Kế hoạch lớn của Chủ tịch Roma: Nâng tầm Roma, nâng tầm Calcio

27/11/2014 21:16 GMT+7 | Bóng đá Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ vài tháng nữa, sân bóng mới của AS Roma sẽ chính thức khởi công với mục tiêu sẵn sàng cho mùa giải 2016-2017. Đó sẽ là công trình còn hiện đại và lớn hơn cả sân của Juventus, đưa Roma trở thành biểu tượng mới trong nỗ lực cải tổ cách làm của bóng đá Italy. Nhưng Chủ tịch James Pallotta còn muốn nhiều hơn thế.

Có thể nói, sự kiện Phó chủ tịch James Pallotta lên thay Chủ tịch Thomas DiBenedetto hồi tháng 8/2012 mới đúng là cột mốc lịch sử cho đội bóng này, chứ không phải vụ chuyển giao quyền sở hữu từ gia định Sensi cho các ông chủ người Mỹ trước đó 18 tháng. Pallotta, vốn là cánh tay phải của DiBenedetto trong công việc làm ăn ở Mỹ, đã được giao toàn quyền và toàn thời gian “chăm lo” Roma. Hiệu quả đã thấy rõ. Roma trở lại là một thế lực mạnh ở Serie A, trong khi dự án sân bóng mới chỉ là một phần trong chiến lược phát triển mà Pallotta ấp ủ.

Ở Italy, Roma vẫn chỉ là đội bóng lớn thứ tư sau Juventus, Milan, Inter. Họ luôn gây cảm giác thiếu một thứ gì đó để đạt được thành công. HLV Fabio Capello, người gần đây nhất đem đến Scudetto cho Roma, từng nói rằng ở thủ đô Italy không tồn tại thứ “văn hóa chiến thắng”. Đó là điều Pallotta không thấy thuyết phục.

Hàng triệu người Rome đã đổ ra đường ăn mừng Scudetto năm 2001. Hàng ngày có ít nhất 700 nghìn người mở kênh radio riêng của Roma trên xe hơi. Có hẳn một nhật báo thể thao, tờ Il Romanista, chỉ để viết về đội bóng. Sự quan tâm của người dân với bóng đá và với Roma, theo nhiều người, chỉ thua kém có chăng là ở Madrid hay Barcelona. Nhưng trong lịch sử, Roma dường như chưa tận dụng được nguồn tài nguyên tuyệt vời đó, ngay cả khi gia đình Sensi được đặc biệt yêu mến. Pallotta, với đầu óc kinh doanh của người Mỹ, hẳn nhiên nhìn thấy ở đó những cơ hội.

Thành Rome không được xây chỉ trong một ngày, và kế hoạch lớn của Pallotta cũng cần thời gian để hoàn thành. Đội bóng ấy đang đi đúng hướng với sự đầu tư khôn ngoan trong hai năm Pallotta cầm quyền. Mặc dù vẫn đang phải đối mặt với khả năng vi phạm luật tài chính, Roma đã liên tục có lãi ở các kỳ chuyển nhượng gần đây, trong khi vẫn cạnh tranh sòng phẳng chức vô địch Serie A. Tiền không chỉ chảy vào thị trường cầu thủ, nơi Roma chuẩn bị rất tốt cho tương lai bằng nhiều cầu thủ trẻ, mà còn được đầu tư cho đào tạo nhằm khôi phục danh tiếng “vườn ươm” số 1 Italy. Làm ăn có căn cơ, Pallotta muốn tạo nên một đội bóng vững mạnh từ gốc.

Một trong những tham vọng của Pallotta là biến làng bóng Italy thành một “Liên hiệp kinh tế chung”. Từ trước đến nay, những hận thù, sự chia rẽ văn hóa vùng miền… khiến các đội bóng Italy hầu như không coi nhau là những đối tác phát triển, điều rất quan trọng ở các giải đấu giàu có như NBA hay Premier League. Pallotta muốn thay đổi và Roma, trong thời gian tới, chắc chắn sẽ là lá cờ đầu. Điều đó sẽ chỉ tốt cho cả nền bóng đá.

Nếu một ngày Calcio có thể trở lại thời hoàng kim như cách đây 2-3 thập kỷ, thì công lao hàng đầu sẽ thuộc về James Pallotta, một người Mỹ gốc Italy.

Khang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm