Rạn nứt trong liên minh quân sự chống Libya

23/03/2011 11:09 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - 3 ngày sau các trận không kích nhằm vào Libya, các rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện trong Liên minh quân sự quốc tế, tập trung xung quanh việc ai sẽ nắm quyền lãnh đạo lực lượng này trong thời gian tới, khi Mỹ rút khỏi cuộc chơi.

>> Chuyên đề: Xung đột ở Libya

Mỹ sẽ từng bước giảm bớt quyền kiểm soát hoạt động không kích lên quân đội Libya trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi trong mấy ngày tới.

Mỹ muốn rút lui

Đó là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 21/3, trong chuyến thăm Chile. Obama đang đối diện với nhiều chỉ trích ở quê nhà, liên quan tới vai trò và các mục tiêu của Mỹ khi tham gia chiến dịch triển khai vùng cấm bay ở Libya. “Tôi e rằng Tổng thống chưa nói rõ cho người dân về những lợi ích an ninh nào của Mỹ mà ông cho là đang bị đe dọa ở Libya” - Ileana Ros-Lehtinen, nghị sĩ Cộng hòa nắm ghế Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nói.

Quân đội Mỹ đã bị rơi một chiếc F-15 đầu tiên trong chiến dịch không kích Libya. Nguyên nhân được đưa ra là do lỗi kỹ thuật


Một số nghị sĩ tức giận vì việc Obama đã không hỏi ý kiến Quốc hội trước khi cho phép sử dụng giải pháp quân sự. Số khác lo ngại sức mạnh quân sự Mỹ, vốn đã đóng vai trò áp đảo đối phương trong những giờ khởi đầu chiến dịch, sẽ không thể thay thế được và qua đó khiến nước này bị mắc kẹt tại một quốc gia Hồi giáo nữa. Các nghị sĩ ở cả phe Cộng hòa và phe Dân chủ đều đã bày tỏ sự lo ngại về việc dính líu quân sự vào chiến trường Bắc Phi, khi quân đội Mỹ đã tham gia các cuộc chiến đắt đỏ khác ở Mỹ và Afghanistan.

Tuy nhiên, Obama đã khẳng định rằng các chiến dịch quân sự Mỹ đang tham gia sẽ không kéo dài. Ông nói trong cuộc họp báo diễn ra ở Chile rằng các cuộc không kích đã phá hủy phần lớn sức mạnh quân sự của Gaddafi. Hành động của Mỹ tại chiến trường này sẽ rất hạn chế, thời gian Mỹ nắm quyền lãnh đạo cũng không dài. “Chúng tôi đang trông chờ một cuộc chuyển giao quyền kiểm soát chiến dịch, dự kiến sẽ diễn ra trong vài ngày tới thay vì vài tuần” - Obama nói.

Bất đồng trong NATO

Giới chức quân sự Mỹ nói rằng nước này sẽ chuyển giao quyền chỉ huy chiến dịch cho một liên quân do Pháp, Anh hoặc Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu. Nhưng đã có những tranh cãi trong nội bộ NATO về vấn đề này, khiến cho khả năng Mỹ bị mắc kẹt vào cuộc chiến là rất cao.

Trong phiên họp diễn ra hôm 20/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối chuyển quyền lãnh đạo chiến dịch cho NATO. Nước này sau đó chỉ thay đổi quan điểm với điều kiện NATO sẽ không chiếm đóng Libya. Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp cũng có những mâu thuẫn với nhau, thể hiện qua việc đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ Haydar Berk và đại diện Pháp ở NATO, Philippe Errera, đã tranh cãi nhau rất dữ trong phiên họp.

Giới phân tích nói rằng có một yếu tố quan trọng dẫn tới mâu thuẫn đôi bên là Pháp đã không mời Thổ Nhĩ Kỳ tham dự một cuộc họp, nơi các chi tiết liên quan đến việc triển khai nghị quyết của HĐBA LHQ về Libya được bàn thảo. “Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói rõ rằng ông phản đối việc can thiệp của nước ngoài vào Libya. Vì thế chúng tôi chỉ mời tới những nước có chung quan điểm” - một nhà ngoại giao Pháp giải thích.

Do lực lượng nổi dậy chưa đủ lực để đánh bại quân Chính phủ, cuộc chiến ở Libya được dự báo sẽ còn kéo dài


Nhằm xoa dịu sự tức giận của Thổ Nhĩ Kỳ, cố vấn ngoại giao Jean-David Levitte của Tổng thống Nicholas Sarkozy gọi điện cho Thứ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Feridun Sinirlioglu, giải thích vì sao Ankara không được mời. Trong cuộc điện thoại, Levitte nói với Sinirlioglu rằng sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào liên minh sẽ được chào đón ở mức cao nhất nếu nước này thay đổi quan điểm.

Nhưng nó vẫn khiến Thổ Nhĩ Kỳ mếch lòng. “Không phải chúng tôi không hiểu rằng Pháp đang nắm vai trò dẫn đầu trong chiến dịch. Chúng tôi chỉ không hiểu về việc Pháp đang hành động như thể nước này là nơi duy nhất chịu trách nhiệm thực thi nghị quyết của LHQ” - Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Vecdi Gonul nói.

Các nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ sự quan ngại với tờ Daily News về cách Pháp đang cố điều khiển tình hình theo ý họ. “Pháp hành động như thể họ là sen đầm của khu vực. Hướng tiếp cận này có thể dẫn tới bất ổn” - một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên nói.

Về phần mình, Pháp cũng phản đối chiến dịch hoạt động dưới cờ của NATO, nói rằng điều này có thể chọc giận thế giới Ả Rập. Một số nhà phân tích nói rằng Pháp muốn tránh sự dính líu của NATO vì 2 lý do. Thứ nhất, nước này muốn tự do hành động để “cứu” Benghazi, thành phố trái tim của lực lượng phiến loạn. Thứ 2 là Pháp muốn giành được sự ủng hộ của thế giới Ả Rập bằng cách không dựa vào cái mác NATO.

Ngược lại, Italia mong muốn NATO dẫn dắt chiến dịch, đồng thời tuyên bố, nếu điều này không xảy ra thì họ sẽ không cho phép các nước tiếp tục sử dụng những căn cứ quân sự của mình khi không kích Libya. Italia hiện huy động 7 căn cứ không quân và 6 chiếc Tornado cho sứ mạng không kích Libya. Chung ý kiến với Italia là Canada, Đan Mạch và Anh.

Không tỏ rõ quan điểm, song Bulgaria khẳng định sự can dự của một số nước lớn trong EU vào Libya là hành động mạo hiểm. Na Uy quyết định tạm hoãn cử máy bay tham gia lực lượng đa quốc gia cho đến khi có quyết định rõ ràng về người chỉ huy lực lượng này. Thụy Điển, Luxembourg sẵn sàng cam kết tham gia chiến dịch quân sự ở Libya, với điều kiện phải có sự đảm bảo từ NATO.

Đức, nước đã bỏ phiếu trắng trong nghị quyết của HĐBA LHQ về Libya và là thành viên NATO, đã kiên quyết không tham gia chiến dịch không kích. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nói rằng Berlin đã “tính toán rủi ro” và sẽ không gửi bất kỳ người lính nào tham gia liên minh.

Không sớm có sự đồng thuận

Lisa Aronsson, một chuyên gia về NATO ở Viện Nghiên cứu RUSI, một tổ chức cố vấn có trụ sở ở London, đã cho rằng tổ chức này sẽ không thể sớm đạt được sự đồng thuận. “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu các vị đại sứ ở NATO có thể thông qua một quyết định chung nào đó” - Aronsson nói với kênh truyền hình Deutsche Welle. Bà chỉ ra rằng ngoài sự phản đối từ Pháp và Đức, đã có những lo ngại đang lan rộng tại khu vực Trung và Đông Âu về việc NATO sẽ dính phải một cuộc xung đột kéo dài vô hạn định, trong khi mục đích tham chiến lại không rõ ràng. Aronsson tin rằng không có sự đồng thuận ở NATO, quyền kiểm soát chiến dịch sẽ sớm rơi vào tay Anh hoặc Pháp và NATO sẽ chỉ cung cấp một số hoạt động hỗ trợ như chia sẻ thông tin, tư vấn và giám sát tình hình.

Song ngay cả khi tình huống trên xảy ra, Mỹ cũng khó có thể rút hoàn toàn khỏi chiến dịch. Một quan chức quân sự Mỹ giấu tên nói rằng Mỹ có thể sẽ vẫn phải chịu gánh nặng lớn về việc cung cấp hậu cần và thông tin trinh sát, tình báo cho các đồng minh. Điều đó cũng có nghĩa lời hứa của giới chức Mỹ về việc dính líu hạn chế và ngắn ngày vào tình hình Libya sẽ khó có thể trở thành hiện thực.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm