Chống ùn tắc giao thông bằng tăng thu phí: Cờ bí dí tốt?

07/10/2008 09:45 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Đề án “tăng một số khoản thu phí đối với xe môtô, xe gắn máy và ôtô từ 7 chỗ ngồi trở xuống” đã được UBND TP.HCM trình Bộ Tài chính xem xét.

Tuy nhiên, đại diện Uỷ ban MTTQ, HĐND TP.HCM đều khẳng định “thu phí xe gắn máy để chống kẹt xe là điều vô lý, không hợp lòng dân” và “sẽ phản biện đến cùng”.

“Móc túi” dân để chống kẹt xe?

Với góc nhìn của một nhà khoa học, PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông ĐH Bách khoa TP.HCM tán thành chủ trương hạn chế xe cá nhân, từ đó phát triển phương tiện công cộng và tiến tới giảm kẹt xe. Việc thu phí lưu thông chính là biện pháp kinh tế nhằm hạn chế xe cá nhân mà hiện nay nhiều nước khác cũng đang làm. Tuy nhiên, việc thực hiện phải có lộ trình và được sự đồng thuận của người dân. TP phải có sự chuẩn bị, tổ chức hội thảo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng... để người dân thấy được mục đích của việc thu phí. Mặt khác, số tiền thu phí xe cá nhân nên được sử dụng để đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng…


Đại biểu HĐND Đặng Văn Khoa phân tích, UBND TP có thể thu để  nâng cao trách nhiệm cộng đồng, sử dụng cái quỹ đó để đóng góp vào việc phát triển hạ tầng giao thông chứ thu để giảm kẹt xe là điều không thể. Bởi thứ nhất: không nên đổ hết tội nạn kẹt xe là do xe cá nhân; thứ 2 dù TP có thu phí cao bao nhiêu thì người dân vẫn phải sử dụng xe gắn máy để làm phương tiện mưu sinh. Ông Khoa đặt vấn đề, giả sử chỉ trong một ngày thôi, gia đình chúng ta không có xe gắn máy để đi lại thì chúng ta sẽ xoay xở như thế nào? Trong khi với nhiều gia đình, xe máy đã trở thành “sinh mệnh” không thể thay thế trong việc kiếm tìm “miếng cơm manh áo”.

Theo ông Khoa, vấn đề thu phí xe gắn máy là vấn đề “nhạy cảm trong nhạy cảm” bởi nó đụng chạm trực tiếp tới sinh mệnh của hàng triệu người. Do đó, việc thu hay không thu phí xe cá nhân cần phải có bước đi cẩn trọng và nên tham khảo ý kiến đóng góp của đông đảo các tầng lớp trong xã hội. Đừng để sự việc vào chuyện đã rồi, vừa gây lãng phí lại không được sự đồng thuận trong xã hội. Do vậy thu để làm gì? Thu bao nhiêu để không trở thành gánh nặng của nhiều người, nhiều gia đình? Ông Khoa đề xuất, TP có thể thu nhiều, thu cao hơn ở những nhóm sử dụng xe hơi, xe đắt tiền; đặc biệt là ở những nhóm đặc biệt khá giả…Đồng thời cũng chỉ nên thu phí xe máy đối với những loại xe đăng ký mới, không nên thu đối với các loại xe đã trôi nổi trên thị trường, xe cũ…

 “Giải pháp loay hoay”

Thu phí từ phường, xã
Theo đề án được UBND TP.HCM trình Bộ Tài chính, những xe ôtô con từ 7 chỗ ngồi trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, khi cấp mới giấy đăng ký và biển số, thành phố đề nghị tăng mức thu phí hiện hành từ 2 triệu đồng lên 50 triệu đồng.

Đối với xe môtô, xe gắn máy có giá trị dưới 15 triệu đồng, mức thu đề nghị 1 triệu đồng - thay vì 500.000 đồng; xe có giá trị 15 - 40 triệu đồng, mức thu tăng từ 1 triệu lên 2 triệu đồng và xe có giá trị trên 40 triệu đồng sẽ phải nộp phí đăng ký mới 4 triệu đồng (hiện chỉ 2 triệu đồng).

Đặc biệt, thành phố cũng “mạnh dạn” đề nghị Bộ Tài chính xem xét thu lệ phí lưu hành xe hàng năm theo hướng đề xuất xe môtô, xe gắn máy thu 500.000 đồng/xe/năm, trong khi với xe ôtô 7 chỗ ngồi trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, đề nghị thu 10 triệu đồng/xe/năm. Hình thức thu phí lưu hành hàng năm sẽ được thực hiện thu thông qua các phường, xã và biên lai nộp phí sẽ được quy định như một loại giấy tờ bắt buộc kèm với giấy đăng ký xe khi thực hiện kiểm tra giấy tờ xe. Trong trường hợp không nộp khoản phí này sẽ bị phạt với mức 250.000 đồng/lần (xe môtô, xe gắn máy) và phạt 5 triệu đồng/lần (xe ôtô 7 chỗ trở xuống).

Đồng quan điểm, ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UBMTTQ TP. HCM không ngần ngại nói thẳng, lý do UBND TP đưa ra để thu phí xe gắn máy để chống kẹt xe và tai nạn giao thông là không chính đáng. Bởi lẽ nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài là do quản lý nhà nước về giao thông yếu kém chứ không thể đổ hết lỗi cho xe gắn máy. Thay vì tạo ra cơ sở hạ tầng giao thông tốt, phân luồng, điều hành giao thông tốt để từng bước giảm thiểu kẹt xe thì đằng này lại bắt dân è cổ gánh chịu; nhất là phải gánh chịu trong bối cảnh vật giá leo thang, đời sống dân tình đang rất khó khăn.


Cũng theo ông Đằng, nếu TP quyết định thu phí xe cá nhân thì phải công khai cho người dân biết, TP sử dụng số tiền thu này để làm gì? sử dụng bao nhiêu. “Tôi có cảm giác việc công khai minh bạch ngày càng ít đi. Đây là điều đi ngược với xu thế dân chủ hoá, đi ngược với biện pháp phòng chống tham nhũng (công khai minh bạch)…” – Ông Đằng bức xúc.

Trong khi ấy, ông Lê Nguyễn Quang Minh, HĐND TP.HCM cho rằng: “Đây lại là một “giải pháp loay hoay” của Nhà nước mà người dân phải gánh. Điều đặc biệt là, việc “đổ hết lỗi cho xe cá nhân” trong đó có đề xuất thu phí đã được đưa ra cách đây khá lâu và đã bị nhiều ý kiến phản đối. Cụ thể, tháng 1/2007, Sở Giao thông công chính TP đề nghị xe máy phải đóng 10.000 đồng/tháng, ôtô đóng 200.000 đồng/tháng; Đến tháng 9/2007, Sở GTCC lại nhắc đến đề xuất này một lần nữa tại buổi làm việc với đoàn giám sát Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Lúc này, mức thu phí đã được tăng lên là năm triệu đồng/năm với ôtô đang lưu hành và 10 triệu đồng/năm với ôtô mới, 1-2 triệu đồng/năm với xe máy đang lưu hành và 2-4 triệu đồng/năm với xe máy mới. Chưa dừng lại,  tháng 11/2007, Cục đường bộ Việt Nam đề xuất thu phí quản lý với các phương tiện lưu thông giờ cao điểm tại TP.HCM và Hà Nội. Các phương tiện lưu thông từ 6 giờ 30 đến 8 giờ 30 và 16 giờ 30 đến 19 giờ sẽ phải nộp phí 20.000 đồng/ngày với ôtô và 10.000 đồng/ngày với xe máy… tất cả những đề nghị này đều không được dư luận đồng tình.

Được biết, diện tích mặt đường giao thông của thành phố chỉ đáp ứng được 2,5 triệu xe các loại và hàng năm chỉ xây dựng mới, bổ sung thêm khoảng 1% diện tích mặt đường (nhưng số lượng phương tiện tăng 15% một năm).

Tăng tiền đỗ xe và tăng mức phạt

Thành phố cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh nâng mức thu phí đậu ôtô từ 20.000 đến 30.000 đồng một xe mỗi lượt dừng hoặc 500.000 đồng mỗi xe một tháng.

Hiện nay, TP HCM đang thực hiện thí điểm tổ chức thu phí trên một số tuyến đường thuộc địa bàn quận 1 và quận 5 với mức 5.000 đồng một ôtô mỗi lượt hoặc 100.000 đồng một xe một tháng. Tuy nhiên, mức thu này quá thấp và thành phố đang gần như bị nêm chặt bởi các loại phương tiện.

Mức xử phạt giao thông cũng sẽ được điều chỉnh: ôtô quay xe không đúng quy định; dừng, đỗ xe gây ùn tắc giao thông; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; đi vào đường cấm... tăng mức phạt từ 100.000 đồng lên 5 triệu đồng.

Xe máy không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu giao thông, đi vào đường cấm, dàn hàng ngang sẽ bị tăng mức phạt từ 80.000 đồng lên 1 triệu đồng. Các hành vi chiếm dụng hè phố, lòng đường gây cản trở giao thông, tăng mức phạt từ 50.000 đồng lên 500.000 đồng…

Giải thích việc đồng loạt tăng các khoản phí nói trên, theo TP HCM, các mức thu hiện tại dù đã được nâng lên nhiều lần, nhưng trên thực tế chưa đủ để tác động mạnh đến việc hạn chế tốc độ gia tăng về phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nên việc tăng là cần thiết.

Hiện thành phố có khoảng 3,56 triệu xe gắn máy và 360 nghìn ôtô, cộng thêm khoảng 700 nghìn xe gắn máy và 60 nghìn ôtô từ các tỉnh khác lưu thông ở thành phố. Bình quân mỗi ngày thành phố có khoảng 1.100 môtô, xe gắn máy và 120 xe ôtô được đăng ký mới.




Quang Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm