Có một hội "lấy đỏ"

25/02/2010 09:45 GMT+7 | Sự kiện qua ảnh

(TT&VH Online) - Chỉ đợi các nghi thức lễ kết thúc, người lớn, trẻ con, thanh niên, người già lao vào đống lửa. Ai cũng muốn lấy được nhiều nhất sự may mắn về cho gia đình bằng cách châm lửa lộc của đình làng.

Thực chất đây là buổi lễ "rã hội", tức là kết thúc toàn bộ các lễ hội của làng trong dịp đầu năm mới. Theo sử sách ghi lại, các lễ hội của làng An Định bắt đầu từ ngày mùng 7 Tết, chính hội từ ngày mùng 8 Tết. Sau khi tất cả các lễ hội diễn ra, vào ngày 11 Tết, chức sắc trong làng sẽ tổ chức "giã hội".

Tất cả người dân trong làng sẽ tập trung tại đình làng để chia lộc làng, "lấy đỏ". Theo đó, toàn bộ vàng mã, hương, hoa quả... được phúng lên đình trong dịp Tết sẽ được đem đốt và phân phát cho người dân.

Chùm ảnh về hội "lấy đỏ" độc đáo do TT&VH Online ghi nhận:


Từ khoảng 19h, các gia đình tại làng An Định, Hà Đông, Hà Nội đã chuẩn bị ra đình làng để lấy đỏ. Anh Vũ cũng như nhiều thanh niên khác đã sẵn sàng với bó hương để "lấy đỏ" về cho nhà mình


Trong khi đó, tại đình làng, đội múa, chức sắc, chủ lễ đang chuẩn bị nốt các khâu còn lại trong buổi lễ. Đúng 20h, mọi nghi thức sẽ bắt đầu diễn ra.


Đại diện cho các họ tộc, chức sắc xã sẽ tham gia vào buổi lễ với nghi thức cực kỳ phức tạp và có thể diễn ra trong khoảng gần 1 tiếng đồng hồ


Chủ lễ không chỉ là người có uy tín trong làng mà còn phải là người biết các lễ nghi của buổi lễ. Ông sẽ đại diện cho dân làng làm các thủ tục trước Thành hoàng làng


Bên ngoài sân, đám thanh niên đã tụ tập rất đông sẵn sàng cho buổi lễ "lấy đỏ". Không chỉ chuẩn bị các bó hương để "lấy đỏ", họ còn có sẵn các cây gậy dài để thực hiện việc lấy lửa của mình sao cho "an toàn và thuận tiện" nhất


Bên trong đình, các nghi thức vẫn tiếp tục diễn ra. Theo một cụ già của làng cho biết, buổi lễ có thể kéo dài hàng tiếng đồng hồ và thường kết thúc vào lúc khuy của ngày.


Theo đó, ngoài việc thắp hương, đọc sớ, làm lễ... toàn bộ người tham gia vào buổi lễ này còn phải thực hiện đầy đủ 7 lần dâng trà, nước, trầu cau, rượu, hoa... rồi mới có thể kết thúc buổi lễ


Mọi nghi thức năm nay được thực hiện lại gần như nguyên bản so với truyền thống. Tuy nhiên, để không gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân, nhiều thủ tục rườm ra đã được cắt bỏ và buổi lễ sẽ chỉ được thực hiện trong vòng 2 giờ đồng hồ


Ngay sau khi các thành viên tham gia buổi lễ thực hiện xong nghi thức của mình, các cụ cao tuổi, các vị chức sắc sẽ kết thúc bằng việc bái lễ


Ngay sau khi hoàn tất mọi thủ tục, người dân có thể vào làm lễ. Và tận dụng cơ hội này, rất nhiều người đã lao vào để lấy lộc với quan niệm, lộc càng gần Thành hoàng làng là lộc càng lớn


Giải pháp để tránh lộn xộn là đem toàn bộ lộc ra ngoài đình làng để mọi người cùng được thụ hưởng, tránh lộn xộn bên trong đình làng, nơi vốn được coi là trốn tôn nghiêm


Bên trong đình, chủ lễ bắt đầu bố trí việc phát lộc. Toàn bộ người tham dự buổi lễ sẽ đem tất cả tiền vàng, hình nhân... được cúng trong dịp Tết ra khỏi đình để hóa và tán lộc


Lửa được lấy từ bên trong đình và được coi là lửa lộc. Lửa này sẽ dùng để hóa vàng tất cả những gì có thể đốt được


Ngay khi được khuân ra ngoài, toàn bộ số vàng mã sắp sửa được hóa bị người dân quây lại chờ "lấy đỏ"


Và chỉ chờ ngọn lửa bùng lên, tất cả lao vào với hi vọng mình là người đầu tiên được hưởng lộc của làng. Ai mang lộc về nhà sớm nhất sẽ có nhiều lộc nhất


Khi ngọn lửa mới bắt đầu bùng lên, tất cả còn có thể chen sát vào


Nhưng khi lửa đã bén, tất cả mọi người phải giãn ra vì nhiệt độ tăng khá cao

Nhiệt độ tăng cao nhất khi tất cả số vàng mã, hình nhân, ngựa giấy... đều đã bén lửa


Đến lúc này thì chỉ còn 1 vài người dám lao vào xin lộc vì... quá nóng


Nhưng để "lấy đỏ" được, rất nhiều người đã phải dùng mưu để tiến sát tới đống lửa


Phong trào lấy đồ che mặt để "lấy đỏ" nhanh chóng lan ra tất cả mọi người


Một số người không chịu nổi nhiệt đành... khều 1 ít lửa ra ngoài để "lấy đỏ"


Nhiều cụ già chơi... không đẹp khi vào tận đình lấy lửa rồi ra chia cho một số người... thân


Tại đống lửa lớn nhất giữa sân đình, người dân vẫn tận dụng mọi phương tiện có thể để "lấy đỏ". Người thì dùng thùng giấy che, người thì cố vươn tay, người thì buộc hương vào que cho dài


Và ngay sau khi có "đỏ" tất cả vội vã lao về nhà cắm hương lên bàn thờ. Hương còn càng nhiều thì lộc càng nhiều. Chính vì vậy, người đi "lấy đỏ" không chỉ phải khôn khéo trong việc châm hương mà còn phải về thật nhanh để giữ "đỏ"

Anh Vũ sau khi đi "lấy đỏ" xong lên vội về nhà thắp lên bàn thờ của gia đình. Cả nhà anh coi đây là công việc phải làm đầu năm với hi vọng năm mới sẽ có nhiều lộc từ làng.

Nếu bạn quan tâm tới lễ hội này, có thể xem chi tiết trên báo Thể thao & Văn hóa hàng ngày vào các số tới.

Mạnh Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm