Đề cử Dạ cổ hoài lang là di sản quốc gia

31/07/2009 11:15 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Online) - Trong buổi hội thảo 90 năm bản Dạ cổ hoài lang (Sở VH, TT&DL Bạc Liêu và Hội Sân khấu TP.HCM phối hợp tổ chức) tại Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM vào sáng ngày 29/ 7, bên cạnh việc phân tích đánh giá những giá trị nghệ thuật (bài bản, nhịp điệu, lời ca...), ghi nhận công lao của những nghệ sĩ tiền bối đã cách tân bản Dạ cổ hoài lang thành bản vọng cổ. Đã có nhiều ý kiến về việc phải tôn vinh “bài ca vua” của sân khấu cải lương... một cách xứng đáng, để bản nhạc “trẻ mãi không già”.

Sở VH, TT&DL Bạc Liêu đã thu thập tư liệu, thực hiện công trình khoa học nghiên cứu về bản Dạ cổ hoài lang để đề xuất công nhận tác phẩm là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

GS-TS Trần Văn Khê phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đỗ Hạnh - SGGP

GS-TS Trần Văn Khê đã có những ý kiến rất đáng chú ý: Hiện nay, phần lời của Dạ cổ hoài lang có nhiều dị bản nên cần thiết phải có những hội thảo của cộng đồng khoa học cùng nghiên cứu, trao đổi để xác định đâu là lời chính thức, đâu là phái sinh. Muốn trở thành di sản văn hóa phi vật thể thì Dạ cổ hoài lang phải được chính thức hóa về mặt ngôn ngữ, từ đó mới có cơ sở chính xác dịch lời ca ra tiếng nước ngoài để phổ biến với bạn bè thế giới.

GS-TS Trần Văn Khê đã đưa ra những ví dụ rất cụ thể như câu: “Báu kiếm sắc phán lên đàng” thì “báu” là tiếng Nôm thường không ghép chung với “kiếm”, nếu có thì ghép là “kiếm báu”. Vì thế “bảo kiếm” (“bửu kiếm”) là đúng hơn. “Sắc” là chiếu chỉ của vua, “phán” là quyết định của vua nhưng thường dùng khi có mặt vua. Còn “phong” là phong tước, lộc, ban ơn cho triều thần (Trong từ điển tiếng Việt của Đào Duy Anh chỉ có “sắc phong” chứ không có “sắc phán”). Mà câu nhạc là “líu, công, líu, công, xê, xàng” nếu chữ “liu” để ca chữ “sắc” thì chữ “cống phải thấp hơn chữ “liu” một chút mới dễ ca cho nên “sắc phong” dễ ca hơn “sắc phán”.

Hay “Vào ra luống trông tin nhạn”: theo bản đàn, chữ cuối là “hò”, nếu để chữ “nhạn”, khi ca cho đúng thì nghe ra chữ “xự”. Nếu muốn dùng chữ “nhạn” thì nên đọc ra “nhàn”. Có dị bản là “Vào ra luống trông tin chàng” cũng có nghĩa và dễ ca...

Ông Lê Duy Hạnh (Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM) cũng đồng ý với việc nên tổ chức những hội thảo về bản Dạ cổ hoài lang thường xuyên hơn chứ không phải... 20 năm mới làm một lần như vừa qua.

NSƯT Huỳnh Khải bày tỏ sự ngưỡng mộ về mặt nhạc lý đầy sáng tạo của Dạ cổ hoài lang và mạnh dạn đề xuất ý kiến: Không nên xếp Dạ cổ hoài lang vào hệ thống 10 bộ bản nhạc tài tử (hiện nay, việc sắp xếp Dạ cổ hoài lang vẫn còn bất định: khi thì xếp vào bộ Nam, lúc là bộ Oán, khi qua bộ Điểm) mà nên xếp riêng nó vào bộ thứ 11 là bộ “Thập nhất vọng cổ” gồm: Dạ cổ hoài lang, Vọng cổ nhịp tư, Vọng cổ nhịp 8, Vọng cổ nhịp 16, Vọng cổ nhịp 32, Vọng cổ nhịp 64 (ít phổ biến)... khẳng định giá trị và sắc thái đặc trưng riêng của Dạ cổ hoài lang so với các bài bản khác...

Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm