Kỳ 2: Tản mạn về quần cư các tộc người

21/10/2012 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cách xây dựng các làng mạc cổ ở nhiều nơi trên thế giới có nét tương đồng là một quần cư mang tính phòng thủ và dân cả làng có thể tham gia phòng ngự đánh bại mọi cuộc xâm lấn từ bên ngoài, tất nhiên ở quy mô nhỏ, trong sự bất ổn của những thời kỳ phong kiến xa xưa. 

1. Khu bảo tồn di tích của người da đỏ Bắc Mỹ nằm ở Mesa Verde, Colorado, cho thấy một lối sống khác của thổ dân định cư trong các thành phố đất, chứ không phải là những người du mục sống trong các lều da thú như phim ảnh.  Đây là một thung lũng rộng lớn từ mép vực xuống dưới lòng sông và đáy vực có lẽ vài trăm thước, thổ dân thường chọn những hang động lớn lưng chừng vách vực xây dựng một quần thể cho cả bộ tộc sinh sống. Họ không sống trên mặt bình nguyên nơi canh tác ngô, cũng không sống ở dưới đáy vực, mà thường ở khoảng giữa như vậy, đi xuống có lẽ dễ hơn, còn đi lên nương ngô thì phải trèo, leo hoặc làm thang, đường đi rất khó khăn. Có nhiều nhà trong hang hiện không vào được mà chỉ có thể quan sát bằng ống nhòm từ xa. 



Khu bảo tồn di tích của người da đỏ Bắc Mỹ nằm ở Mesa Verde

Mỗi một gia đình ở trong một ngôi nhà vuông đắp bằng đất, trần nóc bằng, thoạt tiên lợp cây rồi trát đất, cửa đi ở phía trên nóc trần, xuống bằng thang và nội thất rất chật, có lẽ chỉ để ngủ. Mỗi căn nhà thực tế chỉ là một phòng rộng chừng 4m2, cho 4 hay 5 người ở. Nhà khác có thể làm chồng lên nhà phía dưới miễn là không bịt lối cửa lên xuống, nên có đến vài ba tầng nhà chồng lên nhau như những viên gạch, nhìn từ xa trông giống như một thành phố bằng  đất. 

Mỗi một hang lớn như vậy có đến vài chục gia đình ở, có lò nung gốm lớn công cộng cũng là lò sưởi chung cho cả bộ lạc, có phòng họp chung, còn đền thờ thường đặt trên bình nguyên khá lớn bằng đá. 

Cũng có những gia đình sống riêng lẻ ở hang nhỏ, nhưng gần đó, trên những vách vực quá cao người ta xây lan can đắp đất để trẻ con không sẩy chân ngã xuống vực. 

Khí hậu vùng này từ mùa Thu đã rất lạnh. Lối xây dựng đắp đất vuông chằn chặn sau trở thành một phong cách kiến trúc ở Mỹ, điển hình là thành phố Santafe ở New Mexico, cả thành phố dù nhà cao hay thấp cũng là một khối vuông chằn chặn đắp đất như vậy, dù bên trong thì hiện đại. 

Lối quần cư này cho thấy những đề phòng về thú dữ và sự xâm lấn của các bộ lạc khác có thể. Hàng ngày thổ dân leo lên bình nguyên làm nương bằng thang hay nhưng lối mòn riêng mà chỉ họ biết, tối quay trở về rút thang, bịt đường, thế là nội bất xuất ngoại bất nhập. Toàn bộ các hang chứa thành phố đất đắp đều được che phủ bởi những cây cối vào thời xa xưa có thể là rất dày đặc, đứng từ xa khó phát hiện những nơi ở này. 

2. Ở Vân Nam (Trung Quốc), từ Côn Minh đi Đại Lý trên con đường hơn 350 km có hàng trăm làng mạc quần cư theo lối tập trung cũng có tính phòng thủ, của người Di, người Bạch, người Hán và có thể của một số sắc tộc khác. 

Nhìn từ xa những làng này trông như một pháo đài đắp đất, thực ra là những ngôi nhà đất trình tường lợp ngói âm dương, cao một tầng rưỡi, tầng trên như một gác nhỏ thường phơi treo những túm ngô dài. 

Các ngôi nhà xây sát vào nhau, nhưng do địa hình núi đồi cao thấp tự nhiên, nên nhìn từ xa trông như chúng chồng lên nhau và người ta có thể đi từ nhà này qua nhà khác trên cao theo những sân lửng. 

Trong làng hầu như không có đất trống hay vườn tược gì cả, chỉ có những đường đi, lối ngõ, luồn lách qua mọi xóm, mà chỉ những người trong làng nắm được, người lạ vào làng chắc sẽ bị lạc. 

Lối quần cư này cũng mang tính phòng thủ, khi có cướp bóc, xâm lấn, cả làng có thể hô ứng, chiến đấu từ mọi phía mà kẻ xâm nhập không biết rõ bị tấn công từ đâu. 

Kỳ 3: Những bản làng thanh bình

Phan Cẩm Thượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm