Ký với Google sẽ không mất quyền đưa tác phẩm lên các website Việt Nam!

18/07/2009 17:29 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Đó là khẳng định của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Văn học VN (VLCC) hôm qua (17/7), sau khi có những ý kiến lo ngại rằng nếu các tác giả VN đồng ý ký thỏa thuận cho phép Google số hóa các tác phẩm của mình thì cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ mất quyền công bố tác phẩm trên các website trong nước. Thực tế sẽ không phải như vậy.
 
 
Vụ kiện lớn, cơ hội cũng lớn

Câu chuyện bản quyền giữa các chủ sở hữu tác quyền trên khắp thế giới với “người khổng lồ” Google đã trở nên căng thẳng trong thời gian qua khi thông tin về việc Google tự ý số hóa hàng triệu đầu sách báo (trong dự án Google Book) mà không có sự thỏa thuận đầy đủ về mặt tác quyền.

Phản ứng mạnh mẽ với sự xâm phạm bản quyền này, Liên đoàn Quốc tế các Tổ chức Quản lý Quyền sao chép (IFRRO), sẽ khởi kiện Google. Đây có lẽ sẽ là vụ khiếu kiện bản quyền ầm ĩ nhất hành tinh và sức nóng đã lan sang Việt Nam, khi các tài liệu đáng tin cậy cho biết, đã có hơn 4.000 tác phẩm của VN cũng đã bị Google số hóa mà không xin phép.

Để đối phó với vụ kiện này, Google gửi thư đến các tác giả, chủ sở hữu tác quyền trên khắp thế giới, trong đó có một số tác giả Việt Nam và Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Văn học VN (VLCC). Trong thư đó, để được... bãi nại, Google chủ động đưa ra mức bồi thường là 60 USD cho mỗi tác phẩm bị số hóa mà không xin phép, đồng thời đề nghị các chủ sở hữu tác quyền ký thỏa thuận cho phép Goolge khai thác các tác phẩm, và được hưởng tiền bản quyền bằng 63% doanh thu từ mỗi lần sử dụng tác phẩm.

Xét ở một khía cạnh nào đó, có thể coi đây là một cơ hội cho một hợp đồng tác quyền cực lớn đối với các chủ sở hữu quyền ở Việt Nam, bởi nếu ký với Google, các tác phẩm của Việt Nam sẽ có mặt trong thư viện sách trực tuyến khổng lồ này. Chưa bàn đến các con số mà “bị đơn” Google đơn phương đưa ra như trên có là “béo bở” hay không (vì sẽ còn phải thỏa thuận), nhưng rõ ràng đây là cơ hội để “quảng bá” các tác phẩm Việt Nam đến người sử dụng Internet, điều đó càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết trong tình trạng văn học đọc xuống cấp như ngày nay, không chỉ ở VN mà trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, do mới tiếp cận thông tin này, một số tác giả Việt Nam đã vội bày tỏ lo ngại rằng “nếu chịu thỏa thuận, các nhà văn Việt Nam không chỉ phải từ bỏ quyền khiếu nại mà còn phải chấp nhận một số điều kiện của Google”. Trong đó, được quan tâm nhất là việc các nhà văn phải nhường cho Google một số quyền hạn nhất định trong việc khai thác lợi nhuận từ tác phẩm.

VLCC đã khẳng định rằng lo ngại này hoàn toàn không có cơ sở. Nếu các chủ sở hữu quyền Việt Nam tham gia vào vụ “thỏa thuận, thu xếp” này với Google ở Hoa Kỳ sẽ không bị ảnh hưởng đến bất kỳ khai thác sử dụng tác phẩm ở trong nước cũng như ở nước ngoài, với bất kỳ hình thức nào. Và như vậy hoàn toàn không có chuyện các tác giả Việt Nam cũng có thể mất quyền công bố tác phẩm trên các website trong nước. Bà Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc VLCC cho biết: “Một nguyên tắc cấp phép sử dụng của các tổ chức quản lý tập thể là cho phép nhiều người sử dụng, nhiều hình thức và nhiều địa điểm sử dụng, chứ không cấp phép độc quyền”.

Chưa dễ dàng chấp nhận các mức mà Google đưa ra

Với tư cách “ông lớn” trong thư gửi các chủ sở hữu tác quyền Việt Nam, Google ra hạn, nếu đến ngày 30/9 các chủ sở hữu tác quyền Việt Nam không trả lời, thì chẳng những sự hợp tác đổ bể mà các ấn bản phẩm của các tác giả Việt Nam sẽ không tồn tại trên công cụ tìm kiếm của Google nữa. Bà Đoàn Thị Lam Luyến cho rằng, để ký thỏa thuận cấp phép sử dụng cho Google, nhất thiết phải có sự trợ giúp của các biện pháp bảo hộ công nghệ (chẳng hạn các hệ thống mật mã) và thông tin quản lý quyền (chẳng hạn thiết bị nhận biết kỹ thuật số) để giám sát quá trình sử dụng tác phẩm của Google mới đạt được hiệu quả, nếu không thì các chủ sở hữu quyền Việt Nam chỉ làm giàu cho Google mà thôi dù hệ số tiền tác quyền có là 63%, nhưng rất có thể sẽ chẳng được là bao nhiêu. Bà Luyến lấy ví dụ khi mình giao cho ai đó một mặt hàng mà để họ tự đếm thì dĩ nhiên họ phải đếm... sao cho có lợi nhất cho họ chứ!
Bà Đoàn Thị Lam Luyến


“Cộng đồng quốc tế chưa chấp nhận một cách dễ dàng mức bồi thường 60 USD mà Google đưa ra đâu - bà Luyến nhấn mạnh - VLCC với tư cách là một thành viên của IFRRO cũng sẽ nghe theo cộng đồng quốc tế, chứ không thể đơn phương “thỏa thuận” một mình với Goolge được. Vì vậy, tôi nghĩ nếu cá nhân tác giả Việt Nam nào nhanh nhảu đồng ý mức bồi thường trong vụ kiện chung này thì cũng hơi buồn.

Lo cho hàng ngàn các chủ sở hữu tác quyền của Việt Nam

Không như nhiều nhà văn “tưởng bở”, trong số 4.000 tác phẩm VN mà Goolge đã số hóa và đưa ra mức bồi thường 60 USD không phải tất cả đều là các bài thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết nổi tiếng mà chủ yếu là các tác phẩm “phi hư cấu” (không phải văn học nghệ thuật). Chưa có bảng thống kê chính xác nhưng có tới 2/3 - 3/4 số tác phẩm là các loại sách phi hư cấu như hồi ký, tự truyện, phê bình, nghiên cứu, các tác phẩm khoa học công nghệ, các  giáo trình giảng dạy, các văn bản pháp luật... NXB có số lượng tác phẩm bị Google số hóa nhiều nhất không phải là NXB Văn học mà là... NXB Chính trị Quốc gia!

Có một điều rất khó khăn ở Việt Nam là cho tới nay, chủ sở hữu các tác phẩm phi hư cấu chưa có tổ chức đại diện để bảo hộ như VLCC. Hiện nay VLCC đang trình Bộ VH,TT&DL xin phép được phép nhận ủy thác tác quyền của những người ngoài Hội Nhà văn. Điều đó không hề mâu thuẫn với các quy định hiện hành của luật pháp, cũng như với Quy chế hoạt động của VLCC. Nhưng hiện nay Bộ chưa trả lời và VLCC rất lo rằng kết quả sẽ không được như mong đợi. Và nếu như VLCC không được phép nhận ủy quyền của các tác giả ngoài Hội Nhà văn thì mấy ngàn chủ sở hữu tác quyền các tác phẩm phi hư cấu sẽ phải tự “lo liệu” lấy việc bảo vệ tác quyền của mình. Và như vậy sẽ gây hoang mang và kém hiệu quả. 
 
Huyền Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm