22/08/2023 06:57 GMT+7 | Văn hoá
Chỉ hơn 2 tháng sau khi đạt giải Khát vọng Dế Mèn lần thứ 4 - 2023, những bức tranh mới nhất của họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang (11 tuổi, Lạng Sơn) đã "xuất ngoại" tại Triển lãm Văn hóa Thanh niên Seoul - ASEAN 2023: Trẻ em châu Á được tổ chức từ ngày 8/8 đến 16/8 ở Hàn Quốc.
Triển lãm này do công ty Seoul Art Fair phối hợp cùng Liên đoàn Nghệ thuật Hàn Quốc, Hiệp hội Mỹ thuật Hàn Quốc và Hiệp hội Nghệ thuật Thanh niên Hàn Quốc tổ chức. Hoàng Nhật Quang tham dự triển lãm với bộ tranh gồm 2 tác phẩm: Mẹ thiên nhiên (acrylic, 2023) và Chào buổi sáng (acrylic, 2023). Cùng với Hoàng Nhật Quang, Ban tổ chức triển lãm đã thông qua Hội Mỹ thuật Việt Nam lựa chọn 2 học sinh tiểu học tiêu biểu khác là Nguyễn Thị Nhật Anh (11 tuổi) và Phạm Tùng Chi (8 tuổi) từng đoạt giải Nhì tại Triển lãm Mỹ thuật Thiếu nhi toàn quốc 2023. Trong đoàn, còn có thêm em Nguyễn Tùng Lâm (8 tuổi) tham dự triển lãm trực tiếp tại Hàn Quốc.
Cùng với tranh của những họa sĩ nhí trực tiếp tham dự triển lãm, Hội Mỹ thuật Việt Nam còn lựa chọn thêm 14 tác phẩm của các bạn nhỏ nhiều lứa tuổi khác nhau, tạo nên sự đa sắc trong trong sự trao đổi văn hóa với các quốc gia. Đoàn do họa sĩ Nguyễn Trường Linh, Chủ nhiệm khoa Mỹ thuật ứng dụng, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, đại diện Hội Mỹ thuật Việt Nam làm trưởng đoàn.
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam (đơn vị được phía tổ chức triển lãm thông qua để tuyển chọn các họa sĩ nhí tham dự).
Ông chia sẻ:
- Cậu họa sĩ nhỏ người Lạng Sơn này có đôi mắt hội họa rất khác biệt, đưa đến phòng tranh các tác phẩm đầy ngẫu hứng trong bút pháp, khác biệt hoàn toàn với các bức tranh của các bạn cùng lứa tuổi về tư duy và cách nhìn thế giới. Thế giới của Hoàng Nhật Quang là những linh cảm, mảng màu, vệt bút, giọt màu tràn trên toan táo bạo trong tác phẩm Mẹ thiên nhiên.
Có ai đó nhận xét, cậu bé dường như có "thiên nhãn", nhìn được những hình ảnh không ai thấy, những hình ảnh kỳ lạ, những linh hồn ẩn giấu trong mỗi bức tranh, ví như trong tác phẩm Chào buổi sáng cũng rất đặc biệt trong triển lãm Trẻ em châu Á. Các tác phẩm của Quang đã làm nên sự khác biệt trong triển lãm, làm điểm nhấn của đoàn học sinh Việt Nam.
Một tư duy lạ
* Xin ông cho biết thêm, từ sự phát hiện của Giải thưởng Dế Mèn lần thứ 4 - 2023, lý do nào để Hội Mỹ thuật Việt Nam lựa chọn Hoàng Nhật Quang cho lần "xuất ngoại" này?
- Hoàng Nhật Quang, một họa sĩ nhí ở Lạng Sơn, có thể nói là một phát hiện hết sức thú vị. Trường hợp của Quang là lý do để chúng ta tin hơn vào những đứa trẻ của người Việt Nam - những đứa trẻ mà thế giới chúng quan sát càng ngày càng lạ. Lạ đến mức, bản thân những họa sĩ chuyên nghiệp cũng chưa bao giờ có được những tư duy như vậy.
Quang được sống trong gia đình có bố là họa sĩ, mẹ là cô giáo. Đó là điều kiện thuận lợi để em có thể tiếp xúc nhanh với những tín hiệu đầu tiên của nghệ thuật, của văn hóa. Quang còn có điều kiện được tiếp xúc với văn hóa tộc người, với đời sống thiên nhiên, đặc biệt là thiên nhiên vùng cao, là đất của thượng ngàn. Đã là đất thượng ngàn thì thiên nhiên bao giờ cũng rộng mở những cánh tay để đón lấy những giọng điệu khác, những cách nhìn khác.
Ở đây, Hoàng Nhật Quang là một ví dụ cho sáng tạo hội họa mang tư duy khác hoàn toàn so với những họa sĩ nhí cùng lứa tuổi. Như thế, xuất hiện trong đoàn Việt Nam dự triển lãm lần này, Hoàng Nhật Quang đã "nhô" lên hẳn như một đại diện của mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam trong thập niên thứ 3 của thế kỷ 21.
* Thời điểm được trao giải Khát vọng Dế Mèn, tranh của Hoàng Nhật Quang đã gây "choáng" cho nhiều họa sĩ chuyên nghiệp. Cộng thêm với một tư duy hội họa lạ như ông nói, vậy Hội đánh giá ra sao về tài năng mỹ thuật đã sớm được bộc lộc ở họa sĩ nhí 11 tuổi này?
- Sau giải Dế Mèn và để chuẩn bị cho triển lãm ở Hàn Quốc, tôi cùng đoàn công tác của Hội Mỹ thuật Việt Nam đã trực tiếp lên Lạng Sơn để thăm Hoàng Nhật Quang. Chuyến thăm này, chúng tôi được tận mắt thấy Quang có cách sử dụng bút pháp hết sức phóng khoáng, gần như là cứ đặt bút là tràn ra màu, tràn ra nét.
Tranh của Hoàng Nhật Quang là một không gian lạ. Nó vừa trừu tượng, vừa siêu thực. Khó lý giải lắm! Và bản thân những ngôn ngữ biểu hiện của tranh Hoàng Nhật Quang gần như không có sự chuẩn bị nào. Quang hoàn toàn sử dụng một cảm xúc, một cảm nhận tự nhiên để có được một không gian nghệ thuật riêng mà đời thường hay người thường không nhìn thấy.Trong khi đó, tranh của những bạn cùng lứa tuổi với Quang thường rất cụ thể, thể hiện những va đập của xã hội đương đại.
Có lẽ, chính một phần văn hóa vùng cao đã giúp Quang được hưởng một đời sống tâm linh khó lý giải. Đời sống tâm linh ấy như thể tự nhiên, trời cho ai, người ấy được. Và chính đời sống ấy cũng đã giúp Quang sớm hình thành tư duy trừu tượng, tư duy siêu thực được mách bảo từ vô thức. Có lẽ chính Quang cũng không biết tại sao mình lại có thể vẽ được như thế, nghĩ được như thế.
"Có lẽ, chính một phần văn hóa vùng cao đã giúp Hoàng Nhật Quang được hưởng một đời sống tâm linh khó lý giải. Đời sống tâm linh ấy như thể tự nhiên, trời cho ai, người ấy được" - họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Cần nuôi dưỡng… "khẽ khàng"
* Tháng 6 vừa qua, Hoàng Nhật Quang đã có có triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên "Những linh hồn ẩn giấu". Một lần nữa, tranh của Quang gây bất ngờ khi 25 bức tranh trưng bày được bán hết trong 2 ngày. Theo ông, sự kiện này cho thấy điều gì?
- Đây là một sự kiện hết sức quan trọng trong tuổi thơ của Quang. Nhưng vấn đề ở đây không phải là bán hết hay là không bán được tranh. Xa hơn thế, sự kiện này cho thấy xã hội Việt đương đại, những người yêu thích mỹ thuật, những người sưu tập - họ đã tìm ra một phát hiện lạ. Đó là Hoàng Nhật Quang.
Người ta tò mò tại sao Quang lại "đọc vị" được "Những linh hồn ẩn giấu" (tên triển lãm)? Giải thích điều này, tôi nghĩ rằng có một phần do lợi thế của văn hóa vùng cao, của văn hóa các dân tộc. Nơi Quang sống với những đền phủ thượng ngàn, những tranh thờ miền núi đã trở thành những xúc tác hằng ngày để một đứa trẻ bé tí đã sớm được làm quen với những tín hiệu văn hóa, nghệ thuật mang màu sắc thần bí. Từ đó, Quang tự nhiên lại được duyên mà có được những lời mách bảo của tiền nhân, của cổ nhân. Với Quang, chúng ta có lẽ chỉ nên lý giải đến chừng mức ấy, mà không cần lý giải sâu hơn.
* Sau những thành tựu bước đầu, nhiều người lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của Hoàng Nhật Quang trong tương lai khi thành công quá sớm. Vậy theo ông, cần làm gì để những tài năng như Quang có thể đi đường dài?
- Cách nuôi dưỡng phải khẽ khàng. Sự nổi tiếng, tung hô rầm rộ đôi khi tình cờ làm hỏng, hủy đi những thứ đẹp đẽ nhất đầu đời của đứa trẻ khi cầm bút vẽ. Chúng ta đã có quá nhiều bài học ở thế kỷ trước.
Phát hiện ra những tài năng nhí, chúng ta cũng đầy sự hồi hộp để dõi theo con đường trưởng thành của các em, để xem các em yêu nghệ thuật đến đâu, yêu mỹ thuật, hội họa đến đâu, và sống, rồi vẽ như thế nào? Ở đây không chỉ có câu chuyện vẽ thuần túy. Các em còn phải được nạp các kiến thức qua các cấp tiểu học, trung học, phổ thông rồi đại học.
Việc nuôi dưỡng tài năng là sự chuẩn bị cho những thế hệ tiếp theo - vốn càng ngày càng trẻ - của nền nghệ thuật Việt Nam và đó cũng là sự kỳ vọng của giới mỹ thuật. Với trường hợp của Hoàng Nhật Quang, cũng cần nói thêm: Nếu chúng ta không theo dõi, để cho đứa trẻ cứ vẽ một cách buông theo cảm nhận nội tâm, trong khi nền cốt về văn hóa chưa được chuẩn bị vững vàng thì cũng khó có thể đi xa khi trưởng thành.
Đặt niềm tin vào thế hệ mới
* Từ trường hợp của Hoàng Nhật Quang, nhìn rộng ra hơn nữa đã có không ít tài năng nhí xuất phát từ giải thưởng Dế Mèn tiếp tục khẳng định được tài năng của mình sau khi đạt giải. Ở khía cạnh này, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Dế Mèn?
- Giải thưởng Dế Mèn của Thể thao và Văn hóa trong bối cảnh hiện nay có những vai trò quan trọng. Hằng năm, giải tôn vinh những nhà văn, họa sĩ,… sáng tác về đề tài trẻ em Việt Nam. Giải cũng đồng thời phát hiện những tài năng nhí được "nhô" ra một cách hồn nhiên, chứ không phải nhăm nhăm với mục đích để có giải thưởng.
Với thực tế này, điều quan trọng nhất mà giải thưởng Dế Mèn làm được là phát hiện, là thừa nhận, là khẳng định những tài năng mới. Mỗi năm mỗi khác, chúng ta từng có câu chuyện về trường hợp Xèo Chu ở TP.HCM. Đến Hoàng Nhật Quang, đó là một câu chuyện khác ở vùng cao Lạng Sơn. Qua những trường hợp cụ thể đó, có thể thấy văn hóa của người Việt Nam, nghệ thuật của người Việt Nam sang thế kỷ này sẽ còn nhiều điều bất ngờ hơn nữa.
* Vậy theo ông, những phát hiện của giải Dế Mèn giúp chúng ta tin vào một tương lai khởi sắc của nền nghệ thuật với những tài năng sớm được phát hiện và khẳng định?
- Rõ ràng chúng ta cũng có quyền tin vào một thế hệ mới. Họ nghĩ khác, vẽ khác, nhìn khác và nói khác. Bởi, đôi khi những thế hệ đi trước còn phải học ở những đứa trẻ đang nghĩ, đang nhìn, đang vẽ như thế nào.
Ở các em, tâm hồn trẻ thơ vẫn giữ được sự trong trẻo, thơ ngây mà không mất đi một không gian lạ - không gian của nội tâm, vốn đã bao hàm cả văn hóa của người Việt Nam trong đó. Nhưng những không gian ấy lại tồn tại bằng cảm nhận vô thức, các em cũng không hẳn biết. Để rồi nó cứ vụt ra, giúp các em cứ cầm bút là vẽ.
Qua đây cũng đặt ra vấn đề cần phải tiếp tục nuôi dưỡng để làm sao tình yêu của các nghệ sĩ vẫn dành cho đời sống trẻ thơ. Đặc biệt là dành cho thế giới tuổi thơ những con mắt mới, những con mắt lạ để nhìn thế giới, để nhìn chính cái đời sống hiện thực của đất nước, để cảm nhận được cả một nền văn hóa đồ sộ của người Việt, mà trong thế kỉ 21 này chúng ta vẫn đang tiếp tục dòng chảy đó.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang, sinh năm 2012, người dân tộc Tày. Em được trao giải Khát vọng Dế Mèn tại Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023 của báo Thể thao và Văn hóa khi đang học lớp 5.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất