01h45 ngày 28/04, Real Madrid - Barcelona: Bại binh phục hận

27/04/2011 11:05 GMT+7 | Champions League

(TT&VH) - Thấm thoắt mà serie phim mang tên "Kinh điển" cũng đã được chiếu đến tập thứ 3. Trong hai tập đầu tiên, kết quả thì nghiêng về phía Real Madrid, với 1 trận thắng và 1 trận hòa, nhưng thành quả thì chia đều, với Liga cho Barca và Cúp Nhà Vua cho Real. Và điều may mắn nhất là thảm họa "bàn tay nhỏ" đã không xuất hiện lần nữa, mà ngược lại, thầy trò Jose Mourinho đã cho thấy họ biết cách và có thể khắc chế tiqui-taca của Barca. Để khi vào hồi gay cấn nhất, với 2 trận đấu ở Champions League danh giá, đội nào cũng được quyền cho rằng chân lý thuộc về mình.

Xứng danh "Kinh điển"

Messi chắc chắn sẽ bị cầu thủ Real đeo bám và truy cản quyết liệt như thường lệ-Ảnh Getty

Trước khi loạt trận "Kinh điển" chính thức bắt đầu, nhiều cổ động viên trung lập đã lo rằng đến trận thứ 3 thì chẳng còn gì để xem nữa. Bởi một đội bóng như Barca mà đã thắng được một trận, và tệ hơn là thắng đậm, thì với cái đà tâm lý sẵn có, việc họ thắng nốt 3 trận còn lại cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng rất may là điều đó đã không xảy ra. Ngược lại là đằng khác. Bây giờ, chính các cầu thủ Real Madrid mới là những người chiếm lợi thế về tinh thần. Kết quả trận sau tốt hơn trận trước, còn lối chơi thì ngày một gắn kết và nhuần nhuyễn hơn, đặc biệt là trong khâu tổ chức phản công. Khi một đội bóng bị đánh giá thấp hơn có lợi thế về tinh thần, đó luôn là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển của thế trận trên sân.

Nhiều người không thích cái cách Real Madrid tổ chức phá lối chơi của Barca, trong đó có cả những huyền thoại của đội bóng áo Trắng. Nhưng cũng phải thừa nhận, là chính lựa chọn của người Madrid đã khiến cho trận "Kinh điển" thêm phần… kinh điển.

Bây giờ, giữa hai đội bóng là một sự đối lập hoàn hảo. Như lửa với nước. Như cương với nhu. Như dương với âm. Sự đối lập thể hiện ngay từ phòng thay đồ, nơi Mou luôn tỏ ra "hung hăng" như thể muốn tấn công tất cả, còn Pep lại luôn cố gắng duy trì bầu không khí hòa bình lâu nhất có thể. Sự đối lập thể hiện qua cách hai đội tiếp cận trận đấu, với Real Madrid cố gắng phá lối chơi của đối phương bằng những pha vào áp sát quyết liệt, còn Barca tìm cách áp đặt thế trận bằng sự mềm mại trong từng pha bóng, với hai hình ảnh tiêu biểu là Pepe và Messi. Cả cái cách họ đá phạt cũng đối lập: Real luôn phát bổng lên với mục tiêu tiếp cận khung thành đối phương càng nhanh càng tốt, còn Barca thì luôn thực hiện nhanh, với ưu tiên hàng đầu là duy trì quyền kiểm soát bóng.

Có chỗ cho cảm xúc thăng hoa?

Dự đoán của bạn về trận BK lượt đi Champions League, Real - Barca?

Bắt đầu trước trận Chung kết Cúp Nhà Vua khoảng 45 phút là trận đá bù Premier League giữa Tottenham với Arsenal. Và hẳn là đã có rất nhiều CĐV trung lập, nghĩa là không phải fan của Arsenal, Tottenham hay Real Madrid, Barca, đã chọn giải pháp quay lại với trận derby Bắc London chỉ sau ít phút theo dõi trận "Kinh điển". Lý do thật đơn giản: Tính giải trí trong trận đấu ở Anh cao hơn nhiều. Trong khi trên sân White Hart Lane, cầu thủ hai đội hồ hởi tấn công, hồ hởi… sai lầm và hồ hởi ghi bàn, kéo theo những màn thăng hoa cảm xúc, thì ở Mestalla, bầu không khí như đặc quánh cả lại. Thế trận trên sân chẳng khác gì một sợi dây đã bị cả hai bên kéo căng hết cỡ, khiến người xem cũng thấy ngột ngạt, với cảm giác là bên nào buông tay trước, bên ấy sẽ lãnh đủ sức bật của cả sợi dây.

Sự tồn tại của một bầu không khí như thế cho thấy Mourinho đã thành công. Còn Guardiola và các học trò thì thật "đáng trách". Họ đã quá chú trọng vào khâu kiểm soát bóng, có thể vì đó là phong cách của họ, nhưng cũng có thể vì họ sợ phải trả giá khi mất bóng, để rồi đánh mất cả sự táo bạo. Nỗ lực của một mình Messi là không đủ. Đó là điều cần phải thay đổi ở Barca. Người Madrid đã phạm sai lầm, đã nhận ra được sai lầm, đã thay đổi, và họ đã được tưởng thưởng xứng đáng. Barca lúc này, ở một mức độ nào đó, cũng giống như Real Madrid trước khi serie phim "Kinh điển" bắt đầu. Nghĩa là họ cũng bị đánh giá là chịu nhiều bất lợi hơn, với những tổn thất to lớn cả về con người lẫn tinh thần. Nghĩa là họ cũng phải thay đổi, và có thể thay đổi.

Dưới thời Guardiola, nguyên tắc của Barca là "dĩ bất biến ứng vạn biến", nghĩa là mặc đối thủ đá thế nào thì đá, tôi cứ chơi theo cách của tôi. Diễn biến của hai trận "Kinh điển" vừa qua cho thấy Real Madrid luôn hụt hơi và đánh mất sự chắc chắn trong hiệp 2, và Barca không thiếu cơ hội để khai thác. Nhưng với hàng thủ chắp vá hiện nay, và nhìn cái cách Real dồn dập phủ đầu ở trận trước, chỉ e rằng đến lúc ấy mới giải phóng cảm xúc là quá muộn.

Dự đoán: 1-2

Lực lượng

Real Madrid: Carvalho bị treo giò. Gago, Khedira chấn thương.

Barca: Abidal, Adriano, Maxwell, Krkic chấn thương. Iniesta nghi ngờ.

Đội hình dự kiến

Real Madrid: Casillas - Arbeloa, Ramos, Albiol, Marcelo - Alonso, Diarra, Pepe - Oezil, Di Maria, Ronaldo.

Barca: Valdes - Alves, Pique, Mascherano, Puyol - Busquets, Xavi, Iniesta - Pedro, Messi, Villa.

Chỉ số so sánh (trái là Real, phải là Barca)

24 (1)

Bàn thắng

24 (1)

3 (2)

Bàn thua

 7 (5)

25 (2)

Thẻ vàng

7 (21)

 

2 (2)

Thẻ đỏ

0 (17)

82 (1t)

Sút trúng đích

75 (2)

124 (8)

Phạm lỗi

102 (20)

141 (4)

Bị phạm lỗi

145 (5)

62% (2)

Kiểm soát bóng (%)

61% (3)

369 (2)

Kiểm soát bóng (phút)

407 (1)

Karim Benzema: 6 (5)

Chân sút hàng đầu

Lionel Messi: 9 (1)

Mesut Ozil: 6 (1)

Chân chuyền hàng đầu

Andres Iniesta: 3 (16)

Cristiano Ronaldo: 22 (2)

Sút nhiều nhất

Lionel Messi: 26 (1)

Lassanna Diarra: 17 (12)

Phạm lỗi nhiều nhất

Dani Alves: 21 (6)

Xabi Alonso: 20 (9)

Bị phạm lỗi nhiều nhất

Sergio Busquets: 18 (16)


Việt Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm