Bài 3 & hết: Người lính chinh phục bầu trời

30/01/2010 07:08 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trải qua thời gian, những người lính tham gia thiết kế, chế tạo máy bay đã kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau, nhưng những kỷ niệm, kỷ vật về một thời chưa xa vẫn được các anh lưu giữ rất cẩn thận.

Qua họ, chúng tôi được tiếp xúc với những bộ ảnh, hồ sơ, tài liệu lịch sử trong quá trình thiết kế, chế tạo máy bay.

Máy bay HL-1 chạy thử


Chương trình mang mã số 660401

Tháng 9/1982, Bộ Quốc phòng giao Viện Kỹ thuật Không quân nhiệm vụ mang mã số 660401 về “Thiết kế chế thử máy bay huấn luyện”. Yêu cầu đặt ra là Viện phải tiến hành chế tạo máy bay lấy tên HL-1 để huấn luyện phi công sơ cấp và có thể dùng làm máy bay liên lạc, trinh sát hoặc chỉ điểm mục tiêu.

Đại tá Trần Mạnh Chung hiện là chuyên viên quản lý dự án thuộc Cục Kỹ thuật PK-KQ kể lại: “Với những kinh nghiệm khi nghiên cứu máy bay trinh sát TL-1, công việc nghiên cứu máy bay huấn luyện HL-1 có thuận lợi hơn. Toàn bộ tài liệu thiết kế kỹ thuật đã được chúng tôi hoàn thành với 800 trang và 1.200 bản vẽ lớn nhỏ. Đầu năm 1983, Xưởng khẩn trương thiết kế công nghệ và bắt đầu gia công chi tiết. Công việc tiến hành trong 6 tháng. Sau hơn 3 năm, ngày 19/6/1984 máy bay HL-1 với 2 chỗ ngồi, nặng 1.260kg được xuất xưởng để thực hiện chương trình bay thử nghiệm với các bài bay soạn thảo theo đúng điều lệ bay áp dụng cho các máy bay của nước ngoài mà ta đang sử dụng trong huấn luyện chiến đấu”.

Đại tá, phi công Nguyễn Duy Lê


Đại tá Nguyễn Duy Lê, một trong hai phi công thực hiện chuyến bay thử lần đó cho biết: “Đợt bay thử đã thành công tốt đẹp, chúng tôi thực hiện tất cả 23 chuyến bay với tổng cộng 9 giờ 30 phút trên không. HL-1 đạt được tốc độ bay bằng lớn nhất là 275km/h, tốc độ lớn nhất khi bổ nhào đạt 365km/h, tốc độ rời đất 100km/h, tốc độ tiếp đất 90km/h, độ cao đạt 4.000m. Các số liệu đạt được khi bay thử phù hợp với các số liệu thiết kế và những dự đoán ban đầu trước khi bay, độ sai lệch là không đáng kể”.

Sau khi chương trình bay thử HL-1 thành công, Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng đến thăm Quân chủng PK - KQ và trực tiếp xem sản phẩm. Sau khi khen ngợi và cổ vũ cán bộ, chiến sỹ của Viện Kỹ thuật Không quân, Chủ tịch đã tặng Viện một chiếc ô tô Látvia 12 chỗ ngồi, chiếc xe này được Viện sử dụng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học nhiều năm sau đó, gần đây nó mới ngừng hoạt động và được lưu giữ cẩn thận tại Viện Kỹ thuật PK-KQ.

Đại tá, Tiến sỹ Trần Mạnh Chung


Từ việc chế tạo thành công TL-1 và HL-1, tại hội nghị mở tổng kết nhiệm vụ chế tạo máy bay của Viện Kỹ thuật không quân, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gợi ý: “Viện nên thiết kế chế tạo máy bay đậu nước vì nước ta có biển, sông, hồ. Có thể dùng nó làm phương tiện liên lạc tới các đảo xa”.

Từ gợi ý của Bộ trưởng, đầu năm 1985, Viện bắt tay vào quyết tâm nghiên cứu, chế tạo máy bay đậu nước HL-2. Đại tá  Nguyễn Văn Hải cho biết: “Quá trình thiết kế, chế thử máy bay HL-2 được phân thành 2 bước. Bước 1: Hoàn thiện thiết kế theo mẫu HL-1. Bước 2: Sau khi bay thử tốt sẽ lắp thêm phao đậu nước. Phương án được chọn là phao chứ không dùng loại chân thuyền”.

Cuối năm 1985 Viện hoàn thành phần thiết kế. Năm 1986 tiến hành thi công, đến tháng 3 năm 1987, HL-2 đã được chế tạo xong. Về tính năng kỹ - chiến thuật HL-2 tương tự như máy bay HL-1, chỉ khác là hai cánh lắp với góc vểnh lớn hơn để tăng tính ổn định. Ngày 26/4/1987 máy bay HL-2 do phi công Nguyễn Duy Lê và Lê Văn Thể điều khiển đã cất cánh thực hiện chuyến bay đầu tiên, đợt bay thử kết thúc thành công với tổng thời gian là 16 phút. Công việc đang dở dang thì cấp trên có lệnh yêu cầu Viện dừng lại để tập trung cán bộ cho công tác khai thác các máy bay hiện có của Quân chủng. Vì thế bước 2 nhiệm vụ là lắp phao để hạ cánh trên mặt nước cũng phải gác lại.

Đại tá, Tiến sỹ Nguyễn Văn Hải


 “Thủy phi cơ VNS-41” cất cánh

Sau nhiều năm gián đoạn, ngày 9/2/2004, Bộ Quốc phòng có Quyết định số 175/QĐ-BQP giao Quân chủng PK-KQ thực hiện nhiệm vụ: “Chế tạo máy bay lưỡng dụng siêu nhẹ VNS-41”. Đây là công trình trọng điểm chào mừng 60 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân chủng giao cho Viện Kỹ thuật và Nhà máy A41 (Cục Kỹ thuật PK-KQ) thiết kế, chế tạo.

Sau một thời gian dài gián đoạn nên tất cả dường như phải bắt đầu lại từ đầu. Hơn nữa A41 là nhà máy sửa chữa máy bay vận tải quân sự nên gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Đại tá, Tiến sỹ Võ Tá Quế, Giám đốc Nhà máy A41 là chủ nhiệm dự án máy bay VNS-41 nhớ lại: “Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, A41 coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2004. Nhóm chế tạo thử máy bay được thành lập gồm 41 thành viên với các bộ phận quản lý, thiết kế, chỉ đạo chế thử và trực tiếp sản xuất”.

Đại tá, Tiến sỹ Võ Tá Quế cho biết: “Vấn đề vật liệu Composite để làm thân và cánh máy bay đặt ra nhiều khó khăn, thử thách, yêu cầu của vật liệu này là vừa phải thật nhẹ, vừa phải chịu lực tốt, nhất là khi cất, hạ cánh và lướt trên mặt nước. Có cơ sở trong nước sẵn sàng chuyển giao công nghệ để chế tạo vật liệu Composite, nhưng giá thành cao tới gần 400 nghìn đô la, tương đương với hơn 6 tỷ đồng Việt Nam lúc đó. Nhà máy phải phát huy tinh thần sáng tạo tập thể, tự lực cánh sinh, tìm mọi cách nghiên cứu và chế thử bằng được loại vật liệu này ”.

“Cái khó ló cái khôn”, Nhà máy đã hợp tác với Trung tâm Polyme thuộc Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu triển khai công nghệ thi công các cụm kết cấu chi tiết của máy bay VNS-41. Thượng úy Ngô Huy Hoàng thuộc tổ nghiên cứu vật liệu Composite nhớ lại: “Để hoàn thành được thân, cánh máy bay VNS-41, chúng tôi đã phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới thành công. Riêng về càng máy bay là một vấn đề nan giải, làm thế nào để vật liệu thật nhẹ có thể chịu lực tốt, không bị biến dạng khi hạ cánh. Nhóm đã phải mày mò thử nghiệm để tìm ra công thức cho vật liệu đáp ứng yêu cầu và phải đến bộ càng thứ 7, yêu cầu đề ra mới đạt được”.

Máy bay lưỡng dụng siêu nhẹ VNS-41 phục vụ trưng bày


Sau khi chế thử các cụm chi tiết, máy bay VNS-41 bước vào giai đoạn tổng lắp, kiểm tra, hiệu chỉnh và chuẩn bị bay thử nghiệm. Đầu tháng 12/2004, máy bay lưỡng dụng siêu nhẹ VNS-41 số hiệu 401 do Việt Nam chế tạo đã bay thử thành công tại vùng hồ Trị An, tỉnh Đồng Nai. Ngày 24/12/2004 máy bay VNS-41 đã bay báo cáo với lãnh đạo Nhà nước và Bộ Quốc phòng tại sân bay Hòa Lạc. VNS-41 có chiều dài 6,97m, sải cánh dài 11,655m, chiều cao 2,535m, trọng lượng cất cánh lớn nhất 780kg, trọng lượng rỗng 525kg, tổ bay 2 người, tốc độ bay lớn nhất đạt 140-160km/h, tốc độ hành trình 100-135km/h, trần bay 3.000m, tầm bay tối đa 300km. Máy bay có thể cất hạ cánh trên mặt đất và trên mặt nước trong điều kiện khí tượng giản đơn ban ngày.

Sự thành công của VNS-41 đã mở ra khả năng chế tạo hàng loạt máy bay loại nhỏ phục vụ cho mục đích huấn luyện phi công, di lịch, cứu hộ, cứu nạn, an ninh, quốc phòng và các mục đích dân sự khác của ngành công nghiệp hàng không Việt Nam trong tương lai.

Thành Trung (Quân chủng Phòng không – Không Quân)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm