Jean-Luc Godard “phớt lờ” cả Oscar

01/09/2010 11:50 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh muốn trao cho nhà làm phim Pháp Jean-Luc Godard, một trong những cha đẻ của Làn sóng mới trong nền điện ảnh Pháp, giải Oscar danh dự với thành tựu sự nghiệp của ông vào ngày 13/11 tới.

Song có điều rắc rối là họ không thể tìm thấy ông.

Hollywood đang đợi Godard. Jean-Luc Godard, đạo diễn điện ảnh, nhà biên kịch kiêm nhà phê bình huyền thoại 79 tuổi với sự nghiệp đã trải dài hơn nửa thế kỷ, là một trong 4 nhân vật sẽ được trao giải năm nay với “sự xuất chúng khác thường” và “những đóng góp hiếm có” cho nền điện ảnh.

Không thể liên lạc nổi

Tuy nhiên, đó chỉ là kế hoạch khi cho đến nay Viện Hàn lâm vẫn không liên lạc được với Godard để báo tin cho ông biết về giải thưởng đó.

Nhiều bức thư, fax, điện thoại đều không nhận được trả lời và điều đó khiến các nhà điều hành của Viện Hàn lâm ngờ rằng nhà làm phim này đang cố tình phớt lờ họ. “Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với ông từ chiều ngày 24/8, nhưng không hề nhận được hồi âm gì. Chúng tôi đã cố gắng điện thoại, fax và gửi email cho nhiều bạn bè và các hiệp hội, thậm chí còn gửi cho ông một bức thư theo đúng nghi thức”, ông Bruce Davis, giám đốc điều hành của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh, nói với tờ The Hollywood Reporter.

Theo tuyên bố của Viện Hàn lâm: “Trong suốt 50 năm, Godard đã liên tục viết và đạo diễn những bộ phim đầy thách thức và nhiều khi gây tranh cãi, những tác phẩm điện ảnh đó đã tạo dựng danh tiếng cho ông là một trong những người ủng hộ cái mới có ảnh hưởng mạnh trong lịch sử điện ảnh”.

Liên tục từ chối các hãng phim lớn

Cùng với Francois Truffaut, Godard đã đặt nền móng cho Làn sóng mới, trào lưu của các nhà làm phim trẻ châu Âu trong thập kỷ 50 và 60 của thế kỷ trước đã phá bỏ nhiều truyền thống bảo thủ. Ông đã truyền cảm hứng cho các nhà làm phim như: Martin Scorsese, Bernardo Bertolucci, Arthur Penn, Richard Linklater, Gregg Araki, John Woo, Mike Figgis, Robert Altman, Steven Soderbergh, Richard Lester, Jim Jarmusch, Rainer Werner Fassbinder, Brian De Palma, Oliver Stone và Ken Loach.

Nói chung, Godard luôn từ chối Mỹ và đặc biệt là Hollywood. Mặc dù bộ phim Breathless (1960) là phim ăn khách toàn cầu và góp phần đưa ông trở thành tài năng trụ cột đằng sau cái gọi là “Làn sóng mới” của nền điện ảnh Pháp trong những năm 1960, song ông liên tục từ chối những lời “tán tỉnh” của các hãng phim lớn và thực hiện hầu hết 70 bộ phim của mình bằng kinh phí thấp và lồng tiếng mẹ đẻ.

Cho tới giờ, Godard vẫn không có một đại diện nào để xử lý những vấn đề từ các tổ chức như Viện Hàn lâm, vì vậy quá trình liên lạc với ông nhiều khi giống như một trò khôi hài. Số điện thoại của ông được giữ kín và người ta không thể liên lạc với nhà làm phim này bằng email, bởi ông vẫn làm việc bằng máy chữ và từ chối sử dụng internet. Chưa kể nhà làm phim này còn ghét các hành trình phải bay dài và điều đó càng dấy lên lo ngại rằng ông sẽ từ chối tham dự lễ trao giải Oscar danh dự.

Có “truyền thống” tẩy chay các sự kiện công cộng

Nhà làm phim Pháp này vẫn nổi tiếng là người không thích lui tới những sự kiện công cộng. Năm 2007, ông đã định có mặt để nhận giải Thành tựu trọn đời của Viện Hàn lâm Điện ảnh châu Âu, song đến phút cuối lại quyết định ở nhà và giải thích cho sự vắng mặt của mình bằng một bức thư khó hiểu: “Tôi vừa nói cảm ơn và không cảm ơn các bạn. Khi có ai đó nói rằng tôi đã tạo nên thành tựu đời mình thì tôi phải chấp nhận nó. Và việc tôi không tới nhận giải là cách để tôi phê phán việc này. Tôi không có suy nghĩ là mình đã tạo nên một sự nghiệp”.

Đầu năm nay, Godard còn hủy việc tham gia LHP Cannes, nơi đáng lẽ ông sẽ chủ trì một cuộc họp báo để giải thích ý nghĩa của Film Socialisme, tác phẩm điện ảnh mới nhất của mình có phụ đề tiếng Anh và ông thông báo cho sự vắng mặt của mình bằng một bản fax gửi cho Thierry Frémaux, giám đốc LHP: “Thật không may là tôi không thể đáp ứng được sự sắp đặt của ông tại LHP Cannes”.

Việt Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm