Milan, cuộc sống hậu Kaka: Khi Milan bắt đầu “ăn chay”

30/06/2009 12:35 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH) -  Milan không còn là con gà đẻ trứng vàng nữa. Sự ra đi của Kaka, Maldini và Ancelotti đồng nghĩa với việc giá trị các hợp đồng quảng cáo và tài trợ của Milan sẽ giảm xuống trông thấy. Không có gì ngạc nhiên khi đội bóng của Berlusconi bắt đầu sống thời kì “chay tịnh”: đánh cược vào một đội hình ít ngôi sao, một HLV không kinh nghiệm và thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng.

Bắt đầu thời kì ăn tiêu dè xẻn

Hội nghị các nhà tài trợ của Milan vẫn diễn ra như mọi năm ở Villa Simius trên đảo Sardegna. Bầu trời Địa Trung Hải phía trên hòn đảo vẫn xanh trong thăm thẳm như dường như không có gì xảy ra, nhưng ở phía dưới, dường như sự vô tư lự của trời đất tỏ ra vô duyên với lòng người: Milan không có nhiều điều để cảm thấy thanh thản. Khi Galliani tuyên bố, mục tiêu của Milan trong mùa bóng tới chỉ là “có mặt trong 3 đội bóng đứng đầu giải và tiến càng xa càng tốt ở Champions League”, người ta hiểu rằng, không phải Galliani khiêm tốn.

Đã có quá nhiều thay đổi trong tư duy và phương hướng của đội bóng giàu truyền thống nhất của nước Ý. Một sự tụt lùi thê thảm so với hình ảnh của nó: lần đầu tiên kể từ khi chuẩn bị bước vào mùa 1998-99 mà trước đó Milan đã trải qua 2 mùa bóng thất bại nặng nề với vị trí thứ 10 và 11, Milan không dám tuyên bố mình có khả năng cạnh tranh Scudetto, mà chỉ dám đứng trong số 3 đội hàng đầu. Nhưng dường như ngay cả việc bảo vệ vị trí thứ 3 đã có trong mùa qua của họ cũng không hề dễ dàng. Điều chắc chắn duy nhất: Berlusconi và Galliani đã coi 2009-10 và có thể 1,2 mùa sau nữa là những mùa bóng chuyển tiếp cho một thời kì chiến thắng mới. Sự thật là người ta không thể hy vọng đoạt chức VĐQG và Champions League với những gì Milan đang có. Barcelona và Guardiola là một ngoại lệ hết sức đặc biệt.

Di Gennaro (dưới) từng gây bất ngờ khi ghi bàn vào lưới chính Milan mùa trước.

Các tifosi của Milan có thể thất vọng sau những gì đã xảy ra. Nhưng một loạt các sự kiện từ nhiều năm nay đã cho thấy Milan ngày càng là gánh nặng đối với gia đình Berlusconi, chủ yếu về vấn đề tài chính, và ông chủ không muốn đội bóng thua lỗ trở thành vật cản tình cảm giữa ông với các con, vốn là những nhà quản lí của Fininvest, công ty mẹ của Milan. Vậy là Milan bắt đầu tự hy sinh. Sự ra đi của Kaka, Maldini và Ancelotti đã giúp Milan cắt giảm quỹ lương xuống 20%, và cùng với khoản 67 triệu euro thu được từ việc bán Kaka sẽ tạo điều kiện cho Milan đạt mục tiêu sẽ lấp đầy các thâm hụt ngay trong năm 2009. Do đó, những cuộc chuyển nhượng mùa hè này sẽ không diễn ra một cách ầm ỹ như các tifosi đã mong đợi.

Milan cần phải mua một ai đó, một tiền đạo và một hậu vệ cánh, nhưng việc thị trường chuyển nhượng của họ đóng băng trong suốt một tháng qua cho thấy, dường như chẳng ai ở Milan có vẻ vội vã và, và họ đã có các phương án dự trữ: không có các ngôi sao, đã có những cầu thủ trẻ. Sẽ không có Dzeko, mà cũng chẳng có nốt Adebayor. Cái tên Cissokho đã từng gây chú ý mạnh mẽ, từng tạo ra những ấn tượng đẹp đẽ và đánh lừa được dư luận trong một thời gian ngắn về việc Milan bắt đầu trẻ hóa mạnh mẽ, để rồi tất cả vỡ mộng, khi Milan trút bỏ hậu vệ này như một tội nợ. Vấn đề không nằm ở những chấn thương tiềm tàng của anh, mà ở chỗ, khi bỏ ra đến 15 triệu euro cho một cầu thủ hầu như còn vô danh, Milan cảm thấy mình đang bị hớ!

Thời của những người trẻ

Sau 23 năm liên tục đầu tư, năm thứ 24 của triều đại Berlusconi, Milan “nghỉ ngơi”. Galliani mong các tifosi hãy hiểu điều này, rằng cuộc khủng hoảng tài chính đã tác động lên tất cả và đây chỉ là 1 trong 24 năm đầy vinh quang của Milan mà thôi. Sự ra đi của Maldini (một cựu binh 41 tuổi) được bù đắp bằng việc gia hạn HĐ với Favalli (người cũng đã 38 tuổi) như là sự khẳng định vào một chính sách quen thuộc mà Milan vẫn hay làm: luôn cần chỗ dựa ở một cầu thủ dày dạn kinh nghiệm (10 năm trước, sau khi Baresi giải nghệ, Milan trông cậy vào lão tướng Vierchowod).

Vị trí của những cầu thủ ngôi sao để trống được lấp đầy bằng những cầu thủ trẻ, khi lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Berlusconi ca lên bài “trẻ hóa”. Milan đã đưa về tài năng trẻ 21 tuổi Di Gennaro, mùa trước chơi Reggina, người đã làm Milan sửng sốt bằng bàn thắng vào lưới chính họ ở San Siro, đòi hậu vệ Perticone từ Livorno, mua đứt tiền đạo Zigoni (21 tuổi) từ Treviso, Abate (22 tuổi) từ Torino, sẽ đôn lên từ đội trẻ 4 cầu thủ Albertazzi, Strasser (Sierra Leone), Ikandi và Oduamadi (Nigeria).

Các tifosi Milan sẽ phải dần quen với những tên tuổi đó, và cả khả năng Milan kết thúc mùa bóng ngoài top 3. Đấy là lí do tại sao nhiều người hâm mộ đội bóng đỏ-đen đang lo sợ nghĩ đến cuộc khủng hoảng trầm trọng như đã diễn ra ở mùa 1996-97 và 1997-98, khi Milan hoàn toàn mất phương hướng và thậm chí có thời điểm đã đứng gần khu vực xuống hạng. Sự lo sợ càng trở nên nặng nề hơn nữa khi Pirlo và mức lương 5,5 triệu euro/năm của anh trở thành một gánh nặng mà Berlusconi không thể chấp nhận nổi. Thật khó tin rằng anh sẽ tiếp tục khoác áo Milan vào mùa bóng tới. Với Milan, bóng đá bây giờ không còn chỗ cho tình cảm.

Hoàn cảnh tài chính là lí do khiến Milan không còn sức cạnh tranh như trước, ít nhất là trên lí thuyết và thực tế có thể sẽ chứng minh điều ấy trong mùa bóng tới. Galliani có lí khi cho rằng uy tín và tên tuổi của Milan không vì thế mà sút giảm. Nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa với các nhà tài trợ và không thể thuyết phục được các tifosi. Ông cho rằng, kể cả khi Real Madrid không đoạt Cúp C1/Champions League, thì tên tuổi của họ không những được bảo tồn, mà còn được nâng cao. Phải, kể cả trong giai đoạn 32 năm trắng tay từ 1966 đến 1998. Liệu các tifosi Milan có thể chờ 10 năm, 20 năm, thậm chí 32 năm? Kiên nhẫn nào. Kì nghỉ để ăn kiêng mới chỉ bắt đầu...

Gattuso cũng chấp nhận hy sinh, vì chiếc băng đội trưởng

Maldini ra đi, đã có Gattuso. Việc tiền vệ mang áo số 8 nêu gương sáng, tự nguyện cắt giảm 10% lương trong HĐ gia hạn thêm 1 năm nữa đến 2012, đã giúp anh ngày càng trở thành một biểu tượng rõ nét hơn trong lòng các CĐV Milan. Lương hiện tại của anh với Milan trong HĐ đến 2011 có giá trị 5 triệu euro/năm, và Gattuso chấp nhận giảm 500 nghìn euro trong HĐ mới để làm tấm gương cho về sự hy sinh cho tất cả, đặc biệt là đối với Ambrosini, người sẽ hết hạn HĐ vào năm 2010, nhưng đang đòi gia hạn HĐ với mức lương tăng cao (anh đòi tăng từ 3,5 triệu lên 4,5 triệu euro). Berlusconi đã từng tuyên bố Ambrosini sẽ là đội trưởng mới của Milan mùa tới, nhưng dường như, với hành động “hào hiệp” của Gattuso, mọi chuyện đang thay đổi. Hầu như chắc chắn, đội trưởng mới của Milan sẽ là anh, Gattuso, và các tifosi Milan chắc chắn đồng ý với điều này.

 
Anh Ngọc (Roma, Italia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm