Milan của Sacchi: Đội bóng hoàn hảo

01/06/2011 11:50 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH)- Arrigo Sacchi, một người rất khiêm tốn dù đã đoạt được hầu hết các danh hiệu lớn nhất trong bóng đá Italia và thế giới, vẫn luôn bảo: “Đội bóng hoàn hảo không tồn tại”. Trên thực tế, đội bóng mà ông đã tạo ra những năm cuối thập niên 1980, là một đội bóng như vậy, và nó sẽ mãi mãi tồn tại trong lịch sử với tư cách là một trong những đội bóng mạnh nhất trong lịch sử.

Thời gian trôi qua, chỉ còn những kỉ niệm đọng lại. Và không gì hơn thế nữa. Những gì còn lại của một Milan mạnh mẽ những năm tháng thống trị calcio và bóng đá thế giới giờ chỉ tồn tại trong những cuốn băng video về một thời mãi mãi không trở lại, thời mà những người Milan tung hoành trên mọi nẻo đường Âu châu và chinh phục tất cả bằng một lối đá đẹp mắt nhưng cơ bắp. Tôi là một người hay hoài niệm, và những khi nhớ lại một thời sôi nổi nhưng mơ mộng của một thứ bóng đá cách mạng so với calcio truyền thống đã tạo nên trong lòng một tình yêu lớn với Milan và bóng đá Ý để rồi đi theo tôi mãi đến bây giờ. Khi Barcelona đang củng cố hơn nữa vị trí số 1 của họ trong làng bóng đá thế giới với tư cách là đội bóng chơi thứ bóng đá đẹp nhất và chinh phục tất cả, một so sánh không thể tránh được lại vang lên khắp nơi: thực tế thì đội bóng nào mạnh hơn, Barcelona-Messi của thời hiện tại, hay Milan những năm 1980 đầu 1990 của bộ ba Hà Lan Gullit-Rijkaard-Van Basten?

Milan của Sacchi- Ảnh Internet
Bóng đá của hai thời kì cách nhau 2 thập kỉ hoàn toàn không giống nhau. Dream Team của Johan Cruyff, với Guardiola trong đội hình chính, tỏa sáng từ 1992 đến 1994 kẹp giữa 2 thời kì bùng nổ của Milan với Sacchi và người kế nhiệm Capello, trong một quá trình chiến thắng liên tục kể từ 1988 đến 1994, nghĩa là 6 năm, với biết bao vinh quang. Bóng đá châu Âu và thế giới rên xiết dưới gót giày Milan những năm tháng ấy. Sự xuất hiện của Sacchi vào năm 1987 đã tạo ra một cuộc cách mạng thực sự với việc áp dụng lối chơi kèm người khu vực và pressing toàn sân, một điều hoàn toàn xa lạ với calcio cũng như bóng đá thế giới quen một kèm một những năm tháng ấy. Thắng lợi đến ngay tức khắc, không chỉ nhờ những bổ sung mạnh mẽ của Berlusconi, với việc tạo ra bộ ba người Hà Lan và 8 cầu thủ còn lại là những người Ý xuất sắc nhất, mà còn nhờ tư tưởng bóng đá tấn công một cách khoa học của Sacchi. Barcelona bây giờ sử dụng việc kiểm soát bóng làm chìa khóa của chiến thắng, và đẩy cao đội hình như một cái bẫy luôn giăng ra cho đối thủ, trong ki pressing tổng lực, và chờ đợi sự tỏa sáng của Messi, thì ngày ấy, Milan toàn diện hơn nhiều. Sacchi và Capello thi triển một lối đá khoa học bậc nhất dựa trên thể lực và thể hình vượt trội của các cầu thủ (ngày ấy, báo chí Ý viết, đối thủ đã thua Milan ngay từ đường hầm ra sân lúc đầu trận, khi các cầu thủ Milan luôn hơn họ một cái đầu, theo đúng nghĩa đen của nó), khả năng pressing từ việc phòng ngự ngay bên phần sân đối phương và dựa vào sự sáng tạo của Gullit và Donadoni, khả năng tranh cướp bóng của Rijkaatd và thiên bẩm ghi bàn của Van Basten hay Massaro. Đội bóng ấy nhiều phương án tấn công hơn Barca bây giờ, mạnh mẽ hơn về thể lực để áp chế đối thủ và khả năng kiếm soát bóng tuyệt vời.

Điều duy nhất mà Milan của Sacchi không làm được như Barca, là duy trì chuỗi thắng lợi liên tiếp trong thời gian không dưới 3 năm. Cho đến ngày thoái trào vào năm 1991 (đội bóng đoạt Scudetto năm 1992 của Capello không thể hiện nhiều điểm tương thích với Milan của Sacchi), thời kì đỉnh cao của Milan Sacchi chỉ kéo dài đúng 3 năm. Các nhà phân tích calcio cho rằng, phương pháp tạo dựng đội bóng của Sacchi gây mệt mỏi vô cùng, bởi lối đá của ông dựa trên khồng chỉ thể lực  vượt trội đối thủ mà còn sức mạnh tinh thần và ý chí chiến thắng, điều khiến cho các đội bóng cứ gặp Milan là cảm thấy thiếu tự tin. Sự sa sút của Milan Sacchi là do các cầu thủ không còn chịu đựng nổi phương pháp huấn luyện và áp đặt lối chơi đòi hỏi quá nhiều sức lực và trí lực như thế. Barceloa bây giờ khác thế, chơi một thứ bóng đá khoa học hơn không dựa trên sự vượt trội thể lực và khả năng của các ngôi sao mà lấy khả năng cầm bóng để làm chìa khóa chiến thắng. Milan hồi đó cũng đã kiểm soát bóng từ 50 đến 65% bóng mỗi trận như Barca bây giờ, nhưng trội hơn ở tốc độ, lối chơi thể lực và sự tỏa sáng của các ngôi sao. Nhưng Barca thực dụng hơn, và đấy là lí do tại sao họ có thể kéo dài mạch chiến thắng hơn Milan của Sacchi. Dù thế nào đi nữa, đúng như Sacchi nói, đội bóng hoàn hảo không tồn tại. Cả Milan ngày ấy, và Barca bây giờ.

Anh Ngọc

   

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm