Chiếc áo đội tuyển

18/12/2009 12:05 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Cựu danh thủ - người hùng của bóng đá Brazil ở World Cup 1994, Mazinho, từng có một câu nói rất nổi tiếng. “Chúng tôi đáng ra chỉ cao 1m70, nhưng khi mặc chiếc áo vàng – xanh vào rồi, có thể cao đến 2m và không ngán ngại bất cứ đối thủ nào…”.

Điều mà Mazinho muốn gửi gắm ở đây, là khát vọng cống hiến, ý chí vươn lên và kỹ năng quật ngã đối thủ lại bùng cháy mỗi khi khoác lên mình chiếc áo mang màu cờ tổ quốc. Ở xứ samba – quê hương Mazinho, cầu thủ được ý thức rõ điều này, ngay từ tấm bé.

“Tổ quốc và chủ nghĩa tập thể luôn phải được đặt trang trọng ở nơi cao nhất. Không một ai được phép xâm phạm, dù anh có là ngôi sao. Chúng tôi tự nhắc nhở nhau như thế, để rồi lao vào những cuộc chiến vì danh dự, như không còn gì để mất”, Mazinho tiếp.

Trong câu chuyện được dẫn dắt rất tinh tế, danh thủ Brazil liên tưởng lại màn ăn mừng của đồng đội Bebeto, ở tình huống mà tiền đạo này ghi bàn nâng tỷ số lên 2 – 0, trận tứ kết với Hà Lan. “Có những người thi đấu cho cả tình thương yêu gia đình, Bebeto là một trong số đó. Sau khi ghi bàn thắng, tôi thấy Bebeto chạy về phía khán giả nhà và đưa 2 tay với điệu ru con. Chả là một ngày trước đó, anh ấy nhận được tin vui từ quê nhà. Tôi, rồi Romario và cuối cùng là hơn nửa đội bóng làm theo. Một kỷ niệm khó quên”.


 Nhiều cầu thủ đổ sụp xuống sân vì không chịu nổi thất bại - Ảnh: Quốc Khánh

Với sự am tường của mình, danh thủ người Brazil khẳng định, ở Argentina hay Uruquay, những quốc gia láng giềng của Brazil, cũng thế. Rõ ràng, ở những nền bóng đá mà tỷ lệ “chọi” cho một suất vào chơi ĐTQG, luôn cao ngất ngưởng như Brazil hay Argentina, lý tưởng ấy rất đỗi bình thường. Thế còn ở Việt Nam?

Người Việt Nam si mê bóng đá đến cuồng nhiệt. Đã đành! Cầu thủ Việt Nam cũng chẳng hề thiếu khát vọng cống hiến, khát vọng vươn lên. Có thể cảm nhận sự xúc động, sau mỗi chiến công, khi chúng ta đã phải hy sinh, phải đánh đổi bằng máu và nước mắt. Nhưng rõ ràng, cầu thủ ta không tự ý thức những điều lớn lao. Mazinho cũng đâu có được dạy về điều đó, đúng không?! Sau một trận chiến mà đội bóng là bại quân, chúng ta chỉ biết khóc và biết tiếc, chứ chưa chắc đã nghĩ được: mình phải đứng dậy và làm lại từ đầu. Người Việt Nam có thói quen hoan hỉ với những điều trong tưởng tượng. Cầu thủ cũng thế!

Với cầu thủ Việt Nam, các ĐT quốc gia là một thước đo sát sườn, cho sự thăng tiến nghề nghiệp. Một cách để xác lập đẳng cấp, cũng đại loại thế. Lên Tuyển rồi, cầu thủ sẽ trở về trong một tâm thế rất khác. Rất ít ai nói cho họ nghe về lẽ đúng, về cái phải. Bản thân HLV Calisto cũng chỉ để cập mỗi khi cao hứng, chứ làm một cuộc cách mạng để thay đổi hay “nâng cấp” ý thức hệ cho một nền bóng đá, có lẽ cá nhân ông “Tô” quá lẻ loi, đơn chiếc.

Trở  lại câu chuyện mà Mazinho kể. Brazil sau khi bị  Hà Lan quân bình tỷ số 2 – 2, đã chiến  đấu đến cùng, để giành giật lại chiến thắng 3 – 2 chung cuộc, cho một suất chơi bán kết, trước khi lên ngôi trên đất Mỹ. Đó là chiếc Cúp vàng thể giới lần thứ 4 trong lịch sử bóng đá xứ samba.

SVĐ QG Lào chiều qua, cầu thủ U23 Việt Nam đã chiến  đấu như không còn gì để mất. Kể từ tình huống Tấn Trường bị đau, đến khi bị dẫn bàn và lúc trọng tài báo giờ cộng thêm. Để rồi chúng ta đổ rạp xuống sân, khi thất bại. U23 Việt Nam dưới thời HLV Calisto chưa từng được học cách thất bại. Mà trong ngụ ý câu nói của Mazinho, đó cũng là biểu hiện cho chiều cao, khi khoác trên mình chiếc áo ĐT.

THẢO NGUYÊN (từ Vientiane)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm