Thể thao Việt Nam tại Olympic: Bặt trời chim nhạn

04/08/2012 06:39 GMT+7 | Đoàn Olympic Việt Nam

(TT&VH Cuối tuần)- Những ngóng trông tin vui từ London bay về, đổi lại sự hụt hẫng và hy vọng mong manh. Chỉ chạm trán đấu trường Olympic mới thấy hết thể thao Việt Nam quá nhỏ bé, thiếu quá nhiều thứ để vươn ra biển lớn.

Mơ ghé nhà Trần Lê Quốc Toàn mở hội    

Thú thực, hôm đô cử số một Trần Lê Quốc Toàn thi đấu, mấy anh em phóng viên ở Đà Nẵng chúng tôi, và không ít tòa soạn đã dặn dò hễ Toàn có huy chương là phải ập ngay đến nhà anh để viết bài, làm phóng sự thật hoành tráng. Năm qua, cánh phóng viên đóng ở Đà Nẵng thực sự bội thu, nhất là kỳ SEA Games 26 vừa rồi khi các vận động viên của thành phố bên sông Hàn đã gây chấn động với những tấm huy chương vàng mang tính đột khởi.

Đúng, với thể thao Việt Nam lúc này, chỉ cần một tấm huy chương đồng Olympic là đủ sướng đến phát rồ. Trước đó, nhà báo Nguyễn Lưu cũng gọi điện và bảo đoàn chúng ta lần này ông hy vọng nhất ở Quốc Toàn: “Đô cử kỳ tài phải có tướng ngũ đoản, trọng tâm tốt để rút ngắn tối đa sức mạnh cơ bắp tạo điều kiện để đường đi của tạ sẽ ngắn hơn. Toàn hội đủ yếu tố đó. Quan trọng hơn, anh có sự điềm tĩnh, ngoan ngoãn và khiêm tốn”. Có lẽ, người yêu thể thao cả nước cũng có chung sự chờ đợi như ông Lưu, đơn giản bởi Toàn thực sự xứng đáng là niềm hy vọng số một.

Cuối cùng, giấc mơ ghé nhà đô cử số một Việt Nam trên đường Trường Chinh, gần ngã ba Huế nổi tiếng Đà Nẵng, đã tan như bọt sóng. Thất bại của Trần Lê Quốc Toàn có lẽ cũng là một thất bại chung làm lung lay không ít niềm hy vọng có huy chương của đoàn thể thao Việt Nam.



Niềm hy vọng lớn nhất Trần Lê Quốc Toàn đã thất bại- Ảnh Getty

Cộng thêm hàng loạt gương mặt được kỳ vọng cũng trắng tay, Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Ngân Thương, Hà Thanh, Phước Hưng (thể dục dụng cụ)…, chúng ta có cơ sở nào để tiếp tục nuôi niềm tin có huy chương?

Chờ phép màu và sự bất ngờ?

Đã rất nhiều lý giải, thậm chí trách cứ, được đưa ra sau thất bại của Trần Lê Quốc Toàn mà những người chỉ trích quên đi một thực tế: đẳng cấp về chuyên môn, bản lĩnh lẫn sự nhạy cảm trong tham gia chỉ đạo của cử tạ chúng ta còn quá khiêm tốn so với thế giới. Vị trí thứ tư của Quốc Toàn do đó là hợp lý và nên chấp nhận.

Nên nhớ, nhà vô địch hạng 56 kg lần này (Om Yun Chol, CHDCND Triều Tiên) có tổng cử là 293 kg,  hơn Toàn 9 kg. Trong khi đó, Toàn đã vượt giới hạn của mình 4 kg khi tổng cử tại Olympic lần này là 284 kg (thành tích của anh ở SEA Games 26 là 280 kg).

Nhưng tổng cử 284 kg của Quốc Toàn vẫn còn cách xa đàn anh Hoàng Anh Tuấn tại Olympic Bắc Kinh là 6 kg. Đấy không đơn thuần là phép tính toán học khô khan, mà còn là một bước lùi lớn, của không riêng cử tạ!

Giờ đây, phải nói thẳng giấc mơ vàng chỉ là hão huyền với đoàn thể thao Việt Nam. Khả năng có bạc hoặc đồng cũng chờ tới… phép màu. Với đấu trường Olympic, nếu lấy những chỉ số và thành tích ở SEA Games để hy vọng là thiếu biện chứng. Còn nhớ, ở ASIAD 16 tại Quảng Châu, Trung Quốc, đoàn Việt Nam chỉ đoạt một tấm huy chương vàng nhờ công của Lê Bích Phương, một tấm huy chương vàng hoàn toàn bất ngờ khi mà thực tế ngay cả những nhà hoạch định chiến lược cũng không coi Phương là một quân bài chủ lực trên bảng thành tích.

Đành hy vọng trong mơ hồ rằng, biết đâu, lại một gương mặt dung dị nào đó, sẽ bất thần mang về một tấm huy chương cho thể thao Việt Nam.

32 năm đợi chờ và hơn thế nữa

Thất bại trong chuyến mang quân sang Quảng Châu năm 2010 được những người có trách nhiệm an ủi là… xui, là vẫn còn hy vọng cho Olympic khi chúng ta có đến 17 tấm huy chương bạc cấp châu Á, đa số nằm ở những môn thuộc hệ thống Olympic. Kể cả xếp sau Myanmar, Philippines trên bảng xếp hạng chung cuộc cũng không quan trọng!

Nhưng chỉ sau hai năm, 17 tấm huy chương bạc và một huy chương vàng đã là không đủ để có thể lạc quan tại Olympic. Trong khi đó, chúng ta đã mất đi hàng loạt niềm hy vọng không thể đến London, điển hình làTrương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, và ngôi sao sáng trên bầu trời bơi lội Đông Nam Á, Quý Phước.

Rõ ràng đã có một bước thụt lùi đáng phải xem xét thấu đáo, trước hết là về số lượng những tấm huy chương. Tại ASIAD 15 (2006) ở Qatar, đoàn Việt Nam đã gặt hái ba huy chương vàng. Tại ASIAD 14 là bốn huy chương vàng.

Còn Olympic, tính từ lần tham dự đầu tiên (Olympic Moskva 1980) với tư cách khách mời, thể thao Việt Nam đã trải  qua 32 năm, với tám lần tham dự đấu trường này, nhưng chỉ có được hai tấm huy chương bạc của Trần Hiếu Ngân (Sydney 2000) và Hoàng Anh Tuấn (Bắc Kinh 2008), một thành tích quá khiêm tốn. Điều đó nói lên sự phát triển của thể thao Việt Nam là quá chậm, nếu không nói là giẫm chân tại chỗ và thụt lùi, so với tốc độ phát triển chung của cả đất nước. Kể cả khi bài báo này lên khuôn, đoàn thể thao Việt Nam có huy chương ở Olympic thì cũng không thể khẳng định là chúng ta đã tiến bộ.

Giấc mơ bao giờ thôi xa xỉ ?



Đến bao giờ chúng ta mới thôi đến Olympic chỉ đế góp mặt cho vui?- Ảnh Getty

Tất nhiên, thực trạng đó có nguyên nhân của nó. Nền thể thao vẫn chưa rũ bỏ được tư duy “đi tắt, đón đầu”, tức là chạy theo bệnh chạy theo thành tích với các giải pháp tình thế để thích ứng khó khăn trước mắt, mà bỏ quên chăm chút cho cái gốc lâu dài.

Chúng ta có Đại hội thể dục thể thao toàn quốc tiêu tốn ngân sách quá nhiều, nhưng tìm ra những tài năng nổi trội sau mỗi kỳ đại hội để đầu tư, phát triển lên cao vẫn là một khát vọng xa xỉ.

Chúng ta cũng có rất nhiều kỳ SEA Games nằm trong tốp ba, nhưng ai chẳng biết hàng tá huy chương chỉ là từ những môn đúng nghĩa “hội làng”, tầm cỡ “ao làng”.

Nếu nói hơn với 84 triệu con người, thể thao chúng ta không có những tài năng kiệt xuất là vô lý. Điều kiện địa lý, địa hình, khí hậu… Việt Nam cũng được coi là lý tưởng để phát triển một số môn thể thao đỉnh cao.

Vấn đề, chúng ta chưa có chính sách tốt, có sự đầu tư đầy đủ cho các tài năng trẻ, nhất là những môn trong hệ thống Olympic. Thay vào đó, là đầu tư dàn trải theo kiểu hàng ngang, phục vụ thành tích nhất thời để có cái mà báo cáo cuối năm, từ vĩ mô đến cơ sở.

Có một điểm yếu cố hữu, chúng tôi không loại trừ sẽ được khắc phục tại Olympic lần này, đấy là tâm lý. Tâm lý vận động viên chúng ta cực yếu, xuất phát từ quá trình ít được cọ xát đỉnh cao.

Thể thao nói chung có sự mệnh chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa cho đất nước và dân tộc. Trên thực tế, xã hội ngày càng ưu tiên cho thể thao hơn. Chúng ta thấy rất nhiều nguyên thủ quốc gia có mặt ở lễ khai mạc Olympic London 2012. Vậy nhưng, những niềm vui thể thao mang lại, ở Việt Nam, vẫn là quá ít.

Chỉ cần ước một tấm huy chương bạc, hay đồng thôi, mà sao bặt trời cánh nhạn!

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm