INRASARA: Lập “biên bản” văn chương

24/07/2008 12:29 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tập tiểu luận Song thoại với cái mới của Inrasara (NXB Hội Nhà Văn, quý 3/2008) vừa ra nhà sách trong tháng 7 này thì trên các báo, các diễn đàn văn học đã có nhiều ý kiến trái ngược nhau.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với anh:
 
* Trong Song thoại với cái mới, rõ ràng có rất nhiều tác giả và vấn đề mới, thậm chí còn nhiều tranh luận kịch liệt, tại sao anh lại viết về chúng?
 
Inrasara
- Cái cũ không cần và tôi không có nhu cầu song thoại với nó. Nó đã “khẳng định” mình trong quá khứ xa và gần. Hệ mỹ học của nó cũng đã được lưu kho. Song thoại với cái mới, chủ yếu nhấn vào thơ ca. Về thơ hôm nay - có thể phân làm 5 xu hướng chính: Thơ “cổ truyền”, Thơ tân hình thức, Thơ nữ quyền luận, Thơ trình diễn và Thơ hậu hiện đại. Riêng xu hướng cuối cùng có lẽ phát triển sớm nhất và được [người đọc cấp tiến] kỳ vọng hơn cả trong thời kỳ này. Hậu hiện đại chấp nhận tồn tại bên lề sinh hoạt văn học dòng chính qua hình thức mạng Internet và cả ở dạng in photocopy. Viết về cái mới, tôi không ngại tranh luận, miễn là tranh luận của những người “lớn”.

* Thách thức lớn nhất trong cuốn sách này với anh là gì?

- Với cá nhân tôi, khai vỡ mọi khía cạnh trung tâm/ ngoại vi trong văn chương Việt đương đại là một thách thức lớn. Nó đòi hỏi khả năng bao quát vấn đề chưa được khai thác, khả năng thẩm định tác giả, tác phẩm, xu hướng hoàn toàn mới và nhất là, thường trực vượt bỏ sự thỏa hiệp. Tôi “lập biên bản” tất cả.

* Vấn đề nào anh thấy hài lòng?
 
- Tôi đã nêu vấn đề cần nêu, “song thoại” với đa phần khuôn mặt, tác phẩm, xu hướng,… cần song thoại. Nhưng hài lòng hơn cả có lẽ là cuốn sách… được in.

* Tại sao lại là “song thoại”? Tại sao cần phải “lập biên bản”?

- Văn chương là chuyện cá thể. Người làm phê bình chỉ có thể nói chuyện với một cá thể người sáng tác, một cá thể xu hướng. Riêng “lập biên bản”, cái mới, nhất là cái mới-lạ-khác luôn bị dị ứng. Từ đó, người ta hoặc bài bác hoặc làm như nó không có. Đấy là thái độ thiếu công bằng. “Lập biên bản” nghĩa là phơi mở sự việc như nó là thế mà không áp đặt bất kỳ một lối nhìn nào. Cũng không phải từ lập trường văn học trung tâm nào, từ chủ thuyết văn chương thời thượng nào. “Giữ nguyên hiện trường”, diễn đạt bằng ngôn từ giản đơn nhất có thể về các quan điểm sáng tác, qua đối chứng với chính sáng tác phẩm của hệ mỹ học ấy, đặt chúng trong tiến trình phát triển thơ Việt trong thời đại toàn cầu hóa.

* Viết táo bạo như vậy, anh có đồng tình với các “quan điểm” đó hay không?

- Các quan điểm sáng tác ấy chưa hẳn đã cùng lối nghĩ của tôi, và cũng không hẳn tôi đã đồng tình, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận như nó là thế.
 
Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm