Trước thềm LHP quốc tế Việt Nam 2010 (Bài 2): Điện ảnh Việt và sân chơi quốc tế

17/10/2010 07:00 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Còn non yếu và ít thành tựu nhưng điện ảnh Việt đã có những bước cọ xát với bạn bè quốc tế từ nhiều chục năm trước. Câu chuyện đoạt giải quốc tế không ngắn và cũng không bằng phẳng, vậy còn câu chuyện tổ chức sự kiện quốc tế?

>> Chuyên đề: Liên hoan phim Quốc tế Việt Nam

Rinh giải từ xứ người

Không phải chỉ khoảng chục năm trở lại đây điện ảnh Việt Nam mới có những tin báo tiệp từ các LHP nước ngoài. Chúng ta đã có những giải thưởng điện ảnh quốc tế lần đầu tiên vào năm 1959: Huy chương vàng tại LHP Moscow cho bộ phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải của đạo diễn Bùi Đình Hạc và Giải thưởng đặc biệt của LHP Berlin dành cho bộ phim Đứa con của biển cả do Trung tâm Quốc gia Điện ảnh sản xuất. Năm 1962, tại LHP Karlovy Vary (Tiệp Khắc), lần đầu tiên một bộ phim truyện nhựa Việt Nam đoạt giải thưởng đặc biệt, đó là Con chim vành khuyên của 2 đạo diễn Nguyễn Văn Thông và Trần Vũ. Đến năm 1966, tại Đại hội Điện ảnh Á châu lần thứ 13, lần đầu tiên một nữ diễn viên Việt đoạt giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc với vai chính trong bộ phim Đôi mắt người xưa của hãng Liêm phim. Sau đó, chúng ta còn gặt hái thêm một số giải thưởng ở các kỳ LHP Moscow nữa và giải thưởng ấn tượng nhất từ LHP này là huy chương vàng hạng mục phim truyện dành cho Cánh đồng hoang của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến vào năm 1981. Trước đó, vào năm 1973, bộ phim Vĩ tuyến 17 ngàyvà đêm cũng đoạt giải của Hội đồng hòa bình thế giới tại LHP này. Với LHP Leipzig, phim Việt cũng được một giải vào năm 1970, giải Bồ câu bạc với phim tài liệu Những người dân quê tôi của đạo diễn Trần Văn Thủy…


Phim Áo lụa Hà Đông nhận giải Khán giả bình chọn tại LHP Kim Kê
Sau này, người Việt cũng đã chạm tay được đến những giải thưởng quốc tế danh giá bậc nhất. Đó là đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng với giải Trẻ và giải Camera vàng trong LHP Cannes năm 1993, lọt vào đề cử giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất và giành được giải César cho tác phẩm đầu tay của anh: Mùi đu đủ xanh (L’Odeur de la papaye verte). Cũng Trần Anh Hùng với phim Xích lô cũng thành công lớn với quốc tế: giải Sư tử vàng tại LHP Venice 1995 và giải FIPRESCI tại LHP Venezia năm 1995. Một đạo diễn Việt kiều khác, Tony Bùi, đã đoạt cả Giải thưởng lớn của ban giám khảo, Giải quay phim và Giải khán giả yêu thích tại LHP Sundance năm 1999. Cả Trần Anh Hùng và Tony Bùi đều không mang quốc tịch Việt Nam và làm phim bằng kinh phí của đất nước mà họ sinh sống, nhưng tất cả những phim đoạt giải thưởng quốc tế nói trên của họ đều kể những câu chuyện Việt Nam và nói tiếng Việt. Mùi đu đủ xanh tuy sản xuất bởi nhà sản xuất người Pháp nhưng lại là đại diện đầu tiên và duy nhất của Việt Nam lọt vào tới bảng đề cử Oscar phim nước ngoài hay nhất (vào tới vòng này đã được coi là một kỳ tích).

Đó là những giải thưởng được lịch sử điện ảnh ghi nhận và không hề có sự nhập nhèm đánh lận thông tin nào như thời kỳ thông tin bùng nổ như khoảng mười năm trở lại đây. Vậy thì ở thời đại thông tin bùng nổ, chúng ta có những giải thưởng nào? Rất nhiều! Khó có thể liệt kê hết những bộ phim Việt đã gặt hái được những giải thưởng quốc tế. Tuy nhiên, nổi cộm hơn cả là mức độ uy tín của các giải thưởng và cả độ chính xác, đáng tin cậy của những tin báo tiệp (thường xuất phát từ phía các nhà làm phim - cha mẹ đẻ của những bộ phim đoạt giải, gặp thêm sự thổi phồng thiếu kiểm chứng của báo chí). Năm 2000, thông tin trên nhiều báo cho biết phim ngắn Cuốc xe đêm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đoạt giải ở LHP Cannes 2000. Tuy nhiên sau đó, tìm hiểu kỹ, người ta mới biết đích xác Cuốc xe đêm dự thi ở một trong những hạng mục giải phụ của LHP này và là hạng mục duy nhất ở LHP Cannes không có trao giải mà chỉ xếp hạng, mang tên Cinefondation Award - Giải của quỹ hỗ trợ điện ảnh. Và Cuốc xe đêm chỉ xếp hạng 3! “Vụ án” tương tự diễn ra với Áo lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh và hãng phim Phước Sang khi thông tin “rò rỉ” với báo chí là bộ phim này đoạt giải Kim Kê của Trung Quốc. Sự thật là phim chỉ được trao giải Phim nước ngoài được khán giả yêu thích nhất tại Hội chợ triển lãm điện ảnh Kim Kê quốc tế, một hoạt động nằm trong khuôn khổ LHP Kim Kê chứ không phải giải thưởng chính thức của LHP này. Hay chuyện một vị đạo diễn điện ảnh thể thao bỗng một ngày loan báo phim của mình vừa đoạt giải Cành cọ vàng phim thể thao ở… Ý bất chấp “chân lý” Cành cọ vàng là giải của LHP Cannes ở Pháp! Hoặc sự nhập nhằng, lẫn lộn thông tin của một diễn viên trong phim Hà Nội Hà Nội, “lọt top 30 đề cử Nam diễn viên xuất sắc của giải Kim Kê Bách Hoa”, nhưng sự thật là giải này chỉ có top 10 vào bình chọn chính thức!…

LHP Venice 2009, ê-kíp làm phim Chơi vơi nhận giải ở hạng mục Orizzonti. Hạng mục này gồm các tác phẩm phim truyện và phim tài liệu không nằm trong vòng tranh giải chính thức nhưng có ban giám khảo độc lập và có giải thưởng riêng đề cao những xu hướng mới trong điện ảnh (chứ không phải của Hiệp hội Phê bình điện ảnh quốc tế Fipresci Prize như một tờ báo đưa tin).

Với một nền điện ảnh nhỏ bé như ta, dù không tự huyễn hoặc về các loại giải thưởng quốc tế, thì việc có được giải thưởng dù lớn hay nhỏ ở ngoài biên giới quốc gia cũng là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, chính tâm lý “nhược tiểu” của các nhà làm phim, sự sính ngoại của khán giả và sự tung hô thiếu kiểm chứng của báo chí đã khiến cho lòng tin vào những thông tin về giải thưởng điện ảnh quốc tế của các tác phẩm Việt Nam ngày càng có nguy cơ chuyển hóa thành sự nghi ngờ. Hễ nghe nói phim gì đoạt giải gì là người ta lập tức tìm cách kiểm chứng. Cách ứng xử của cư dân mạng - đưa đường link từ website chính thức của LHP Cannes ngay dưới thông tin báo mạng đăng - sau sự kiện bộ phim Bi, đừng sợ của Phan Đăng Di đoạt giải thưởng của Tuần lễ phê bình trong khuôn khổ LHP Cannes lần thứ 63 mới đây đã thể hiện rất rõ tâm lý mất lòng tin này.

Tổ chức sự kiện quốc tế tại sân nhà

Trên thực tế, nhìn vào lịch sử phát triển của điện ảnh Việt Nam thì LHP quốc tế Việt Nam 2010 không phải là sự kiện điện ảnh mang tính quốc tế đầu tiên được tổ chức. Trước năm 1975, điện ảnh trong nước đã có những sự kiện mang tính quốc tế và chủ yếu diễn ra ở phía Nam. Tháng 9/1973, sự kiện Ngày điện ảnh Việt Nam lần thứ 5 được tổ chức tại Sài Gòn đã thu hút 11 nước và lãnh thổ ở châu Á cử đoàn đến tham dự. Đó là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hongkong, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia. Các đoàn này cũng mang theo những diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ và các bộ phim hay của họ tới chiếu. Tuy nhiên, đó chỉ là hoạt động mang tính giao lưu, giống như việc ta mời các đoàn nước ngoài tham dự LHP trong nước trong những năm gần đây. Cho đến giờ, trước khi LHP quốc tế Việt Nam diễn ra, có lẽ sự kiện điện ảnh quốc tế trọng đại nhất mà Việt Nam từng tổ chức là LHP châu Á – Thái Bình Dương vào năm 1999. Tính đến nay, đây cũng là sự kiện điện ảnh thu hút nhiều ngôi sao điện ảnh quốc tế nổi tiếng nhất tới Việt Nam. Tại đây, bộ phim Đời cát (đạo diễn Thanh Vân) đã đoạt tới 3 giải quan trọng: Phim xuất sắc, Nữ diễn viên chính xuất sắc, Nữ diễn viên phụ xuất sắc và lập tức kéo khán giả Việt đến chật rạp!

Dù sao, LHP quốc tế Việt Nam đang đến gần, chúng ta có quyền hi vọng nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với điện ảnh nước nhà. Nhưng hi vọng luôn phải đi đôi với hành động. Tạo ra một LHP uy tín có khó lắm không?

Đón đọc Bài kết: LHP quốc tế Việt Nam vì nó rất... Việt Nam

Dương Vân Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm