Vụ kiện Google: Cảnh tỉnh ý thức về bản quyền!

21/07/2009 10:44 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Việc Google sốt sắng đưa ra mức bồi thường 60 USD cho mỗi đầu sách bị họ số hóa "lậu" và mức ăn chia bản quyền cho thấy "bản quyền" sách trong thời đại số không hề bị "mất giá".

Như TT&VH đã đưa tin, việc Google tự ý số hóa cả triệu đầu sách báo (trong đó có 4000 tác phẩm của Việt Nam) đã dẫn đến việc “người khổng lồ” này phải đối mặt với vụ kiện bản quyền ầm ĩ thế giới mà “nguyên đơn” là Liên đoàn quốc tế các Tổ chức quản lý quyền sao chép (IFRRO). Nhưng cũng có thể thấy sự sốt sắng của Google trong việc đưa ra mức bồi thường lên tới 60 USD cho mỗi đầu sách bị số hóa mà không xin phép, đồng thời Google cũng đưa ra mức ăn chia bản quyền có thể lên tới 63% cho các chủ sở hữu tác quyền nếu ký kết thỏa thuận với mình… Những con số này, theo tôi, thực sự là có ý nghĩa. Nó cho thấy “bản quyền” sách trong thời đại số không hề bị “mất giá”. Nó có tác dụng cảnh tỉnh cho những đơn vị nào đang nhăm nhe chỉ muồn “xài” các sản phẩm trí tuệ của người khác mà không chịu bỏ tiền hoặc đưa ra mức giá bản quyền quá “bèo bọt”.

Theo thông tin đáng tin cậy, vụ kiện Google về tác quyền đã gây ra những hiệu ứng rất khả quan. Thời điểm này Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) đã nhận được tín hiệu từ một số trang web mà trước đây còn lưng chừng trong việc ký hợp đồng tác quyền với VLCC. Nhưng vì có vụ Google mà họ muốn nhanh chóng đạt được một hợp đồng sơ bộ với VLCC về việc kinh doanh trực tuyến các tác phẩm văn học (số lượng cũng ngang ngửa với Google). Trang web mà VLCC nói đến đến nằm trong một tập đoàn công nghệ khá lớn của VN mà tạm thời VLCC chưa muốn nói tên. Có điều đặc biệt là nếu như trước đây họ chỉ đưa ra mức trả tác quyền là là 20-30% doanh thu mỗi tác phẩm, nhưng nay nhìn con số 63% mà Google đề nghị, họ đã chấp nhận trả ở mức 50%.

Vụ kiện với Google cũng tác động đến VLCC, ở chỗ VLCC đang xin được nhận ủy thác tác quyền tác phẩm của các tác giả không thuộc Hội Nhà văn Việt Nam (nếu không thì Nhà nước nên thành lập một tổ chức riêng để bảo hộ cho các tác phẩm thuộc diện này). Rõ ràng đây cũng là một việc làm cần thiết để hoàn thiện các tổ chức quản lý tập thể về tác quyền cho các tác giả Việt Nam trên các lĩnh vực.

Lại một tín hiệu vui nữa: Hôm qua, 20/7, VLCC đã chính thức công bố, danh sách 109 tác giả (và người được hưởng quyền thừa kế) nằm ngoài Hội Nhà văn Việt Nam đã ủy thác tác quyền cho VLCC, tính đến ngày 20/7/2009.

Đông Kinh (Hà Nội)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm