, tình cờ có việc ghé qua cửa hàng may của mẹ. Có thể nói bố đã yêu mẹ từ cái nhìn đầu tiên, cô thợ may có khuôn mặt tròn, nước da trắng như trứng gà bóc, luôn ửng hồng vì e thẹn.

Từ lần gặp mẹ hôm ấy, khi trở về đơn vị, bố liên tục viết thư cho mẹ, gửi gắm biết bao yêu thương qua những lá thư viết trên tờ giấy pơ luya màu hồng, có đôi chim bồ câu nơi góc giấy.

Mối tình của bố với cô thôn nữ như được ông tơ bà nguyệt se duyên vậy,anh lính này tuy hơi đen nhưng cao ráo đẹp trai và nói chuyện rất có duyên, chính vì thế mà đã làm cho cô thôn nữ xao xuyến lòng.

Hồi đó mua được một cái máy ảnh của Liên Xô, thời ấy toàn dùng hàng hóa của Liên Xô. Cái thời bao cấp ấy mà có được cái máy ảnh là ghê lắm rồi. Nhưng bức ảnh kỉ niệm in tráng kiểu đen trắng vẫn còn giữ đến tận bây giờ mà vẫn còn rất đẹp.

Mỗi bức ảnh để lại tôi biết được ngày xưa mẹ cũng duyên dáng và xinh đẹp lắm. Tôi còn nhớ tấm ảnh bố chụp cho mẹ đứng cạnh giàn mướp đội chiếc nón hơi nghiêng nghiêng với nụ cười tươi,mẹ mặc chiếc áo bà ba trắng,chiếc quần lụa đen may kiểu bà ba rất mềm mại. Dáng mảnh mai,dong dỏng cao, khuôn mặt tròn, nước da trắng của mẹ toát lên vẻ đẹp dịu dàng của người con gái Việt Nam.

Khi bố mẹ cưới nhau được 3 năm thì chuyển lên Hà Nội, khi đó tôi còn bé tí tẹo, mới bập bẹ tập nói. Mẹ kể rằng hồi bé tôi hư lắm, hay khóc nhè. Đi tàu ra Hà Nội, thấy ai có cái gì cũng đòi, nếu không cho là khóc.

Lên Hà Nội mẹ chưa xin được vào đâu,vẫn làm nghê đan, thêu. Bố thì trong quân đội làm trong ngành điện ảnh nên cũng hay phải đi công tác, ngày đó gọi là đi B (là công tác phía trong, nơi chiến trận diễn ra ác liêt).

Cả nhà trông chờ vào tiêu chuẩn tem phiếu của bố. Rồi mẹ cũng xin được việc làm tại một công ty của nhà nước. Do nhanh nhẹn, hoạt bát mẹ được công ty tín nhiệm bầu làm bí thư chi đoàn, ngày ấy phong trào đoàn chưa có điều kiện như bây giờ, mọi cơ sở vật chất đều thiếu thốn, mẹ đã vận động các đoàn viên tham gia chăn nuôi lợn, tận dụng thức ăn thừa của nhà ăn tập thể. Nhờ nuôi được lợn nên cuối năm,mỗi đoàn viên được chia thêm vài cân thịt về ăn tết. Mẹ là người năng nổ, nhiệt tình trong công việc và là người có cái tâm tốt.

Khi tôi 6 tuổi mẹ sinh thêm em bé, lúc này bố đi công tác xa, cuộc sống của ba mẹ con rất cơ cực. Nhiều đêm tỉnh giấc tôi thấy mẹ bế đứa em ngồi khóc, em bị sốt cao, bố thì đi công tác, tôi khi đó còn quá nhỏ nên chưa giúp gì được cho mẹ, chỉ biết hỏi: "Mẹ ơi sao mẹ không ngủ? Sao mẹ lại khóc? Mẹ nín đi mẹ...". Nói xong tôi cũng khóc òa... vì cảm thấy mình quá nhỏ bé, và không có ai che chở, tôi không làm sao ngăn được nước mắt. Mẹ an ủi,vỗ về. Thôi con nín đi. Mẹ bị cái bụi bay vào mắt đấy mà. Mẹ có khóc đâu. Đó là kỉ niệm tôi nhớ mãi cho đến tận bây giờ.

Mẹ tôi là người rất nghiêm khắc, nhưng hình như chưa bao giờ đánh con. Mỗi lần chị em tôi phạm lỗi, mẹ bắt đứng quay mặt vào tường, thậm chí có lần bắt cả hai chị em đứng úp mặt vào tường vì cái tội buổi trưa chạy đuổi nhau hò hét ầm ĩ cả khu tập thể làm mọi người mất giấc ngủ.

Mẹ gọi về bắt khoanh tay xin lỗi và úp mặt vào tường. Hai chị em đứng chịu phạt lại còn xì xào nói chuyện, mẹ phát hiện ra bắt mỗi đứa đứng một nơi. Đến chiều mẹ phải đi làm quên mất là đang phạt hai chị em.

Tôi đứng mãi mỏi chân bèn ngồi xuống, ngồi mãi buồn ngủ quá ngủ gật luôn, đến khi tỉnh dậy, giật mình nhớ đến em. Chạy sang phòng nó thì thấy nó đã lên giường nằm ngủ ngon lành.

Còn bây giờ, chị em tôi đã trưởng thành, mỗi người đều có hạnh phúc riêng, có gia đình riêng, nhưng mỗi dịp kỉ niệm ngày sinh của mẹ chúng tôi không quên mua tặng mẹ một món quà nho nhỏ, một bó hoa tươi, mong mẹ vui,mong mẹ có sức khỏe để vui sống cùng con cháu lúc tuổi xế chiều.

Giờ đây thời gian và tuổi tác đã làm cho da mẹ nhăn nheo,những vết chân chim nơi khóe mắt, nhưng chấm đồi mồi nơi gò má là nhưng vất vả nhọc nhằn mẹ nuôi mấy chị em tôi khôn lớn.

Làm sao con quên công ơn của mẹ. Con chỉ biết cảm ơn mẹ đã sinh ra chị em chúng con và nuôi dạy chúng con thành người.

Phạm Minh Hương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm