Góc Anh Ngọc: Cuộc cách mạng của Galliani

12/03/2013 13:20 GMT+7 | AC Milan

(Thethaovanhoa.vn) - Làm thế nào để từ một đội bóng thuộc loại già nhất Champions League, với tuổi trung bình trên 30, Milan có thể giảm được 3 tuổi chỉ trong một năm, và bây giờ đang là một thành công mang tính hiện tượng bởi thứ bóng đá đẹp mắt, tốc độ và tấn công mà họ đang trình diễn?

Nhờ tài năng của Galliani, Milan đã thực hiện cuộc cách mạng thành công.


Hãy hỏi Phó Chủ tịch Adriano Galliani, người đã đẩy Ibra và Thiago Silva sang Pháp để đem về cho Milan gần 70 triệu euro, đã dứt khoát nói “không” với những cựu binh đã ở cái dốc bên kia của sự nghiệp khi họ vẫn muốn gắn bó với Milan bằng mức lương cao ngất.

Cuộc chuyển giao ngoạn mục

Lịch sử của một đội bóng, với những bước ngoặt lớn lao trong một quá trình đôi khi rất ngắn, chỉ một năm, đôi khi được tạo ra bởi những quyết định khiến bao trái tim người hâm mộ rớm máu. Họ trách cứ Milan đã đẩy đi Pirlo và sau đó, rũ bỏ hoàn toàn thế hệ cựu binh đã gắn bó với đội trong suốt 10 năm.

Họ đau lòng khi chứng kiến Milan biến thành một đội bóng hạng 2 khi ngôi sao người Thụy Điển bị bán đi không khác một mớ rau. Nhưng quá trình ấy phải xảy ra như một quá trình không thể tránh khỏi, đơn giản chỉ vì Milan phải cắt giảm chi phí trong hoàn cảnh thua lỗ, và sự xuất hiện của một loạt những cầu thủ trẻ trung giá rẻ và mức lương thấp trong đội hình để thay thế những ngôi sao đã ra đi là một điều hiển nhiên mà Galliani phải làm, với mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất là lập lại sự cân bằng về tài chính chứ không phải là đạt thành tích ngay tức khắc.

Một thời kì quá độ mà người hay gọi là “năm số 0” (anno zero) sẽ phải diễn ra. Mùa bóng 2012/13 này là một “năm số 0” như thế.

Nhưng những gì đang diễn ra ở mùa bóng quá độ này cho thấy canh bạc trẻ hóa như một sự bắt buộc theo kiểu miễn cưỡng phải thực hiện của Galliani đã thành công. Có lẽ, thành công ấy đã đến sớm hơn dự  kiến.

Từ thành công của El Shaarawy

Quá trình ấy trục trặc ở giai đoạn đầu, nhưng nó đã trở nên suôn sẻ sau khi El Shaarawy bất ngờ tỏa sáng ngoài sự mong đợi cùng với người bằng tuổi 20 như anh, De Sciglio, đem đến một ánh sáng chói chang hy vọng cho Milan trong mùa bóng khá đen tối.

Chính thành công của hai cái tên ấy đã trở thành nền tảng cho một chiến dịch được thực hiện khá rầm rộ về mặt truyền thông sau đó: đưa về Balotelli, một chàng trai mới 22 tuổi từ Man City, và tái thiết chương trình đào tạo trẻ vốn không đem đến cho Milan những ngôi sao mới nào kể từ thời Baresi và Maldini.

Không đơn giản nói rằng đấy là một mô hình mới, với việc đầu tư 3,5% doanh thu mỗi năm vào trung tâm đào tạo trẻ, mà chỉ có thể khẳng định rằng, đấy là sự nâng cấp của một mô hình đào tạo không mới, không sao chép của bất cứ ai, sau khi các ông chủ của Milan nhận thấy họ chỉ còn một con đường duy nhất để đi trong hoàn cảnh mới, khi không còn đủ tiềm lực tài chính cho những vụ chuyển nhượng với giá cao ngất.

Chiến lược này đã được các CLB Ý áp dụng trong vài năm qua, và cảnh Milan trở thành một trung tâm đào tạo trẻ cho những tài năng bóng đá không chỉ của Italia mà còn cả nước ngoài rồi cũng sẽ diễn ra.

Bây giờ, Milan có một đội hình trẻ trung bậc nhất nước Ý. Allegri đã có thể đưa ra sân đá chính những chàng trai chỉ mới 18 tuổi như Niang, điều chắc chắn không bao giờ xảy ra những năm tháng trước kia, khi Milan giàu có và sống trên lưng các công thần.

Cuộc cách mạng của Galliani chỉ đơn giản là một canh bạc thành công chóng vánh. Cuộc chiến với Barcelona, đội bóng có lò đào tạo La Masia nổi tiếng khắp thế giới, có thể là một màn quảng cáo kì vĩ cho một đội bóng đã đi lên bằng sức trẻ, từ sự đổ nát của một thời kì già nua và dè dặt trước mọi thay đổi mang tính cách mạng.

Anh Ngọc
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm