Khi Milan trở trành 'XiLan', trong một cuộc chơi chính trị

07/08/2016 06:20 GMT+7 | AC Milan

(Thethaovanhoa.vn) - Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thâu tóm đội bóng là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản Italy, đất nước của thời trang, phong cách và "cuộc sống ngọt ngào". Đấy là những gì người ta có thể nói về cái tin đã được chờ đợi từ nhiều tháng nay, nhưng vẫn gây chấn động dữ dội khi xảy ra, thông báo Milan chính thức sang tay chủ mới, một consortium Trung Quốc. Nhưng đứng sau vụ mua bán này không phải ai khác chính là chủ tịch Tập Cận Bình. Milan đã trở thành "XiLan" (Xi là phiên âm tiếng Anh của họ "Tập").

Những gì xảy ra với Milan lúc này là điều không tưởng với các milanista, nhưng có lẽ là với chính Berlusconi nhiều năm về trước. Ông chủ của Milan, người đã từng mô tả những người cộng sản bằng sự chế giễu và căm ghét vì ông coi họ là "kẻ thù" về ý thức hệ và trong ba nhiệm kì làm Thủ tướng chưa từng sang thăm chính thức Trung Quốc, đã không thể cưỡng lại được làn sóng thâu tóm của người Trung Quốc trên đất Ý, giờ đã lan sang bóng đá, với chính sách của một người được coi là Mao mới, Tập Cận Bình. 

Sau Inter, với 70% cổ phần thuộc về Suning (trước đó, nhà tài trợ chính Pirelli cũng bắt đầu nói tiếng Hoa sau khi chuyển sang chủ Trung Quốc), sau khi nhiều công ti lớn của Italy trên nhiều lĩnh vực, từ công nghệ, thời trang cho đến thương mại bị thâu tóm trong một làn sóng "shopping" lớn chưa từng có từ trước đến nay, đến lượt Milan đầu hàng, sau 30 năm thuộc triều đại của Berlusconi, một trong những người giàu nhất nước Ý.

Nhưng điều đáng chú ý trong thương vụ này là ở chỗ, điều hành Milan sau vụ mua bán trị giá 740 triệu euro này không phải là một doanh nhân hay một tập đoàn kinh doanh thuần túy lấy lợi nhuận làm giá trị cao nhất, mà là một nhóm người, cụ thể hơn, một chính sách đầy tham vọng nhằm sử dụng thể thao làm công cụ chính trị của cả một quốc gia mà người đứng đầu của nó, Tập Cận Bình, đã đặt ra. Đấy là đưa bóng đá Trung Quốc lên hàng đầu thế giới, bằng cách bỏ tiền ra mua công nghệ làm bóng đá của Châu Âu, ở đây là Italy. 

Đội bóng giàu truyền thống nhất của Italy trên đấu trường thế giới đã trở thành một thứ đồ chơi sang trọng và đắt tiền của một đế chế thực sự đang hình thành trong mọi lĩnh vực của cuộc sống thế giới. Nhưng trên thực tế, ở nước Ý này, nơi mà cái tăm trong nhà hàng cũng được nhập từ Trung Quốc, nơi mà người ta chứng kiến một làn sóng ồ ạt mua lại các quán bar và nhà hàng và trong nhiều năm qua, lần lượt chứng kiến những bến bãi kho cảng lớn thuộc về sở hữu của người Hoa, biến Italy thành nơi trung chuyển hàng Trung Quốc vào Châu Âu, thậm chí đến những đồ hiệu cao cấp như Gucci hay Trussardi cũng do một bộ phận công nhân người Trung Quốc được nhập vào Ý để gia công, thì có gì lạ đâu khi một đội bóng nổi tiếng cũng bị họ mua...


Thời oanh liệt của AC Milan nay còn đâu

Trong thông cáo báo chí chính thức của mình về vụ mua bán, tập đoàn Fininvest của gia đình Berlusconi đã nêu tên những người chủ đầu tư chính trong thương vụ này. Đấy là Haixia Capital, công ti đầu tư có trụ sở ở Phúc Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc. Haixia chuyên đầu tư vào đường bộ và đường sắt cao tốc. Những tên tuổi quan trọng trong thương vụ Milan-Trung Quốc là các VIP người Hoa trong một quỹ đầu tư và phát triển của nhà nước Trung Quốc và tập đoàn Sino-Europe Investment Management Chiangxing, vốn làm đại diện cho ít nhất 3 nhóm công nghiệp và đầu tư tư nhân. 

Nhưng chưa hết, báo chí Ý còn nhắc đến sự tham gia của những tập đoàn khổng lồ như Evergrande, hãng sở hữu một đội bóng lớn mà trước đây Marcello Lippi từng dẫn dắt; tập đoàn công nghệ Baidu và cả nhà làm rượu truyền thống Mao Đài (!). Ngay cả Wang Jianlin, người giàu nhất Trung Quốc, một cổ đông lớn của Atletico Madrid và là người đưa ra ý tưởng thành lập một dạng Champions League tầm cỡ thế giới nhưng "made in China", với 64 đội tham gia, cũng có thể nhảy vào. Trên tất cả, trong thương vụ này, có vốn trực tiếp từ chính phủ Trung Quốc. Tóm lại, vụ thâu tóm Milan là một dạng "nhà nước và nhân dân cùng làm".

Khác với thương vụ Suning-Inter, những gì xảy ra với Milan đặc biệt hơn. Trong trường hợp của Inter, một tập đoàn Trung Quốc đặt trụ sở ở Hongkong đã đầu tư vào Inter, thông qua tư vấn ban đầu của Pirelli, tập đoàn hóa chất nổi tiếng của Italy đã hiện diện rất nhiều năm ở Châu Á. Trong trường hợp Milan, dù tham gia trong thương vụ này là những tỉ phú hàng đầu của quốc gia đông dân nhất thế giới thì trọng tâm của chiến dịch mua sắm này vẫn là ảnh hưởng và tiền bạc của Trung Quốc, nằm trong chính sách của Tập Cận Bình nhằm khuếch trương hình ảnh của Trung Quốc ra Châu Âu và thế giới. 

Đấy là một kế hoạch đầu tư lớn lao và tham vọng nhằm chinh phục từng bước môn thể thao thu hút sự chú ý của toàn cầu, sau đó chuyển các đội bóng cho các nhà tài trợ Trung Quốc, biến cuộc chơi thành một dạng show Trung Quốc hóa trên phạm vi toàn cầu không chỉ vì mục đích thương mại thuần túy, mà còn thể hiện một cuộc xâm lăng về hình ảnh quốc gia và cố gắng đạt tới việc thâu tóm nốt World Cup (theo cách dùng sức nặng đồng tiền nhằm tác động để được đăng cai World Cup và đầu tư lớn vào đào tạo để từng bước đưa đội tuyển của họ vào chung kết World Cup) và Champions League (theo ý tưởng Wang Jianglin).

Một nhật báo kinh tế Italy cho rằng, các tập đoàn tư nhân tham gia vào vụ mua bán thực ra chỉ là bình phong cho nguồn vốn nhà nước, với việc chính phủ Trung Quốc nắm không ít cổ phần trong các tập đoàn đứng tên mua Milan, chưa kể đến việc quỹ Sino-Europe Investment của ông chủ Yonghong Li, người được coi là có tư tưởng cải cách, lại có quan hệ mật thiết với Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc.


Phải chăng Tập Cận Bình đứng đằng sau việc AC Milan được mua lại bởi một công ty Trung Quốc?

Có thêm một lí do nữa để Trung Quốc mua Milan: họ, cũng như Inter, là những thương hiệu quá nổi tiếng ở Châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng và do đó có nhiều giá trị khai thác. Nhưng những vụ mua sắm này cùng với hàng loạt thương vụ đầu tư lớn nhỏ trị giá hàng chục tỉ USD khác trong thời gian qua cho thấy rất rõ chính sách của chính phủ Trung Quốc nhằm đạt được công nhận quy chế kinh tế thị trường, trong thời điểm kỉ niệm 15 năm ngày họ chính thức gia nhập tổ chức WTO. 

Đấy là một sự công nhận vô cùng quan trọng nhằm gạt bỏ những hàng rào thuế quan bảo hộ giáng vào sản phẩm của họ từ các nền kinh tế Phương Tây. Nhưng đấy là những điều xa xôi về kinh tế. Câu chuyện của Milan gần gũi hơn nhiều. Với một hiện tại mất phương hướng và thất bại, với những thành công trong quá khứ và nợ nần thực tế là gánh nặng lớn lao, thì việc chuyển sở hữu sang tay những người thực sự và là duy nhất lúc này ngỏ ý muốn mua họ cũng là chuyện rất logic. Chỉ có điều, rất nhiều người không thích khi chủ mới của Milan (và cả Inter) là người Trung Quốc.

Nhưng biết làm sao được, kể cả khi Milan đã trở thành "XiLan"...

Trương Anh Ngọc
từ Rome, Italy

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm