Màn 'lộ diện' chưa thuyết phục của Trần Trọng Dần

30/08/2023 08:38 GMT+7 | Giải trí

Phim Kẻ ẩn danh đánh dấu sự chuyển hướng của nhà sản xuất Trần Trọng Dần sang vai trò đạo diễn. Cũng như Ngôi nhà trong hẻm, Dịu dàng - những phim do anh làm sản xuất - Kẻ ẩn danh tiếp tục cho thấy các tác phẩm của nhà làm phim Việt kiều này luôn có sự đầu tư nghiêm túc, nhưng nội dung vẫn khó chạm đến cảm xúc người xem, vì xa lạ, rời rạc. Vì thế màn "lộ diện" của Trần Trọng Dần với vai trò mới đạo diễn chưa thể xem là thành công.

Công chiếu từ ngày 25/8, đến nay phim đã thu về được gần 17 tỷ đồng, khả năng hòa vốn là có cơ sở.

Hành động "cháy máy"

Phim kể về Lâm, một gã giang hồ đã ở ẩn, buộc phải quay về con đường chém giết không ghê tay để giải cứu cho Hiền, con gái riêng của vợ, đang bị kẻ xấu dụ dỗ, bắt cóc. Kẻ thù cuối cùng mà Lâm đối phó là Tùng - người đứng đầu đường dây buôn bán phụ nữ.

Màn 'lộ diện' chưa thuyết phục của Trần Trọng Dần - Ảnh 1.

Hành động trong phim đẹp theo kiểu biểu diễn, sắp đặt

Mô-típ cha/mẹ đối đầu với những kẻ xấu để cứu con trong Kẻ ẩn danh tương tự như phim 578: Phát đạn của kẻ điên, Hai Phượng… Yếu tố hành động cũng bạo lực, đẫm máu không thua kém. Tuy nhiên, so về độ tự nhiên, sự chân thật, thì Kẻ ẩn danh chưa làm được. Các pha hành động trong phim đẹp mắt, nhưng mang tính biểu diễn nhiều hơn thực chiến. Các đòn thế của nhân vật chính lộ sự sắp đặt, chứ chưa tạo cảm giác đây là phản xạ tự nhiên của một gã giang hồ chuyên nói chuyện bằng bạo lực.

Màn 'lộ diện' chưa thuyết phục của Trần Trọng Dần - Ảnh 2.

Nam chính Kiều Minh Tuấn (vai Lâm) gây ấn tượng khi lần đầu vào vai hành động. Từ tạo hình đến các nét biểu cảm trên gương mặt anh thể hiện được sự lạnh lùng, cộc cằn, đáng sợ của gã giang hồ. Các động tác của anh cũng nhanh nhẹn, dứt khoát, đúng chất một kẻ giết người không ghê tay.

Cũng như Kiều Minh Tuấn, Quốc Trường (vai Tùng) lần đầu thử sức với một vai diễn nặng đánh đấm. Thần thái của Quốc Trường khi ra tay cũng tạo ấn tượng mạnh bởi sự gian ác, điên cuồng.

Màn 'lộ diện' chưa thuyết phục của Trần Trọng Dần - Ảnh 3.

Quốc Trường (trái) cố gắng lột xác, nhưng thiếu đất diễn

Phần hành động trong phim Kẻ ẩn danh được chăm chút về mặt ý tưởng, cách dàn dựng bối cảnh chiến đấu. Với lợi thế mời được đạo diễn hành động Samuel Kefi Abrikh (chỉ đạo hành động các phim Hai Phượng, Thanh Sói, The Princess, Lucy…), những cảnh hành động trong phim đều đẹp mắt, đã tai.

Đáng nhớ nhất là cảnh Lâm xông vào phòng tranh. Từ trước đến nay chưa phim nào chọn đánh nhau ở một địa điểm triển lãm mỹ thuật. Việc xây dựng bối cảnh phòng tranh cũng độc đáo khi đưa vào các yếu tố văn hóa Việt. Các sát thủ nam mặc áo dài xưa, đeo mặt nạ, sát thủ nữ mặc áo bà ba. Tất cả sử dụng vũ khí là các nông cụ hoặc các loại nhạc cụ truyền thống.

Màn 'lộ diện' chưa thuyết phục của Trần Trọng Dần - Ảnh 4.

Kiều Minh Tuấn cho thấy khía cạnh mới của diễn xuất

Kịch bản không "ngấm nổi"

Thể loại phim hành động thường có cốt truyện đơn giản và khó lòng trông mong sở hữu kịch bản hay. Kẻ ẩn danh cũng không là ngoại lệ. Câu chuyện phim đơn giản, hệ thống nhân vật không nhiều, lối kể cũng không có gì lắt léo. Dù vậy, người xem vẫn khó lòng ngấm nổi, vì kịch bản khá sơ sài, lỏng lẻo.

Như nhiều phim báo thù khác, Kẻ ẩn danh cũng có tuyến truyện về tình cảm gia đình, tình anh em trong giang hồ, nhưng tuyến nào cũng khắc họa hời hợt. Xem phim khán giả chưa thấy được tình cảm sâu đậm của Lâm dành cho người vợ "rổ rá cạp lại" là Hạnh (Vân Trang đóng) và con gái của Hạnh là Hiền (Mai Cát Vi đóng). Người xem cũng không thấy được tình nghĩa giang hồ giữa Lâm và đàn em là Lu (Mạc Văn Khoa đóng).

Màn 'lộ diện' chưa thuyết phục của Trần Trọng Dần - Ảnh 5.

Kiều Minh Tuấn, Vân Trang đều là diễn viên thực lực, diễn tâm lý tốt, nhưng kịch bản phim chưa khai thác hết thế mạnh này của họ. Hiếm hoi mới có một cảnh thể hiện diễn xuất ăn ý, tình cảm của Kiều Minh Tuấn và Vân Trang, đó là đoạn Lâm nhẹ nhàng dỗ ngọt vợ sau khi 2 mẹ con Hạnh - Hiền cãi nhau kịch liệt trên bàn ăn và Hiền bỏ nhà đi.

Màn 'lộ diện' chưa thuyết phục của Trần Trọng Dần - Ảnh 6.

Yếu tố gia đình chưa được rõ nét

Quá khứ các nhân vật cũng phác họa hời hợi dẫn đến người xem nhiều lúc thấy khó hiểu với ứng xử, hành động của họ. Nhân vật phản diện chính của phim là Tùng được phân bổ thời lượng quá ít, khiến sức nặng của vai này bị giảm nhẹ. Tùng chỉ xuất hiện chớp nhoáng ở gần cuối phim và không lâu sau thì bị hạ gục.

Phim có chút yếu tố hài để hạ nhiệt không khí căng thẳng giữa các cuộc thanh toán, nhưng tình tiết, mảng miếng hài khó cười nổi. Tiếng cười trong phim nhạt nhẽo, dù Mạc Văn Khoa cố gắng hết sức và diễn xuất cũng có sự tiết chế.

Kịch bản phim còn nhiều điểm khác thiếu thuyết phục, nếu không muốn nói là ngớ ngẩn. Chẳng hạn việc Hiền nhanh chóng trốn thoát khỏi chỗ nhốt nhờ bọn xấu quên đếm người lúc vận chuyển; công an dễ dàng tiết lộ chuyên án vây bắt tội phạm với Lâm; Lâm lẽ ra đã triệt hạ được Tùng thì phút cuối lại tha cho hắn để bị "phản kèo"…

Tóm lại, Kẻ ẩn danh cho thấy nỗ lực, tâm huyết của nhà làm phim Trần Trọng Dần, nhưng dấu ấn đạo diễn của anh thì chưa đậm. Màn chào sân của anh trong vai trò mới chưa để lại nhiều ấn tượng đáng nhớ.

Dương Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm