Làng cổ quốc gia "cuống lên" vì cây đa!

21/07/2008 15:18 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Chục ngày nay, sau khi phát hiện những biểu hiện có vẻ “bất thường” trên cây đa làng cổ quốc gia Đường Lâm, người dân và các cơ quan hữu quan đã thi hành ngay những biện pháp khẩn cấp để cứu cây...

* Biểu hiện của cây đa là “bình thường” hay “bất thường”?
 
 Cây đa làng cổ Đường Lâm
1. Có mặt tại Đường Lâm vào cuối tuần qua, chúng tôi vẫn bắt gặp dòng du khách nườm nượp đến thăm ngôi làng cổ đầu tiên của VN được xếp hạng di tích quốc gia này. Cổng làng với cây đa cổ thụ này lâu nay đã được coi như là một biểu tượng của làng quê Việt nói chung.
 
Nhìn từ xa, cây đa vẫn tỏa bóng sừng sững bên trên cổng làng, chưa có biểu hiện bất thường gì. Nhưng khi đến nơi, chúng tôi ngạc nhiên thấy một toán nhân công đang đào những đường hào rất sâu chạy ngang dọc sát gốc cây. Ngồi bên gốc đa, một cụ già làng cổ buồn bã cho biết: Cây có biểu hiện xấu, chả biết sống chết thế nào, chúng tôi đã báo ra xã, xã cho người đào rãnh để bón phân cứu cây.
 

Cùng với một vài biểu hiện mà nhiều người nghĩ là “bất thường”, chúng tôi đã phát hiện trên tán đa có một số lá non mới nhú. Đó đã có thể là tin vui?

Theo lời kể thì cụ là một trong những người đầu tiên phát hiện cây đa có biểu hiện bất thường cách đây khoảng chục ngày - lá không tươi xanh, rậm rạp như mọi năm, mà lá có vẻ hơi "xấu màu". Ban đầu thì cụ cũng không để ý vì thời điểm phát hiện trùng với thời điểm cây ruối ở sát gốc đa bị gãy đổ (do mưa bão), “chắc là con chết, mẹ buồn” - cụ kể một cách thành kính - không ngờ, từ lo lắng của cụ, nhiều người cũng để ý và cho rằng cây đa quả thực đang có vấn đề. Không chỉ UBND xã Đường Lâm vội vàng cho đào rãnh bón phân cho cây mà BQL di tích Làng cổ Đường Lâm cũng tức tốc gửi công văn về tỉnh, lên Cục Di sản báo cáo tình hình “bất thường” ở cây đa làng cổ để xin ý kiến chỉ đạo!
 Đào rãnh dưới gốc đa để bón phân
2. Qua so sánh với một vài cây đa ở cạnh đó, chúng tôi cũng cảm thấy không phải là vô lý khi bỗng dưng nhiều người dân đều có một cảm nhận xấu về “sức khỏe” của cụ đa. Tuy vậy hãy còn quá sớm để nói bất cứ điều gì bởi hoàn toàn chưa có một khảo sát cây về mặt sinh học; tất cả chỉ là những ghi nhận bằng mắt thường của người dân... Mặc dù đã gửi công văn lên trên, nhưng chính lãnh đạo BQL làng cổ cũng bán tin bán nghi, không hiểu cây đa có thực sự “bất thường” hay chỉ là nắng nôi khiến lá cây không được xanh tốt như trước.
 
Song điều rất đáng nói, mà có lẽ từ “hiệu ứng” từ nguy cơ vừa xảy ra với cây đa Tân Trào, nên người dân và chính quyền đã cuống lên! Việc đào rãnh sâu ngay dưới gốc đa để bón phân khi chưa xác định được nguyên nhân “bệnh trạng” của cây là vội vàng và rất có thể là phản tác dụng, kiểu “đau bụng uống nhân sâm”. Ấy là chưa nói đến chính việc đào rãnh này đã vô hình trung làm đứt rất nhiều rễ nhỏ của cây.

Cây đa làng cổ Đường Lâm chỉ có một gốc chính, hoàn toàn không có rễ phụ buông xuống từ cành cây. Việc bê tông hóa gần gốc cây (để làm bãi đỗ xe du lịch từ khi được công nhận làng cổ) là tác nhân gần đây nhất đến khu đất đầu làng, nơi cây đa sinh trưởng. Nhiều người đã suy luận về tác nhân này như là một trong những nguyên nhân làm suy giảm môi trường sống của cây. Tuy nhiên, để khẳng định hay bác bỏ bất cứ suy luận nào cũng cần phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học, chứ không thể võ đoán. Tóm lại, điều cần nhất lúc này là “bắt mạch” cây đa xem nó có thực sự “ốm” hay không, ốm vì nguyên nhân gì, sau đó mới tiến hành “kê đơn”, nếu cuống lên thì rất dễ “lợn lành thành lợn què”!
 
Nguyễn Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm