Quyết bình ổn giá thuốc nội

09/03/2011 11:07 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trước tình trạng USD “nhảy múa”, trong thời gian qua các nhà thuốc cứ “vô tư” đẩy giá bán vùn vụt “leo thang”. Do vậy việc bình ổn giá thuốc là vấn đề quan trọng để “cứu” bệnh nhân nghèo trong bối cảnh hiện nay.

Trong những ngày qua, TT&VH đã tìm hiểu tình hình thị trường thuốc tân dược tại TP.HCM, hầu hết các loại thuốc dù là nội hay ngoại đều đồng loạt tăng giá do tỷ giá USD tăng. Chính vấn đề này đã đẩy người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo vào tình cảnh “éo le” hơn.

“Méo mặt” vì giá

Chị Trần Thị Thúy, một bệnh nhân đang điều trị bệnh khớp tại BV Chợ Rẫy than thở: Những loại thuốc khớp như Viatril.S. cứ tăng ào ào, cho đến hôm nay, để mua được 1 hộp thuốc này phải trả với giá hơn 450 ngàn đồng. Trong khi trước Tết chỉ có giá trên dưới 400 ngàn đồng/hộp. Mà bệnh này phải điều trị lâu dài, nếu giá cứ tăng lên nữa thì làm sao mà chịu nổi”.

Bình ổn giá thuốc là việc cần làm ngay. Ảnh có tính chất minh họa

Trao đổi với bà Lưu Kim Lan, chủ một hiệu thuốc tại quận 10, bà Lan cho biết: “Từ Tết đến nay, giá thuốc cứ nhảy theo giá USD nhưng theo xu hướng tăng cao là chính. Thuốc ngoại tăng, thuốc nội cũng kéo tăng theo, lý do của những nhà cung cấp là do nguyên liệu nhập ngoại nên phải chịu ảnh hưởng từ giá USD. Có loại thuốc nội tăng 100%, còn các loại kháng sinh nhập khẩu, thuốc đặc trị tăng 10%”.

Ghi nhận tại một số nhà thuốc trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 10, chợ dược phẩm đường Tô Hiến Thành, nhiều loại thuốc đã tăng “chóng mặt”. Theo anh T., trình dược viên của một công ty dược cho biết: Các loại thuốc nội, ngoại điều trị huyết áp tăng từ 10 đến 20% tùy loại, thuốc kháng sinh tăng khoảng 10%. Đơn cử như loại thuốc Nifed., Aml. tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/hộp, thuốc Exfo., nhập khẩu từ Pháp tăng từ 540.000 đồng lên 590.000 đồng/hộp. Các loại thuốc thông thường như thuốc mắt, dầu gió tăng từ 40% - 50%.

Tuy nhiên theo T., việc tăng giá của các mặt hàng thuốc đều do các nhà thuốc bán lẻ lợi dụng tỷ giá USD tăng để đẩy giá lên cao.

Bình ổn giá thuốc nội

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: Từ đầu năm đến nay, đã có một số doanh nghiệp gửi công văn xin điều chỉnh giá thuốc nhưng vấn đề này đang xem xét. Còn tại các nhà thuốc bán lẻ tự ý đẩy giá thuốc thì Sở sẽ tiến hành kiểm tra, nếu đơn vị, công ty dược nào cố tình tăng giá thì sẽ xử lý nghiêm.

Trong cuộc họp báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và kế hoạch cho tháng 3/2011, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: Phải đưa các mặt hàng thuốc tân dược vào một trong những nhóm các mặt hàng bình ổn. Việc làm này nhằm hỗ trợ một phần khó khăn cho người bệnh và đảm bảo an sinh xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Trước tình hình giá thuốc tăng, UBND TP sẽ chỉ đạo cho Sở Y tế gấp rút kê khai các mặt hàng thuốc để thực hiện ngay chương trình bình ổn loại mặt hàng này. Dự kiến đến tháng 4, những mặt hàng thuốc tân dược sẽ được áp dụng chương trình, tuy nhiên, cũng chỉ bó hẹp trong các loại thuốc nội.

Việc đưa mặt hàng thuốc tân dược sản xuất trong nước vào nhóm các mặt hàng bình ổn giá là một việc làm cần thiết, nhất là ngay lúc tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, giá cả tăng cao. Tuy nhiên, bên cạnh bình ổn giá thuốc nội thì cũng cần phải tập trung tăng cường kiểm tra, xử lý những nhà thuốc, công ty dược cố tình đẩy giá theo kiểu “tát nước theo mưa” và tìm các biện pháp khác nhằm để ổn định đến giá thuốc ngoại nhập.

Điền Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm