Cựu Thủ tướng Thaksin trở lại sống đời lưu vong

13/08/2008 07:47 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 11/8, toà án Thái Lan chính thức ra lệnh truy nã hai vợ chồng cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra sau khi ông không ra hầu toà về tội tham nhũng và cả hai vợ chồng đã bỏ trốn sang Anh. Tuy nhiên, lệnh bắt này được đánh giá là sẽ chẳng thể đưa Thaksin về nước nếu ông không tự làm điều đó.

Vợ chồng cựu Thủ tướng Thaksin xem bóng đá tại CLB Manchester City (Anh)

"Nếu may mắn, tôi sẽ về và chết trên đất Thái"

Ngay sau khi chạy sang Thái Lan, ông Thaksin đã ra một tuyên bố bằng văn bản trong đó nhấn mạnh có những tác động xấu từ trong nước đã khiến ông buộc phải tới sống lưu vong ở Anh.

"Những gì xảy ra với tôi, gia đình và họ hàng thân cận bắt nguồn từ một nỗ lực loại tôi khỏi chính trị; thông qua các biện pháp ám sát; qua bàn tay quân đội; qua những nhân vật đối lập với tôi đang nắm quyền giải quyết các cáo buộc pháp lý" - ông Thaksin viết - "Những con người này coi tôi là kẻ thù chính trị của họ. Họ không hề quan tâm tới luật pháp, sự thật hay những tiến trình xét xử đã được quốc tế thừa nhận. Gia đình tôi và tôi đã bị đối xử thiếu công bằng".

Thaksin xin lỗi toà án và người dân Thái Lan khi đã bỏ trốn. Ông thổ lộ: "Nếu may mắn, tôi sẽ về và chết trên đất Thái, như mọi người Thái khác". Quyết định của Thaksin được coi như đã chấm dứt hoàn toàn sự ảnh hưởng của một doanh nhân, một chính trị gia từng có thế lực ở Thái Lan. Người ta cho rằng việc bà Pojaman bị kết án ba năm tù vì tội trốn thuế đã khiến ông Thaksin bị sốc và nghĩ tới chuyện đào tẩu.

"Ông ấy đã bôi nhọ toà án và cơ hội quay trở về của ông ấy chỉ là con số 0" - Chris Baker, tác giả một cuốn sách về Thaksin nhận xét. “Sự nghiệp chính trị của Thaksin coi như đã chấm dứt" - ông Thit­inan Pongsudhirak, một chuyên gia phân tích chính trị của Đại học Chulalongkorn đánh giá.

Không trở về Thái Lan, ông Thaksin cũng chấp nhận bỏ lại phía sau gia sản trị giá 2 tỉ USD của gia đình ông, có được từ việc bán cổ phiếu tập đoàn Shin Corp. Khoản tiền này bị phong toả sau cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2006 và kể từ đó vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của nhà chức trách Thái Lan.

Ngoài tầm với của chính phủ

Hiện chưa rõ vợ chồng ông Thaksin có xin tị nạn chính trị ở Anh hay không. Năm 2006, 17 trong số 100 người xin tị nạn ở Anh đã được chấp nhận. Nếu Thaksin muốn được tị nạn chính trị, ông phải làm đơn trong thời gian càng sớm càng tốt. Thủ tục xin tị nạn chính trị sẽ mất khoảng 30 ngày chờ đợi trước khi nhận được kết quả.

Nếu Thaksin xin tị nạn và được chấp nhận, gia đình ông sẽ được bảo vệ pháp lý. Họ sẽ có quyền sống và làm việc ở Anh trong 5 năm. Trong khoảng thời gian này nhà chức trách sẽ giúp cung cấp tài liệu và các thông tin mà gia đình Thaksin cần để xây dựng cuộc sống mới.

Nếu bị từ chối tị nạn, Thaksin và gia đình sẽ được quyền được đệ đơn xin xem xét lại. Họ sẽ được ở lại Anh tạm thời ở những khu vực riêng biệt chuyên dành cho hoạt động nhân đạo. Họ sẽ phải tuân theo một số yêu cầu của nhà chức trách và sẽ bị bắt nếu vi phạm các yêu cầu đó.

Tuy nhiên phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Tharit Charungvat, cho hay Thaksin không cần phải xin tị nạn chính trị vì lâu nay gia đình ông vẫn đang ở Anh với tư cách nhà đầu tư và một số tư cách hợp pháp khác.

Sau khi hai vợ chồng bỏ trốn, toà đã ra lệnh tịch thu toàn bộ khoản tiền bảo lãnh tại ngoại trị giá 385.000 USD của họ và ra lệnh truy nã. Theo một số chuyên gia, chính phủ Thái Lan có thể yêu cầu dẫn độ Thaksin về nước theo hiệp ước dẫn độ đã ký với Anh hồi năm 1911. Song việc này cũng không phải dễ dàng.

Hiệp ước cho phép Anh bắt giữ và chuyển về Thái Lan những người Thái phạm vào một trong số 31 tội có thể dẫn tới việc bị dẫn độ. Tuy nhiên toàn bộ các tội danh dành cho ông Thaksin và vợ, như tội lạm dụng quyền lực để mua đất giá rẻ, lại không nằm trong danh sách 31 tội này. Đó là chưa kể tới việc Thái Lan phải chứng minh việc bắt giữ ông Thaksin không mang động cơ chính trị.

Thaksin vẫn xếp sau Olympic

Khác với khi Thaksin về nước, những diễn biến mới nhất liên quan tới số phận của ông đã không thu hút được nhiều sự chú ý của người dân. Cả nước Thái Lan hiện đang dính chặt lấy TV để theo dõi Olympic. Sau khi VĐV cử tạ Prapawadee Jaroenrattanatarakoon của nước này giành được HCV tại Olympic, câu chuyện liên quan tới Thaksin giờ đã trở thành thứ yếu.

"Chẳng có gì để quan tâm nữa vì ông ấy sang Anh rồi. Trong khi đó ở Olympic, chúng tôi vẫn không biết liệu có còn người Thái nào sẽ giành huy chương nữa không" - biên tập viên Tulsathit Taptim của tờ Nation giải thích về thái độ của người dân.

Theo ông Tulsathit, đại đa số người Thái thậm chí còn vui mừng trước tin Thaksin sẽ không trở về nước nữa. "Dấu hiệu lớn nhất là chứng khoán Thái Lan đã tăng trong ngày 12. Thậm chí từ cuối tuần trước chứng khoán đã lên cao khi có tin Thaksin sẽ không về nước" - Tulsathit nói. Cuộc đối đầu quá lâu giữa lực lượng ủng hộ và không ủng hộ Thaksin đã gây căng thẳng, chia rẽ đất nước. Nhiều người hy vọng khi Thaksin đi, sự đối đầu này sẽ biến mất, giúp Thái Lan lấy lại sự ổn định.

Tuy nhiên thực tế ở Thái Lan đã cho thấy điều đó khó có thể xảy ra. Trước mắt, Chamlong Srimuang, thủ lĩnh Phong trào dân chủ vì nhân dân (PAD) của Thái Lan tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục tiến hành biểu tình dù Thaksin có ở trong nước hay không. Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện nghiên cứu về An ninh và Quốc tế ở Đại học Chulalongkorn cho hay sau khi Thaksin ra đi, đương kim Thủ tướng Samak Sundaravej giờ sẽ nắm lấy lỗ hổng quyền lực mà ông bỏ lại. Trong thời gian tới mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào Samak, xem ông sẽ làm gì để ổn định đất nước và đoàn kết nội bộ đảng Sức mạnh nhân dân cầm quyền.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm