Inter đã biết thắng 1-0: Là Inter, mà không phải Inter

21/02/2011 12:15 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH) - Để bảo vệ cách biệt mong manh được thiết lập từ một bàn thắng ở tư thế việt vị, những phút cuối trận gặp Cagliari, Inter đã chơi không khác gì khi trước mặt họ là Barcelona, và người ngồi trên băng ghế chỉ đạo khi ấy không phải Leonardo, mà là Jose Mourinho.

Cách đây một năm, vị HLV người Bồ cũng đã từng đặt cả một chiếc xe bus hai tầng trước mặt thủ môn Julio Cesar (lượt về bán kết Champions League mùa trước, Inter thua 0-1, nhưng vẫn đi tiếp với tỉ số chung cuộc thắng 3-2), khi phải đối diện với sức ép từ đội bóng tấn công hay nhất thế giới. Bây giờ, Inter đã chơi hơn nửa giờ đồng hồ trong tư thế luôn nấp sau một cái khiên 2 tầng phòng ngự, với một thế trận như được bày ra trong hang động, và chờ thời gian trôi qua, trước CLB đang đứng thứ 9 trên BXH Serie A.

Inter nhọc nhằn hạ Cagliari, Ảnh Getty

Điểm khác biệt là một năm trước, ngay tại Nou Camp, Inter phải đá thiếu người sau nửa giờ đồng hồ (Thiago Motta nhận thẻ đỏ) bởi một pha đóng kịch bẩn thỉu của Busquets. 10 tháng sau, họ đá đủ 11 người suốt 90 phút (tất nhiên, nếu không coi sự vắng mặt của Sneijder ngang với việc chơi thiếu người), ngay trên sân nhà Giuseppe Meazza. Một năm trước, Inter là nạn nhân của sự bất công. Một năm sau, họ được hưởng lợi từ sự bất công, với bàn thắng ở tư thế việt vị của Ranocchia.

Và để bảo vệ thành quả từ sự bất công ấy, Leonardo đã trở thành Mourinho. Nhưng vẫn khác với Mourinho, người đã từng phát biểu rằng ông luôn chuẩn bị ít nhất 5 phương án phản công cho Inter trong các cuộc đối đầu với Barcelona, Inter - Leonardo đã chơi một thứ bóng đá tử thủ thuần túy được tổ chức hời hợt, mà chỉ có sự ngốc nghếch trong các pha lên bóng của Cagliari mới giúp chiếc boong-ke ấy không tan vỡ.

Không phải là Inter

Có 2 kiểu phòng ngự khi dẫn trước: Trước các đội cửa dưới, một đội bóng cửa trên thường chọn phương án cầm bóng và giảm nhịp độ trận đấu. Trước Cagliari, Inter không chọn lối chơi ấy. Thống kê cho thấy thời lượng cầm bóng của họ chỉ xấp xỉ Cagliari, 51% so với 49 %, nhưng Cagliari đã sút nhiều... gấp rưỡi, 19 cú sút so với 13 của Inter.

Cách thứ hai thuộc về các đội cửa dưới: Thu hẹp cự ly đội hình, tạo ra một rào chắn 2 lớp trước khung thành, và mặc cho đối phương cầm bóng trong 30 mét cuối cùng, rồi suy nghĩ cách phá giải thiên la địa võng trước mặt. Inter của Mourinho đã phải chơi với thế một đội cửa dưới như thế trước Barca một năm trước, đơn giản vì họ phải chơi thiếu người, và cách tổ chức theo khu vực của Mourinho cũng có thể xem là đỉnh cao của nghệ thuật vận dụng lý trí.

Inter của Leonardo thì ngược lại: Cũng siết chặt đội hình, cũng 2 tầng phòng ngự (10 phút cuối, Cambiasso thậm chí còn lùi xuống chơi như một trung vệ thứ 5), nhưng khoảng trống lộ ra không ít, đặc biệt là ở các vị trí rất lý tưởng để các tiền vệ Cagliari sút xa. Co cụm, nhưng các mắt xích liên kết lỏng lẻo và họ thường bị hút theo bóng, chứ không giữ được sự an toàn theo khu vực phòng thủ. Điều duy nhất tích cực rút ra qua lối chơi ấy của Inter là sự lì lợm, đầy sức mạnh và lăn xả của họ.

Đó có thể xem là một trận đấu mà giới hạn chịu đựng của Inter đã bị thử thách ghê gớm, khi sức ép của cuộc đua Scudetto thực sự khiến họ bối rối. Điều nguy hiểm nhất là đội bóng đã đẩy Inter vào thế phải phòng thủ co cụm (không phải là co cụm chủ động như Mourinho) chỉ là một CLB đang xếp thứ 9 ở Serie A, và vốn chơi sân khách không ấn tượng mùa này (trận thua Inter là thất bại thứ 6 của họ, trong 13 trận sân khách tính từ đầu mùa).

Ghi bàn và chiến thắng với một bàn ở tư thế việt vị, Inter cũng đã đạp đổ hình ảnh của chính họ một năm về trước. Một đội bóng khoa học và kỷ luật, một cỗ máy triệt tiêu sức chiến đấu của đối thủ và tiêu diệt nó bằng sự lạnh lùng, đang phải sử dụng sức mạnh tinh thần để đứng vững trước những đối thủ chưa bao giờ được coi là xứng tầm với Inter. Một đội bóng nghị lực ghê gớm, đã vượt qua những ảnh hưởng lớn của cơn bão chấn thương và thẻ phạt mùa trước  (thời điểm tháng Hai, khi họ khủng hoảng lực lượng, còn HLV Mourinho bị đẩy lên khán đài do động tác còng tay để chỉ trích trọng tài trong trận gặp Sampdoria), đã phải bấu víu lấy một sai lầm của trọng tài để duy trì hy vọng Scudetto.

Hai ngày nữa đã là cuộc chạm trán với Bayern ở Champions League, nhưng phía trước đội bóng Đức, là Inter, mà không phải là Inter...

Không thể hòa!

Tại sao Cagliari không thể gỡ hòa trên sân Inter, khi mà họ tạo ra được không ít cơ hội trong một thế trận có phần lấn lướt đội chủ nhà? Rất có thể vì… định mệnh. Khi Inter của Leonardo gặp Cagliari của Donadoni, một kết quả hòa là khó xảy ra nhất, bởi vì cả hai đội bóng đều chưa từng hòa. Các trận đã qua của họ chỉ xảy ra hai khả năng: hoặc thắng, hoặc thua. Kể từ khi Leonardo nắm Inter đến trước trận gặp Cagliari, đội bóng này đã đá tổng cộng 10 trận Serie A thì thắng 8, thua 2. Inter dưới thời Leo chỉ hòa một trận duy nhất ở tứ kết Cúp Italia, 0-0 với Napoli, nhưng cuối cùng vẫn thắng sau loạt luân lưu. Còn từ khi Donadoni đến, Cagliari đã đá 13 trận Serie A thì thắng 8, thua 5. Không có đội nào khác ở Serie A có thành tích độc đáo như vậy.

Cho Inter cũng phải cho Milan (!)

Trung vệ Andrea Ranocchia đã tiết lộ rằng chính anh là người chạm bóng cuối cùng trong cú sút bị làm chệch hướng của Houssine Kharja, trong tình huống mở tỷ số ở phút thứ 7: “Tôi đã chạm vòng bóng, rất nhẹ thôi nhưng thế là đủ. Điều quan trọng là chúng tôi đã thắng”. Có nghĩa là các cầu thủ Inter đã công khai thừa nhận đó không phải là một bàn thắng hợp lệ, bởi khi Kharja bắt đầu sút bóng thì Ranocchia đã ở tư thế việt vị. Tình huống can thiệp của Ranocchia vào cú sút diễn ra quá nhanh, khiến trước đó người ta không xác định được rõ là anh hay trung vệ Canini của Cagliari đã chạm bóng, ngay cả khi đã tua đi tua lại băng ghi hình. Những gì xảy ra trong một vòng đấu của Serie A cho thấy, hình như luật “bù trừ” lại xuất hiện ở Serie A trong cuộc đua Scudetto của các đại gia. Sau khi các trọng tài công nhận bàn thắng “đầy vấn đề” của Ranocchia, họ lại công nhận một bàn thắng không hợp lệ của Robinho. Trước khi tiền đạo người Brazil sút tung lưới Chievo, bóng đã chạm tay anh mười mươi. Nhưng trọng tài Luca Banti “không nhìn thấy”!

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm