Để Lý Nhã Kỳ có cơ hội chứng tỏ mình…

08/10/2011 06:48 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sáng qua (7/10), tại Bộ VH,TT&DL đã diễn ra cuộc họp báo thường kỳ về tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm và trọng tâm tuyên truyền 3 tháng cuối năm 2011. Thế nhưng, tại cuộc họp báo này, nhiều câu hỏi “nóng” lại chỉ xoay quanh vị trí của Đại sứ du lịch Lý Nhã Kỳ với chuyện có bằng đại học ở Đức hay bố là liệt sĩ… của cô.

Ông Nguyễn Văn Tình – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế gần như không né tránh mà trả lời tất cả những câu hỏi báo chí đặt ra, đồng thời cho biết, Lý Nhã Kỳ đang có chương trình dày đặc nhằm đẩy nhanh quá trình bầu chọn vịnh Hạ Long. Đồng thời cho biết, cô sẽ bay đi Hong Kong (Trung Quốc) cùng lãnh đạo Bộ tham dự Hội nghị Bộ trưởng châu Á.

Trước nghi vấn của dư luận về lý lịch và bằng cấp của tân đại sứ, ông Nguyễn Văn Tình cho biết: “Những vấn đề liên quan đến lý lịch nhân thân của Lý Nhã Kỳ, chúng tôi phải căn cứ vào lý lịch mà cơ quan Nhà nước cấp địa phương có thẩm quyền xác nhận. Hồ sơ, bản khai lý lịch của chị Lý Nhã Kỳ có dấu xác nhận của UBND phường, trong đó không nói bố chị là người Nga mà là ông Trần Ngọc Lý. Còn mẹ là một người quê ở Thái Bình. Chúng tôi phải căn cứ vào xác nhận của chính quyền địa phương chứ không thể đi nghe tin ở đâu nói chị ấy có hai dòng máu Việt - Nga này kia...”


Lý Nhã Kỳ (bìa trái) vận động bầu chọn cho Vịnh Hạ Long tại HN.

Về việc bố Lý Nhã Kỳ là liệt sĩ, ông Tình cũng khẳng định: “Trong giấy khai sinh và hồ sơ lý lịch của Lý Nhã Kỳ đều ghi bố là Trần Ngọc Lý. Chúng tôi cũng đã có cả bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Trần Ngọc Lý trong tay. Ông Lý từng chiến đấu ở rừng Sác - Cần Giờ và là thương binh nặng. Đến năm 2005 ông mất và 2006 Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký bằng công nhận ông là liệt sĩ. Còn về bằng tốt nghiệp ĐH ở Đức của chị Lý Nhã Kỳ chúng tôi cũng đã có trong tay, nhưng không nhất thiết phải trưng ra trước công chúng”.

Ông Tình cũng giải thích: “Trong quy chế không đưa ra quy định là phải tốt nghiệp đại học. Vì thực sự một đại sứ du lịch có thể là một thần đồng trẻ em chưa tốt nghiệp đại học. Hay trên thế giới có một ông gù đã được bổ nhiệm làm Đại sứ du lịch. Thực tế, chúng tôi có những yêu cầu khác như: khả năng giao tiếp ngoại ngữ và bản thân tôi đã chứng kiến Lý Nhã Kỳ nói chuyện với ông Chủ tịch tổ chức New 7 Wonders bằng tiếng Đức, nói chuyện với ông Giám đốc tổ chức New 7 Wonders bằng tiếng Anh và nói lưu loát”.

Tuy nhiên, có nhà báo lại cho  rằng, quy chế không yêu cầu phải có bằng đại học và Bộ cũng không cần phải đưa bằng của Lý Nhã Kỳ ra công luận. Tuy nhiên, Lý Nhã Kỳ đã “khoe khoang” trên báo chí thì phải trung thực và dư luận mong có một vị đại sứ trung thực và chuyện “không có nói là có” khác với chuyện “chúng tôi không yêu cầu cô phải có”! - Ông Tình khẳng định ngay: “Báo nào cần có bằng của Lý Nhã Kỳ có thể lên gặp anh Trần Nhất Hoàng- Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại để xem”.

Còn việc tại sao Bộ vẫn giữ nguyên quyết định của mình, ông Tình cho rằng: “Hôm qua, khi vào một báo điện tử, đọc bài Lý Nhã Kỳ vẫn là Đại sứ du lịch bất chấp tranh cãi, có nêu các ý kiến khác nhau về việc vẫn giữ quyết định bổ nhiệm này, tôi đã đọc những ý kiến phản hồi của người đọc và thấy trong 33 ý kiến chỉ có 3 ý kiến phản đối còn lại đa số là ủng hộ. Và sau đó, khi bấm vào nút thăm dò ý kiến: Theo bạn, Lý Nhã Kỳ có phù hợp với vai trò Đại sứ du lịch VN không? và xem kết quả thì thấy rằng 61,4 % là đồng ý (với 13.077 phiếu), chỉ có 38,6 % không đồng ý (với 8.222 phiếu)”.

Một lần nữa, lãnh đạo Cục Hợp tác Quốc tế khẳng định: Lý Nhã Kỳ vừa được bổ nhiệm đã làm ngay nhiều việc rất tốt, bất chấp những tin đồn thất thiệt của dư luận... Chứng tỏ Lý Nhã Kỳ rất có bản lĩnh, do vậy, chúng ta nên để cố ấy có cơ hội chứng tỏ mình. Nếu như trong quá trình đảm nhận vai trò đại sứ, Lý Nhã Kỳ để xảy ra sự cố nghiêm trọng gì, lúc đó chúng ta có thể tước bỏ trọng trách này.

Ông Tình cũng một lần nữa nhấn mạnh, việc tìm Đại sứ du lịch diễn ra từ cách đây 3 tháng xuất phát từ yêu cầu thúc đẩy cho việc bầu chọn vịnh Hạ Long. Có đến 7 gương mặt được đề xuất, trong đó có Lý Nhã Kỳ.  Việc thúc đẩy bầu chọn vịnh Hạ Long vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên mới đang được đặt ra gấp rút vì đây là chặng cuối của chiến dịch. Chiến dịch này không tốn kém về tiền bạc vì hình thức phiếu bầu là qua mail và tin nhắn, facebook... Nhiều vị lãnh đạo các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc... đã hưởng ứng với mục tiêu quảng bá hình ảnh quốc gia ra thế giới.  

Hoài Thương


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm