Máy bay Air France rơi vì hiện tượng “góc quan tài”?

08/06/2009 10:35 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Trong khi tin tức về những thi thể đầu tiên của chuyến bay 447 thuộc Hãng hàng không Air France được tìm thấy, cơ quan điều tra cũng bắt đầu lần ra những manh mối về nguyên nhân gây tai nạn. Theo đó, sự kết hợp giữa tình trạng thời tiết xấu và lý do kỹ thuật dường như đã khiến “con chim sắt” A330 rơi thẳng xuống biển.

Hiện tượng “góc quan tài”

Các nhà điều tra cho biết trong mớ bòng bong những bí ẩn quanh vụ tai nạn, có những sự kiện vẫn hiển hiện rất rõ ràng. Đó là vào lúc 3 giờ sáng ngày 1/6, chiếc Airbus A330 4 năm tuổi báo rằng nó đã đi vào một khu vực đang có bão với tình trạng nhiễu loạn không khí mạnh. 10 phút sau, theo tin báo từ máy bay, hệ thống bay tự động đã bị ngắt. Ở độ cao hơn 10.000m, với gió bão thổi mạnh và chiếc máy bay bị xô đẩy từ tứ phía, các phi công sẽ nhanh chóng nhận ra rằng họ đang phải điều khiển bằng tay một con chim sắt nặng 230 tấn với đủ thứ hệ thống máy tính phức tạp. Đó là công việc khó khăn và nguy hiểm hơn người ta tưởng.


Liệu chiếc Airbus A330 có phải là nạn nhân của hiện tượng “góc quan tài”?

Với một chiếc máy bay to, chở nặng, đầy nhiên liệu và bay cao như Airbus A330, tốc độ là yếu tố mang tính sống còn. Càng bay lên cao, không khí càng loãng trong khi diện tích cánh không đổi, khiến máy bay phải bay nhanh hơn để cánh có đủ lực nâng. Bay quá chậm, máy bay sẽ rơi. Tuy nhiên nếu bay nhanh, lượng không khí trôi qua cánh sẽ đạt tốc độ gần hoặc cao hơn tốc độ âm thanh (trong khi máy bay vẫn bay ở tốc độ dưới âm thanh). Ở tốc độ này, các sóng chấn động hình thành từ va chạm giữa luồng không khí với bề mặt cánh sẽ có xu hướng đẩy mũi máy xuống đất. Bay quá nhanh, máy bay sẽ cắm thẳng đầu xuống biển.

Tại độ cao lớn, khoảng cách giữa hai thời điểm tốc độ quan trọng này càng thu hẹp dần. Người ta gọi đó là hiện tượng “góc quan tài” và đây là một trong những nguy cơ chết người mà tổ lái chiếc Air France 447 phải đối mặt trong buổi sáng định mệnh ngày 1/6.

Lỗi do máy tính

Bất chấp việc chưa tìm thấy những chiếc hộp đen của chuyến bay số 447, các nhà điều tra vẫn có trong tay 24 tin nhắn cuối cùng của máy bay khi nó đang rơi xuống Đại Tây Dương. Một phân tích các tin nhắn do Cục Tai nạn và Phân tích (BAE) thuộc chính phủ Pháp đã cho thấy có những hư hỏng liên quan tới hệ thống đo đếm tốc độ của chiếc Airbus và hệ thống này đã gửi nhiều thông số tốc độ gây mâu thuẫn cho các phi công. Với dữ liệu cuối cùng của chiếc Airbus cho thấy tốc độ rơi thẳng đứng đang tăng nhanh, thì khả năng chiếc máy bay trở thành nạn nhân của hiện tượng “góc quan tài” là không thể bỏ qua. Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh chiếc Airbus bay đêm và dữ liệu thu được không chuẩn xác, các phi công sẽ không có một cơ hội nào.

Giới phi công lâu nay vẫn than phiền về thiết kế của Airbus do họ cho phép máy tính quá nhiều quyền điều khiển máy bay. Hai sự cố của máy bay Airbus gần đây cũng đều liên quan tới những hư hỏng trong hệ thống máy tính. Vụ thứ nhất xảy ra vào ngày 7/10/2008, khi chiếc Airbus 330 của hãng Quanta nhận được thông tin sai về góc của máy bay, dẫn tới việc hệ thống máy tính ra lệnh cho chiếc máy bay chúc đầu xuống đất hai lần. Phi công đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp và mặc dù 40 hành khách bị thương, may mắn là không có ai thiệt mạng. Các cuộc điều tra sau đó phát hiện lỗi từ thiết bị có tên ADIRU, chịu trách nhiệm đo tốc độ và cao độ trong máy bay.

Tháng 11/2008, tới lượt chiếc máy bay Airbus khác gặp nạn trên Địa Trung Hải. Lần này chiếc Airbus 320 thuộc hãng Air New Zealand đã đâm thẳng xuống biển, khiến toàn bộ 7 người trên máy bay thiệt mạng. Khi phân tích hộp đen của chiếc máy bay, người ta thấy nó đột ngột rơi xuống biển. Các nhà điều tra chưa công bố nguyên nhân gây tai nạn, nhưng cho biết rằng chiếc máy bay đã giảm tốc độ xuống thấp một cách khó hiểu. Với hai chiếc Airbus bị rơi và một chiếc suýt gặp nạn trong vòng có 2 năm, những thắc mắc lớn rõ ràng đang nằm ở hệ thống điều khiển được máy tính hóa cao độ của Airbus.

Tất nhiên, không thể bỏ qua một số nghi vấn khác. Hiện vẫn còn một số bí ẩn như tại sao chiếc máy bay đã không lượn vòng để tránh cơn bão trong khi các radar kiểm tra thời tiết hiện đại hoạt động rất tốt. Ngoài ra cũng không loại trừ nguyên nhân lỗi con người. Một nghiên cứu nội bộ của hãng Air France đã cho thấy “độ tin cậy lớn của những chiếc máy bay dẫn tới hậu quả là giảm khả năng đánh giá nguy cơ của phi công”. Ở tuổi 58 và có trong tay 11.000 giờ bay, có thể thấy cơ trưởng Marc Dubois của chuyến bay 447 không phải là kẻ tay mơ. Tuy nhiên biết đâu Dubois đã quá tin tưởng vào chiếc máy bay và các thiết bị hiện đại, cho tới khi chúng quay trở lại phản bội ông.

Tường Linh

 


 


 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm