Từ thành công của Dortmund và Malaga: Tiền không phải là tất cả

03/04/2013 13:37 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Những câu chuyện thành công của hai chú ngựa ô Dortmund và Malaga cho thấy trong bóng đá hiện đại, tiền đóng vai trò quan trọng nhưng không quyết định tất cả.

Những cầu thủ giá rẻ của Dortmund từng khiến Real Madrid khốn khổ

1. Trong quá khứ, giai đoạn Dortmund tiêu pha nhiều nhất lại không phải là giai đoạn họ thành công nhất. Khoảng những năm 2000, Dortmund đổ cả trăm triệu mark vào thị trường chuyển nhượng nhưng rốt cuộc, chỉ “mua” được chức vô địch Bundesliga năm 2002, chủ yếu nhờ sự sa sút của Leverkusen ở giai đoạn cuối. Còn tại Champions League, Dortmund hai lần không qua được vòng bảng, giỏi nhất cũng chỉ là vào đến vòng 2.

Trong triều đại của HLV Juergen Klopp, Dortmund phải chi tiêu rất tằn tiện (trừ số tiền bán cầu thủ, “Vàng-Đen” thực tế mới đổ chưa đến một triệu euro vào “chợ cầu thủ”) nhưng lại giành được không ít thành tích vẻ vang. Tại Đức, Dortmund vô địch Bundesliga 2 năm liên tiếp, thậm chí mùa trước còn giành nốt cả Cúp Quốc gia. Tại Champions League, Dortmund đã lừng lững tiến vào tứ kết sau khi cuốn phăng Real Madrid và Man. City lắm tiền nhiều của ở vòng bảng.

Hơn 10 năm trước, Dortmund thất bại bởi đã mang về quá nhiều ngôi sao mới, làm nhạt dần chất Đức, yếu tố chính giúp họ thành công ở Champions League năm 1997. Dortmund là một tập hợp nhiều ngôi sao (cũng không quá chất lượng so với các đội hàng đầu châu lục) nhưng không phải là một đội bóng đúng nghĩa như năm 1997. Ông Udo Lattek, HLV của Dortmund năm 2000, đã phải kêu trời rằng đầu óc cầu thủ nào cũng tắc nghẽn bởi những ý định riêng, không hết mình vì đội bóng.

Dortmund hiện nay dù không phải vị trí nào cũng xuất sắc nhưng lại thành công rực rỡ bởi là một đội bóng đúng nghĩa. Gần như tất cả các vị trí đều được “người cha” Klopp mang về hoặc đôn lên đội Một, uốn nắn thành một gia đình, luôn biết hy sinh cho nhau. Chẳng hạn, Marco Reus hay Mario Goetze đang là những ngôi sao nóng nhất trên thị trường chuyển nhượng nhưng chưa bao giờ cố tìm cách tỏa sáng để đánh bóng tên tuổi, thay vào đó luôn cần mẫn phục vụ cho lối chơi chung.

2. Không có những đồng tiền của tỷ phú Al-Thani, Malaga có lẽ không bao giờ dám mơ tới Champions League. Trước khi vị hoàng thân Qatar tới sân La Rosaleda hồi năm 2010, Malaga chỉ cán đích ở vị trí thứ 17/20, hơn nhóm xuống hạng một điểm. Với sự đầu tư của ông Al-Thani, Malaga đã đã được bổ sung hàng loạt ngôi sao và mùa trước, CLB này đã lần đầu tiên trong lịch sử chen chân được vào tốp bốn, giành được một suất đá play-off Champions League.

Nhưng thành công hiện nay của Malaga không phải là thành quả từ cơn mưa tiền của tỷ phú giàu mỏ. Từ cuối mùa trước, Al-Thani đã gần như rút ống thở của Malaga, khiến CLB này nợ lương thưởng, thuế chồng chất, buộc phải bán hay thanh lý hợp đồng với hàng loạt trụ cột như Cazorla, Jose Rondon, Van Nistelrooy hay Joris Mathijsen. Thậm chí hồi tháng 12 năm ngoái, UEFA đã quyết định cấm Malaga dự Cúp châu Âu mùa tới nếu không giải quyết được những khoản nợ còn tồn đọng.

Chiến công hiển hách của chú ngựa ô đến từ sự tài tổ chức của "kỹ sư" Manuel Pellegrini, người từng giúp Villarreal vào bán kết Champions League cách đây 7 năm. Chiến lược gia người Chile đã tài tình lắp ghép những mắt xích tưởng đã hoen gỉ như Martin Demichelis, Javier Saviola với những mầm non chưa mấy kinh nghiệm như Isco,  Francisco Portillo, Ignacio Camacho thành một cỗ máy hoàn chỉnh, hạ gục được những tên tuổi như Milan hay Porto.

3. Trong bóng đá hiện đại, không thể phủ nhận rằng tài chính đóng một vai trò quan trọng. Không có tiền, Dortmund đã không thể mua được Reus, giữ chân được Goetze (hiện hưởng lương cao nhất đội) và Malaga cũng không thể lột xác nhanh như vậy. Nhưng nếu không có tài quản lý, thao lược của HLV Klopp hay Pellegrini, Dortmund hay Malaga đã không thể thành công như hiện nay. Nên nhớ Man City còn tiêu pha gấp vài lần cả Dortmund lẫn Malaga cộng lại nhưng hai mùa gần đây, không vượt qua được vòng bảng.

Khi bóng đá châu Âu đã xuất hiện quá nhiều gã nhà giàu, đang hỗn loạn vì tiền bạc thì sự thành công của những chú ngựa ô như Malaga hay đặc biệt là Dortmund sẽ là một lời nhắc nhở rằng khi sinh ra không giàu, người ta vẫn có thể thành công.

Trần Khánh An
Thể thao & Văn hóa

0 Mùa này, Malaga bán hàng loạt trụ cột, thu về 41,6 triệu euro và không bỏ ra một xu nào vào "chợ cầu thủ".

6 Mùa này, Dortmund đổ 26,65 triệu euro vào thị trường chuyển nhượng nhưng thu về 33,3 triệu euro nên chung cuộc, vẫn lời 6,65 triệu euro.

9 9/10 cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử Dortmund được mang về từ năm 1999 tới 2002 (người còn lại là Marco Reus), giai đoạn "Vàng-Đen" chỉ giành được một Đĩa bạc và một lần vượt qua vòng bảng Champions League.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm