Tăng lương, giảm "chi phí dưới gầm bàn"

11/11/2010 09:00 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hôm qua 10/11, một ngày sau khi thảo luận về thực hiện cải cách thủ tục hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, Quốc hội chính thức thông qua việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu từ 730.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/ tháng; thực hiện chế độ phụ cấp công vụ 10%. Mức tăng áp dụng từ ngày 1/5/2011.


Ngày 10/11, Quốc hội chính thức thông qua việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu từ 730.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/ tháng (Ảnh minh họa)

Công chức không sống đủ bằng lương là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm...”. Nhưng trong bộ máy Nhà nước hiện nay, một số người đang sống khá “tốt” ở mức sống mà với mức lương của họ, không thể nào có được. Ai cũng biết họ có những khoản thu nhập ngoài lương xuất phát từ “đặc quyền” nắm trong tay một “khâu” hành chính nào đó. Những thu nhập ngoài lương loại này không minh bạch, khó kiểm soát và muôn hình vạn trạng. Nói như Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc: “Ở một số cơ quan, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính chưa nghiêm nên vẫn còn gây khó khăn, phiền toái cho người dân và doanh nghiệp. Những chi phí không chính thức, chi phí “qua gầm bàn” đối với việc thực hiện thủ tục hành chính là vấn đề mà xã hội vẫn đang rất bức xúc. Vậy ai làm vấn đề đó, ai đã gây ra bức xúc đó? Chính là cán bộ”.

Báo cáo của Ủy ban Pháp luật Quốc hội nhận xét: “Tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng còn khá phổ biến”. Đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) nêu thực trạng tại nhiều nơi: “Đối với các doanh nghiệp trong quá trình xúc tiến các thủ tục cần thiết cho công việc kinh doanh, việc bôi trơn, lót tay cho cán bộ để được giải quyết nhanh chóng là câu chuyện tuy không nói ra nhưng ai cũng phải biết, phải làm”. Nhiều đại biểu lo ngại, việc cán bộ, công chức cũng sẵn sàng nhận tiền hoặc gợi ý đưa tiền để thực hiện nhiệm vụ, xem đó như là một thủ tục hành chính trong quy trình.

Điều người dân quan tâm là, tăng lương tối thiểu ngoài tác dụng để “cán bộ” đối phó lại với cơn bão giá đang hoành hành hiện nay, liệu nó có là một cú hích đối với công cuộc cải cách hành chính. Bởi theo Tổ chức minh bạch thế giới, thu nhập từ lương thấp không đủ là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi tham nhũng, sách nhiễu trong hành chính công.

Bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết, trong cải cách thủ tục hành chính thì có vấn đề con người. Yêu cầu là phải đảm bảo đủ lương. Thực tế vừa qua chúng ta chưa nâng được lương cục bộ cho bộ phận này lên nhưng bộ phận tiếp nhận giao dịch một cửa khi giải quyết thủ tục hành chính đã có thêm phụ cấp làm thêm giờ, tuy chưa lớn nhưng cũng động viên được. Xin lấy lời Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc làm lời kết: “Thủ tục hành chính dù có tốt bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng con người không tốt thì cũng không giải quyết được vấn đề gì”.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm