Câu chuyện cuối tuần: PSG & giấc mơ trở thành người khổng lồ

12/11/2011 07:02 GMT+7 | Bóng đá Pháp

(TT&VH Cuối tuần) - Hơn 90 triệu euro được các ông chủ mới người Arab đổ vào thị trường chuyển nhượng. Sân Công viên các Hoàng tử giờ vắng hẳn bóng các cổ động viên quá khích. Nỗi đam mê mạnh mẽ của ngài Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người cũng tuyên bố mình là một cổ động viên của PSG. Theo cách ấy, PSG đang dẫn đầu giải vô địch quốc gia Pháp, 17 năm sau khi dành danh hiệu vô địch gần nhất. Sếp của PSG, Giám đốc thể thao Leonardo, thậm chí đã viết ra cả một kế hoạch nhằm đưa đội bóng thủ đô Paris đoạt chức vô địch Champions League vào năm 2016. Và giờ thì Beckham cũng đang tới.

Việc cân đo đong đếm quyền lực không hề được tính bằng số lượng tiền bạc đổ xuống Paris như mưa từ những cái két đầy vàng bạc của các ông chủ người Arab, mà là ở con số 4 vị bộ trưởng, một thị trưởng, hai con trai của ngài Tổng thống nước Pháp, một danh sách rất dài các ca sĩ và nghệ sĩ cùng với 4 nhà vô địch thế giới năm 1998 của đội tuyển Pháp (Zidane, Thuram, Karembue, Pires) có mặt trên khán đài danh dự của sân Công viên các Hoàng tử trong trận đấu với Lyon ở giải vô địch Pháp. Điều ấy cho thấy một sự thật: PSG đang trở thành một điểm hấp dẫn lớn lao đối với giới thượng lưu của nước Pháp cũng như những tay triệu phú mới nổi.


Giám đốc thể thao Leonardo trở lại đội bóng mà ông từng thi đấu để giữ
vai trò Giám đốc thể thao của PSG - Ảnh Getty

Paris từ trước đến nay chỉ được coi là “ngoại ô” của bóng đá, với chỉ đúng 2 chức vô địch Pháp đã giành được và cũng không có một đội bóng lớn nào ở cấp châu Âu cho thích hợp với vị thế của một thành phố được coi là thủ đô của châu Âu như thế. Nhưng bây giờ thì Paris đang tìm lại ánh sáng đã mất trong bóng đá. Bằng cách “suivez d’argent” (theo đuổi tiền bạc), Paris đang chinh phục cả thế giới bóng đá.

Người đầu tư vào PSG hiện tại là thế tử Qatar, Tamim ben Hamad al-Tahani, 32 tuổi, giàu lên nhanh chóng từ công nghiệp lọc dầu, từ những khoản tiền đổ vào chuỗi cửa hàng đồ hiệu đắt tiền Harrod’s, hãng xe hơi Volkswagen (17,1% cổ phần) cho đến Porsche (10%). PSG là món đồ chơi mới nhất của người thanh niên này, khi anh mua 70% cổ phần của đội bóng và bỏ ra 90 triệu euro đổ vào thị trường chuyển nhượng để đưa về những ngôi sao sáng cho đội vào mùa hè mới rồi. Gần một nửa trong đó được dành để mua Pastore từ Palermo, người theo cú áp phe đó trở thành cầu thủ đắt giá và cũng là người được trả lương cao nhất giải Ligue 1. Em trai của thế tử, Abdullah, hiện đang hài lòng với nhữg khoản đầu tư mạnh mẽ của ông cho đội Malaga ở Tây Ban Nha. Tóm lại, nhà al-Tahani thích kinh đô Ánh sáng, một nơi rất cần sự khai thác thích hợp, bởi ở đó có tiềm năng phát triển, có hàng triệu cổ động viên chờ đợi ngày PSG chiến thắng.

Nhưng đằng sau thương vụ al-Tahani-PSG còn có những điều khác nữa: mối quan hệ ngoại giao và đặc biệt là thương mại (ở đây là dầu mỏ) giữa Qatar và Pháp chưa bao giờ tốt như lúc này. Điện Elisees muốn qua các ông chủ Qatar để can thiệp vào thế giới Arab, nhờ kênh truyền hình Al Jazeera (cũng của Qatar) và thể thao. Nước đăng cai World Cup 2022 muốn qua nước Pháp để thâm nhập vào châu Âu và những người đứng đầu của họ đã gặp nhau không chỉ một lần. Người Paris bảo rằng ngài Sarkozy đã cùng ông Platini ăn tối với các ông chủ Arab trong thời điểm nước này đang chạy đua đăng cai World Cup 2022. Vợ của thế tử là một phụ nữ có tư tưởng cấp tiến và có quan hệ khá mật thiết với Carla Bruni, phu nhân của Tổng thống Sarkozy. Hai người phụ nữ này đã bên nhau suốt trong chuyến thăm mới rồi của các nhà lãnh đạo Qatar đến điện Elisees.

Trên lí thuyết, quyền lực của PSG trong tay Nasser el-Kalahifi, người từng đứng ra tổ chức giải Davis Cup ở Qatar, hiện đang là ông chủ của kênh truyền hình nổi tiếng Al Jazeera (hãng này đã bỏ ra 200 triệu euro để mua đứt bản quyền trực tiếp của giải Ligue 1 và trong nay mai sẽ chính thức trở thành Chủ tịch của PSG). Nhà quản lí cũng là người hoạch định chính sách phát triển về thể thao của đội chính là Leonardo, người trên giấy tờ chỉ giữ một vị trí khiêm tốn (giám đốc thể thao), nhưng có một mức lương khủng (2,5 triệu euro/năm) và quyền hành hầu như tuyệt đối.


Javier Pastore, ngôi sao sáng nhất của PSG - Ảnh Getty

Việc đầu tiên của vị cựu huấn luyện viên Milan và Inter là “quét dọn” đội ngũ lãnh đạo cũ để từ đó tập trung mọi quyền hành vào tay mình, ít ra là cho tới khi Jean-Claude Blanc xuất hiện và nắm giữ chức Tổng Giám đốc PSG, bất chấp những năm tháng thảm họa về thành tích cùng với Juventus. Những kẻ xấu mồm nói rằng, PSG đang nhanh chóng trở thành một dạng “ParSarGueule”, nghĩa là “theo cái mồm của ông ta”, mà mồm ở đây là của Leonardo, bởi chính người đàn ông 42 tuổi này đặt ra luật lệ và muốn luật lệ được thực thi.

Người duy nhất chống cự một cách quyết liệt là Antoine Kombouare, tay huấn luyện viên sinh ra ở New Caledonia, từng là một trung vệ sắt đá và vạm vỡ. Các ông chủ Arab đã muốn đưa về Mourinho, El Kalahifi đã liên lạc với Wenger, Leonardo tìm cách tiếp cận Ancelotti... Nhưng cuối cùng, Kombouare vẫn ở lại, trụ vững như một cái lá trên cành mặc dù mùa Thu đã đến. Sau một trận hòa đầy thất vọng ở Europa League là serie 6 trận thắng liên tiếp đưa PSG lên đứng đầu bảng xếp hạng Ligue 1 lần đầu tiên sau 17 năm, lần gần nhất mà họ đoạt chức vô địch Pháp (1994). Kombouare có một cá tính bùng nổ, không ngần ngại cãi nhau ỏm tỏi với các cầu thủ, dù họ là ngôi sao (Kezman, Nene, Rothen). Ông không có một sự nghiệp cầm quân lẫy lừng, đôi khi cảm thấy mình không được ủng hộ từ “cấp trên”.

Ông chỉ một cách để tồn tại chống lại số phận dường như đã được định trước: chiến thắng, chiến thắng nữa, chiến thắng mãi. Và để đạt được điều ấy, ông trở thành một nhà độc tài trên băng ghế huấn luyện. Một lần Menez đòi được được ra sân nhiều hơn nữa, ông hét lên: “Cậu biết ở đây ai là người chỉ huy chưa?”. Không lâu sau đó, Leonardo tỏ ra cưng chiều cựu tiền đạo của Roma, điều cho thấy rõ ở PSG ai mới là người chỉ huy. Kombouare không đầu hàng, thậm chí gây sự cả với tài năng lớn người Argentina Pastore (“Chúng ta đã bỏ ra cả đống tiền chỉ để cho một cậu trai vô danh?”).

1 Cầu thủ duy nhất của PSG đoạt Quả bóng vàng là George Weah dù lúc nhận giải thưởng, Weah đã chuyển sang chơi cho Milan.

2 PSG mới chỉ giành được 2 chức vô địch Pháp (1986, 1994). Trên đấu trường châu Âu, họ đoạt Cúp C2 năm 1996.

3 Trước khi thuộc về QSI, PSG từng được Canal+ bán cho liên danh gồm 3 tập đoàn tài chính là Colony Capital, Butler Capital Partners và Morgan Stanley vào tháng 4/2006.

4 Các chân sút của PSG mới chỉ có 4 lần trong lịch sử đoạt danh hiệu Vua phá lưới, là Carlos Bianchi các năm 1978 và 1979 và Pauleta, các năm 2006 và 2009.

5 Hiện tại có 5 cầu thủ đang chơi ở Serie A đã từng khoác áo PSG là Yepes (Milan), Cana (Lazio), Drame (Chievo), Heinze (Roma) và Kharja (Inter).

1997 Hiện tại, bắt chính cho PSG là thủ môn người Italia Sirigu. Trước anh, PSG cũng có một cầu thủ người Italia, là Marco Simone (từ 1997 đến 1999).

Dự án đầy tham vọng của QSI (Qatar Sport Investment - Quỹ đầu tư thể thao Qatar) với PSG kéo dài trong 5 năm, với cái đích quan trọng nhất là hướng tới việc đoạt Champions League vào mùa hè 2016. Mục tiêu trước mắt là ngay trong mùa này leo lên ngôi vô địch Ligue 1. Theo các nhà chuyên môn, PSG hoàn toàn có khả năng làm được điều này, với sự đầu tư mạnh mẽ từ QSI, đủ để biến PSG thành một dạng Man City của nước Pháp.

Vào tháng 1/2012, có thêm Beckham xuất hiện, và dù ở tuổi 37 thì anh vẫn một khối nam châm thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận, đồng thời được Leonardo coi là con bài chiến lược để PSG bước vào thị trường châu Á tiềm năng. Ngôi sao hết thời (trên sân cỏ) này được các ông chủ bố trí cho ở trong một villa ở gần Camp de Loge, nơi PSG tập luyện. Đối với các ông chủ Arab, Beckham đá thế nào không quan trọng mà chỉ cái tên anh mới là tất cả. Để có được sự đồng ý của anh, họ sẵn sàng bán 30% cổ phần của đội bóng cho một quỹ đầu tư của Mỹ mà Beckham có cổ phần, cho phép tiền vệ người Anh có thể góp vốn vào những dự án bất động sản mà họ đang thực hiện.

Trong khi chờ đợi số tiền đầu tư của QSI vào PSG sinh lãi, thì Pastore và các đồng đội của anh đang đem các khán giả Paris trở lại sân bóng, vốn đã trở nên tiêu điều và vắng vẻ ở mùa trước sau các đợt trấn áp mạnh mẽ của Bộ nội vụ Pháp với các nhóm ultra quá khích, những kẻ thủ phạm đã dẫn đến cái chết của một cổ động viên, người thứ 2 thiệt mạng vì bạo lực ngoài sân cỏ trong vòng 5 năm qua. Trong cơn điên loạn, lũ ultra liên tục phá phách, người hâm mộ sợ hãi và dần từ bỏ các thuê bao dài hạn.

Bây giờ, tất cả đã thay đổi. Lũ ultra bị đánh tan, sân Công viên các Hoàng tử lúc nào cũng kín đặc khán giả, và người ta đổ xô đến đấy để xem các bàn thắng, những pha đánh gót và biểu diễn kĩ thuật của cả một đội bóng xuất sắc. Người Paris hạnh phúc chứng kiến những cơn mưa tiền đổ lên đầu họ và biến đội bóng thành một cỗ máy sản xuất cái đẹp và chiến thắng. Nhưng các đội bóng khác thì nhìn PSG với ánh mắt ghen tị, dĩ nhiên. Nhưng nhiều trong số họ cũng mơ là một ngày nào đó, những tấn tiền cũng sẽ đến với họ. Chỉ có Marseille là cay cú chống lại PSG. Bà chủ Margarita Louis-Dreyfus, bị các cổ động viên phản đối, đã xin lỗi họ theo cái cách ám chỉ mà đến giờ các nhà báo Pháp vẫn nhắc lại: “Tôi không phải là một ông chủ Arab đâu nhé”.

Thư Anh

Từ Berlin đến London: Bóng đá thủ đô khủng hoảng

Từ Berlin đến London, từ Moskva đến Lisbon, bóng đá của những thủ đô châu Âu đang trong cơn suy thoái. Có những chỗ nặng nề, có những chỗ nhẹ hơn hoặc mới chớm khủng hoảng. Chẳng hạn như ở Italia, Lazio của thủ đô Roma đang dẫn đầu Serie A, nhưng không ai biết chắc là họ sẽ còn đứng đầu bảng đến khi nào. Các trung tâm bóng đá lớn nhất nước Italia vẫn là Milano và Torino.

Ở Đức, Hertha Berlin vừa mới trở lại Bundesliga nhưng không còn là một thế lực như trước. Sự suy thoái lớn đến mức huấn luyện viên Markus Babbel phải thốt lên: “Ở đây, bóng đá cũng chỉ phát triển như ở New Zealand”. Đội bóng chơi trên sân Olimpiastadion, nhưng dường như cái sân ấy quá lớn theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng đối với một CLB mà lần gần nhất đoạt chức vô địch Đức cũng đã cách đây 80 năm.

Bóng đá của thủ đô nước Đức đã không giành được thêm bất cứ danh hiệu nào nữa. Những người yêu bóng đá ở Berlin chạnh lòng nhớ lại những năm tháng quá khứ mà Berlin vẫn còn bị chia cắt làm đôi trong Chiến tranh Lạnh, khi đội Dinamo Berlin của Đông Đức cũ vào đến tận tứ kết Cúp C1 năm 1984 (và thua AS Roma của HLV Nils Liedholm).

Thế còn London? Cả Chelsea và Arsenal đều đang trải qua một thời kì quá độ đau lòng, với thất bại nhiều hơn là thắng lợi. Nhiều người cho rằng, chu kì kéo dài gần 20 năm với Wenger sắp kết thúc, trong khi Chelsea vật vã đối chọi với không chỉ M.U mà còn chạy dài phía sau một thế lực mới nổi và giàu có mang tên Man City. Với Tottenham, Harry Redknapp cũng chỉ làm được đến thế, với một đội bóng có chất lượng và tính cạnh tranh cao, nhưng đến giờ mới chỉ dừng lại với tư cách là một hiện tượng của giải.

Ở Nga, người ta đang chứng kiến sự đi xuống của các đội bóng của thủ đô Moskva. Kể từ khi giải Ngoại hạng Nga Premier Liga ra đời vào năm 1992, sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, các CLB của Moskva đã đoạt 14 chức vô địch trong 19 mùa giải nhờ Spartak, Lokomotiv và CSKA. Nhưng từ 4 năm nay, họ đã dừng bước. Những ông chủ mới ở giải vô địch Nga là Zenith Saint Petersburg và Rubin Kazan. Đó là chưa nói đến những thế lực đang lên như Anzhi Makachkala ở tận xứ Dagestan xa xôi.

Trong những năm qua ở Bồ Đào Nha, tên tuổi của Benfica của Lisbon đã bị Porto của thành phố cảng Oporto che khuất. Để Benfica trở lại đỉnh cao như những năm 1990, cần phải mất rất nhiều thời gian nữa. 21 năm đã trôi qua kể từ ngày Benfica của HLV Eriksson vào đến trận chung kết Cúp C1 năm 1990.

T.A


        

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm