Cách mạng chiến thuật ở Serie A 2011-12| Bí quyết mới: 3 hậu vệ = chiến thắng

17/05/2012 13:00 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH)- Lần đầu tiên kể từ năm 2001, với chức vô địch của Roma, mới lại có một đội bóng giành Scudetto mà không chơi với sơ đồ 4 hậu vệ giăng ngang. Chiến thắng của Juventus mùa này chính là biểu tượng thành công cho cuộc cách mạng chiến thuật ở Serie A: đá với 3 hậu vệ.

Từ thảm họa của Inter đến hào quang Juve

Chắc vẫn chưa ai quên Inter từng khốn đốn thế nào hồi đầu mùa giải, khi nhà cầm quân tội nghiệp Gasperini thất bại toàn diện và phải bẽ bàng ra đi chỉ sau 3 trận, mà nguyên nhân chính được cho là từ lối đá 3 hậu vệ không phù hợp với Inter. Người đến thay, Ranieri, đã phải trấn an ngay từ buổi họp báo ra mắt rằng ông sẽ đưa Inter trở lại đá 4 hậu vệ, và ông nhanh chóng được ca ngợi khi đưa Inter thắng liên tiếp 2 trận đầu tiên cầm quân. Song đến lúc này, hẳn không ai còn đổ lỗi cho sơ đồ 3-4-3 đầy phiêu lưu của Gasperini nữa, bởi vì sơ đồ 4 hậu vệ của Ranieri cũng chẳng cứu được Inter rơi vào kết cục "thê thảm" nhất từ sau Calciopoli.

Ngược lại, Juventus từng được ca ngợi ngất trời sau trận ra quân thắng Parma 4-1 bằng lối đá siêu tấn công 4-2-4 mà HLV Conte rất tâm đắc, nhưng bây giờ nhìn lại, người ta đều phải thừa nhận rằng chính sơ đồ 3-5-2 mới là chìa khóa mở ra thành công. Bước ngoặt là trận gặp Napoli ở vòng 12, khi Conte quyết định cho Juve đá 3-5-2 với mục đích dùng 5 tiền vệ để đối chọi với tuyến giữa có tới 6 người của đối thủ. Juve có một hiệp đấu loạng choạng và kết thúc trận với một kết quả hòa hú vía, song họ đã tìm thấy lý tưởng chiến thắng. Với bộ ba Vidal-Pirlo-Marchisio tạo nên một pháo đài ở giữa sân và sự cơ động của cặp tiền vệ cánh, Juve đã khám phá ra điểm mạnh nhất của mình: sự hoàn hảo của hàng tiền vệ. Kết hợp với đẳng cấp và kinh nghiệm của bộ ba trung vệ tuyển thủ Italia và siêu thủ môn Buffon, Juventus đã vô địch xứng đáng với kỷ lục bất bại, cho dù hàng tiền đạo của họ không được đánh giá cao.



Parma làm nên lịch sự nhờ chơi 3-5-1-1- Ảnh Getty

Người người, nhà nhà đá 3 hậu vệ

Công thức "3 hậu vệ = chiến thắng" thực ra không còn mới, bởi vì mùa giải trước cả Napoli và Udinese đều đã chơi thăng hoa và giành quyền dự Champions League với sơ đồ 3 hậu vệ đã trở thành bản sắc của họ (Udinese đá 3-5-2, Napoli đá 3-4-2-1), nhưng phải đến mùa này, trào lưu chuyển sang đá 3 hậu vệ mới thực sự bùng nổ. Trong số 20 đội Serie A, có 6 đội đã chơi 3 hậu vệ trọn vẹn hoặc trong phần lớn mùa giải là Juventus, Udinese, Napoli, Parma, Bologna và Siena. Không ngạc nhiên khi tất cả họ đều thành công. Juve vô địch; Udinese giành vé dự Champions League; Napoli gây ấn tượng mạnh ở Champions League; Parma lập được kỷ lục 7 trận thắng liên tiếp của riêng mình; Bologna là đội bóng mạnh thứ 5 trong giai đoạn lượt về; trong khi Siena chẳng những trụ hạng an toàn mà còn vào tới bán kết Cúp Italia. Trong số 6 đội, duy nhất Siena không lọt vào nửa trên bảng xếp hạng cuối cùng.

Ngoại trừ Udinese và Napoli, 4 đội còn lại đều chuyển sang đá với 3 hậu vệ trong mùa giải này sau khi thay đổi người cầm lái, minh chứng cho một thực tế rằng công cuộc tìm tòi cái mới đang trỗi lên mạnh mẽ ở Serie A, mảnh đất của chiến thuật. Sau thành công này, cuộc cách mạng nhiều khả năng sẽ tiếp tục lan rộng ở Serie A mùa giải tới. Không biết Milan, với chiến thuật bảo thủ 4-3-1-2 của HLV Allegri, có cưỡng lại được thời cuộc và bảo vệ quan điểm của mình bằng cách giật lại chiếc vương miện từ tay Juventus?

Bách Việt


Con số

3 Sự áp đảo của lối chơi 3 hậu vệ được thể hiện rất rõ ở Cúp Italia, khi 3/4 đội lọt vào bán kết (Juventus, Napoli, Siena) và hai đội lọt vào chung kết (Juventus, Napoli) sử dụng sơ đồ 3 hậu vệ. Ở Serie A, 3/5 đội dẫn đầu (Juve, Udinese, Napoli) đá sơ đồ này.

11 Lần gần nhất một đội bóng đá với 3 hậu vệ đăng quang Scudetto là Roma 11 năm trước đây, ở mùa 2000-01. Khi đó, bộ ba hậu vệ trụ cột của Roma là Jonathan Zebina, Walter Samuel và Antonio Carlos.

1 Juventus là không chỉ là đội vô địch duy nhất, mà còn là đội bóng lớn duy nhất, trong số 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu sử dụng sơ đồ 3 hậu vệ. Real Madrid, Barcelona, Milan, Inter, Man City, Man Utd, Chelsea, Arsenal, Bayern Munich, Dortmund, Porto hay PSG đều đá với 4 hậu vệ.

Thời của các hậu vệ cánh đã qua?

Cho đến mùa giải trước, vai trò của các hậu vệ cánh vẫn rất lớn trong thành công của đội bóng vô địch Serie A, với những cái tên điển hình Thuram, Cafu, Zebina, Zambrotta, Maicon, Chivu, Abate… xuyên suốt 10 năm gần nhất. Càng về sau này, trách nhiệm phòng ngự càng ít đi ở các hậu vệ cánh và tấn công thì nhiều lên, đặc biệt ở Milan và Inter, những đội không hoặc ít khi sử dụng tiền vệ cánh, song dẫu thế, vị trí thường trực của họ cũng vẫn là ở hàng thủ (kể cả Maicon, người thường xuyên đá như là tiền đạo cánh khi còn sung sức). Song với thành công của cuộc cách mạng 3 hậu vệ (thực tế là 3 trung vệ), các hậu vệ cánh thuần túy rất có thể sẽ đối diện với nguy cơ bị đào thải nếu không thể thích ứng. Trong sơ đồ 3 hậu vệ, các hậu vệ cánh (full-back hoặc wing-back) sẽ được đẩy lên đá tiền vệ cánh (winger), như Maggio và Dossena ở Napoli, Armero và Basta ở Udinese, Lichtsteiner và De Ceglie ở Juventus. Nhiệm vụ chủ yếu của họ vẫn là lùi về hỗ trợ cho hàng thủ 3 người mỗi khi để mất bóng, nhưng họ không còn là những hậu vệ nữa mà đóng vai trò như một tiền vệ con thoi chỉ chơi bám biên. Khi phòng ngự, họ là hậu vệ cánh, khi tấn công, họ là tiền vệ cánh. Không còn chuyện một hậu vệ cánh không lên quá vạch giữa sân, và những "hậu vệ cánh" kiểu mới này đều phải đáp ứng được cả yêu cầu về tốc độ, khả năng phòng ngự lẫn kỹ năng tạt bóng. Maicon và Abate có thể dễ dàng thích ứng với vị trí này, nhưng những hậu vệ cánh công thủ toàn diện như họ không có nhiều ở Serie A.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm