Chuyện ngoại binh V-League: Trăm sự tại "thằng Tây"...

20/12/2011 13:10 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Khi U23 thất bại ở SEA Games 26, một thực tế là không ít người quay sang trách ngoại binh đã góp phần làm thui chột cơ hội ra sân của cầu thủ trẻ, nên thiếu kinh nghiệm trận mạc dẫn đến thất bại…

Không ngoại binh sân cỏ nội sẽ rất nhạt

Nói thế hơi oan cho ngoại binh. Bởi thực tế khi mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên diễn ra với sự có mặt của ngoại binh, cùng hàng loạt biểu tượng chưa giãy chết, V-League vẫn có sức hút rất lớn, trong đó có chất xúc tác của cầu thủ, HLV ngoại.

Chúng ta cũng thấy sức hút ghê gớm từ Kiatisuk và Chukiat, Tawan, khi bộ ba này đến Pleiku. Cho đến giờ này, tức V-League bước sang tuổi 12, ngoại binh vẫn là “muối”, tăng độ đậm đà cho giải chuyên cũng như sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp.


Samson (phải) từng tìm mọi cách để “giãy” khỏi HN.T&T nhằm sang chơi bóng ở châu Âu nhưng không thành công và phải tiếp tục ở lại V-League. Ảnh: Quang Nhựt

SLNA năm ngoái (và hiện thời) lực lượng cơ bản là cầu thủ trẻ. Không chỉ Hữu Thắng, nhiều học trò của ông cũng thường phải thốt lên, kiểu nhờ được chơi bên cạnh các ngoại binh chất lượng cao nên cộng hưởng nét tích cực về chuyên môn. Hay nói cách khác, trình độ ngoại binh của SLNA mùa giải 2011 được nâng tầm hơn, đã tạo nên sự khác biệt với một SLNA trước đó, vẫn với lực lượng nội binh cũ.

Cầu thủ SHB.ĐN được chơi bên cạnh Nguyễn Rogerio, đều học được rất nhiều qua cách chơi bóng của anh này. Tất nhiên, Nguyễn Rogerio luôn gánh một phần công việc rất nặng cho đồng đội nội. Merlo cũng quá tốt, thực sự là báu vật của đội bóng bên sông Hàn, hay như Philani ở Bình Dương…

Phản tác dụng nếu dùng sai mục đích

Tóm lại, sử dụng ngoại binh phản tác dụng, thì trước hết phải trách mình trước. Thực tế không ít cầu thủ ngoại thở mới sang  VN đều rất tốt, thậm chí ngờ nghệch về tâm tính. Thế nhưng khi có chút thành tựu, đặc biệt rủng rỉnh tiền bạc thì “một thằng Tây quái bằng 3 thằng ta cộng lại” (lời của HLV Lê Thụy Hải). Môi trường bóng đá nghiệp dư. Làm ra đồng tiền quá dễ từ bóng đá. Các ông “cò” luôn lôi kéo, mua chuộc, thành ra họ khó có điều kiện trở thành cầu thủ “tốt’, cả nghĩa đen lẫn bóng. Là người đi làm thuê, sân cỏ VN là mỏ vàng, vậy thì dại gì họ không làm mọi cách để khai thác tối đa cái mỏ lộ thiên ấy.

Việc lạm dụng ngoại binh, đã biến mục đích đây là chất xúc tác để kích thích nội lực, thành cứu cánh dẫn đến quá phụ thuộc vào họ. Trong công tác đào tạo nguồn lực bóng đá, tạo dựng nên một tiền đạo và thủ môn cừ hết sức vất vả. Thậm chí, chỉ nhờ cơ duyên, “trời cho” mới gặp được nhân tài chơi những vị trí đó. Vậy mà, nhiều đội đã nhập tịch cả tá ngoại binh, trên hàng công luôn 2 tiền đạo ngoại. Có thời điểm số lượng các đội dùng thủ môn ngoại chiếm đa số.

Quy định không sử dụng ngoại binh ở hạng Nhất và hạn chế bớt lực lượng này ở V-League từ mùa giải 2013 có thể coi là hành động sửa sai. Tuy thế, nếu các CLB không thực sự có ý thức trong việc sử dụng lực lượng này với mục đích kích cầu nội lực, thì mọi chuyện vẫn đâu vào đó.

Dường như, vẫn đây đó còn định kiến không tốt với lực lượng ngoại binh. Trong suy nghĩ của nhiều CLB, vẫn còn mang tâm trạng vắt cho kiệt khả năng của họ. Nhìn Almeida, Merlo từng cắn răng đá trong khi đồng đội nội cứ buông thẳng cẳng, thấy đáng thương cho họ. Almeida bị chấn thương, từ người hùng nhanh chóng bị coi là “của nợ”. Cầu thủ ngoại nào mè nheo, thường hay bị mắng kiểu “tiên sư cái thằng…”.

Có công bằng không, khi trong việc nhập tịch cầu thủ ngoại, chúng ta chưa xiết chặt hành lang pháp lý để phù hợp với đặc thù của bóng đá VN, để rồi đến khi cơn sóng nhập tịch lên quá cao mới ngăn chặn thì đã muộn và vô tình tạo ra sự đối xử không dễ chịu.

Ngoại binh vẫn cần cho bóng đá VN, nhưng sử dụng họ như thế nào cho hiệu quả vẫn là cả một nghệ thuật và thể hiện tầm nhìn.

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm