LHP Nhật Bản 2014: Cõi dị biệt đầy sắc màu

10/11/2014 09:31 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Gọi nền điện ảnh Nhật Bản là “cõi dị biệt” hoàn toàn không quá lời vì nó có nhiều đặc trưng để khác biệt với Hollywood, châu Âu và các nền điện ảnh còn lại. LHP Nhật Bản 2014 sẽ khai mạc ngày 13/11 tại BHD Star Cineplex (2 Hải Triều, TP.HCM) với 35 phim điện ảnh và hoạt hình là một cõi dị biệt như vậy.

LHP lần 1 có tên Làn gió mới trở lại! Phim truyện và truyền hình Nhật Bản 2013 đã thu hút 4.130 lượt xem, với tỷ lệ lấp đầy ghế là 90,6%. BTC hi vọng “làn gió mới” lần này sẽ thu hút đông người xem hơn, vì dư âm của lần 1 và vì năm nay có nhiều phim tiêu biểu.

Trưởng Ban văn hóa, Lãnh sự Nakano Eriko (Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM) cho biết bà rất thú vị khi ngồi xem phim cùng khán giả Việt Nam. Theo bà thì khán giả Việt dễ bộc lộ cảm xúc, khi gặp cảnh buồn thì rơi lệ, cảnh hài cười thành tiếng, cảnh phấn khích vỗ tay. Khán giả Nhật ngược lại, họ hoàn toàn im lặng, nên tất cả cảm xúc nêu trên đều được nuốt vào trong lòng, dường như chết lặng.


Hai nhân vật chính trong Từ điển tình yêu. Ảnh do BTC cung cấp

Người Nhật quý thời gian nên rất đúng giờ, đời sống công nghiệp cao càng làm cho thời gian riêng tư bị rút ngắn lại. Thế nhưng với nghệ thuật, giải trí, mà cụ thể phim ảnh thì không như vậy, họ có nhiều phim điện ảnh kéo dài đến 350 phút, phim hoạt hình 200 phút, có nhiều truyện tranh dày cả ngàn trang. Tại LHP lần này các phim Nhật đều dài trên 100 phút (như Cuộc chiến thành nổi của hai đạo diễn Inudo Isshin và Higuchi Shinji dài 144 phút), trong khi khung giờ phổ biến của các rạp và truyền hình tại nhiều nước thường chuộng phim từ 88 đến 90 phút.

Phim khai mạc là một tác phẩm độc đáo - Từ điển tình yêu (133 phút) của Ishii Yuga - kể về anh chàng soạn từ điển Majime Mitsuya, người chỉ biết nói những từ chính xác với nguyên nghĩa của nó. Anh sống gần như lạc lõng và lập dị với thế giới đương thời, để đến một ngày tiếng sét ái tình xảy ra với con gái bà chủ nhà trọ. Soạn từ điển là công việc cô đơn và khô khan, nhưng phim đã biết cách làm cho nó trở nên hóm hỉnh, gần gũi, cao quý.

Mỗi tác phẩm tại LHP này đề cập về một nghề khác nhau: Bác sĩ yêu quý (ĐD: Mizushiri Yoriko) về nghề lang vườn; Tada thợ đụng (ĐD: Omori Tatsushi) về nghề gặp gì làm nấy; Kirishima (ĐD: Yoshida Daihachi) về nghề làm phim; Chìa khóa đổi đời (ĐD: Uchida Kenji) về nghề sát thủ và diễn xuất; Thìa bạc (ĐD: Yoshida Keisuke) về nông nghiệp; Vào rừng! (ĐD: Yaguchi Shinobu) về lâm nghiệp. Đây là chưa kể hơn 27 phim hoạt hình dài ngắn (vốn là thế mạnh của Nhật Bản) cũng đề cập đến nhiều nghề nghiệp đa dạng.

Bên cạnh chất sân khấu vẫn hiện diện như là phong cách riêng biệt của điện ảnh Nhật. Khái niệm quay phim cũng được gìn giữ ở góc độ cổ điển nhất, theo nghĩa người quay gần như bàng quan với câu chuyện. Dường như giữa họ và câu chuyện luôn có một khoảng cách nhất định, trong khi nhiều nền điện ảnh, như Hollywood chẳng hạn, đã hòa thành một. Khoảng cách này làm cho phim Nhật có cảm giác vừa gần gũi vừa khách quan, giống tinh thần của phim tài liệu. Nó cũng làm cho nhịp phim - dù hành động như Cuộc chiến thành nổi - cũng trở nên thư thái, nhịp nhàng hơn.    

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm