'Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX' - Cuốn sử Việt mà người Việt nên đọc

16/12/2014 08:21 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) -Như Thể thao&Văn hóa từng đề cập, cuốn Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX (xin viết tắt là Q.3, NXB Thế giới, Nhã Nam, quý 4/2014) của Lê Thành Khôi là một tác phẩm đặc biệt, vốn xuất bản bằng tiếng Pháp, đã trở thành sách gối đầu giường của nhiều sử gia, nhà nghiên cứu quốc tế. Sau vài thăng trầm, sách đã có phiên bản tiếng Việt rất chuẩn mực, đầy đủ, do Nguyễn Nghị dịch, Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính. Công trình này được sử gia Pascal Bourdeaux đánh giá là một “tiểu thuyết quốc gia” (roman national).

Tiểu thuyết quốc gia là khái niệm nhằm để chỉ những cuốn sử mang tính xuyên suốt và lược thuật lại hành trình của một dân tộc/quốc gia từ khởi thủy cho đến một cột mốc nào đó ở thời hiện đại. Để rõ hơn về điều này, có thể tham khảo thêm sách L’histoire bling-bling - Le retour du roman national (Paris, 2009) của sử gia Nicolas Offenstadt.

Gần gũi, hấp dẫn

Cuốn Q.3 là bản dịch nguyên văn tiếng Pháp của Histoire du Viêt Nam, des origines à 1858 (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858, Paris, 1982 - Q.2) và chương 7 (mục 5), cùng chương 9 của cuốn Le Viet Nam: Histoire et Civilisation (Việt Nam: Lịch sử và văn minh, Paris, 1955 - Q.1). Việc kết tập này là ý muốn của sử gia Lê Thành Khôi, chứ không phải chủ đích của phía xuất bản.


Giáo sư Lê Thành Khôi. Ảnh: Dominique de Miscault

Lê Thành Khôi sang Pháp từ năm 1947. Ông hoàn thành hai quyển thông sử này trong điều kiện tư liệu tản mác của nước Pháp thời bấy giờ, khi mà trước năm 1954 trong ngôn ngữ phương Tây gần như chưa có cuốn nào dạng Q.1. Sau năm 1975, khi có dịp trở về Việt Nam, ông bổ túc nhiều tư liệu cho bản thảo Q.2, vốn đã có sườn từ năm 1971.

Bộ đôi sách này có hai điểm nổi bật: Thứ nhất, tóm lược các tài liệu gốc cho tới thời điểm đó để cung cấp cho độc giả tiếng Pháp một cái nhìn tổng quát, gần gũi. Thứ hai, cung cấp một cách nhìn đa văn hóa, được viết theo quan điểm Mác-xít chính thống, khuynh hướng cấp tiến.

“Tác giả quan niệm lịch sử không thể chỉ giới hạn trong lịch sử chính trị, lịch sử các vua chúa mà là lịch sử toàn diện bao gồm tất cả các lĩnh vực của cuộc sống con người, từ kinh tế, xã hội cho đến các thiết chế chính trị, văn học, nghệ thuật”, GS sử học Phan Huy Lê nhận định.

Nhà dân tộc học Georges Condominas thì tâm sự: “Tôi gần như hoàn toàn lệ thuộc vào kiệt tác của anh mà nhiều người đã ca ngợi: Q.2”. Trên facebook của mình, GS Ngô Bảo Châu viết về Q.3 như sau: “Đây là cuốn sử Việt mà gia đình Việt Nam nào cũng nên có một cuốn”.

Ngoài tính hấp dẫn kiểu tiểu thuyết, một lý do để bộ đôi này thành sách gối đầu nhiều thập kỷ qua là vì nó xâu chuỗi lịch sử với dân tộc học, xã hội học, dân số học, khảo cổ học, bi ký học, tiền tệ học, mỹ học…, cho đến chính trị, luật pháp, ngôn ngữ, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật…


Cuốn “Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX”

Cần người tiếp bước

Ngày nay, trên thế giới đã có thêm nhiều sách về thông sử Việt Nam do các sử gia quốc tế viết, nhưng đọc lại Q.3 vẫn thấy được tính tiền phong, thật hiếm gặp. Làm được điều này, một phần do sự uyên bác của sử gia Lê Thành Khôi, một phần do quan niệm. Trong một phát biểu, ông cho biết: “Ý định viết một cuốn sử Việt Nam cho người ngoại quốc đọc trước hết là một ý định chính trị, sau mới là ý định khoa học (nhưng tránh tuyên truyền)”.

Đúng như tinh thần mà các tiểu thuyết quốc gia thường hướng đến: lịch sử nên được viết với ý định xây dựng quốc gia, tái thiết đất nước. Nếu đứng từ góc độ này thì Việt Nam đang cần rất nhiều người kế tục để viết nên những quyển sách giống như Q.3, vì đây sẽ là chỉ dẫn thiết yếu để kiện toàn các quan niệm cấp tiến về tái thiết và hiện đại hóa đất nước.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm