Trung thu của người lớn

26/09/2012 16:21 GMT+7


Ông trời chơi ác thật. Trẻ con chỉ có một đêm rằm Trung thu vậy mà mấy năm trời rồi, cứ đến đó là y như rằng, lại sụt sùi mưa gió. Nhìn lũ trẻ nhiều ngày chộn rộn chuẩn bị đi rước đèn, lại phải dài cổ trông mưa tạnh trong thắc thỏm, thấy thương chi lạ.

Nhưng không mấy người lớn quan tâm và chia sẻ với tâm trạng mòn mỏi chờ đợi và thiu thỉu buồn của lũ trẻ. Đơn giản, vì Trung thu của họ đã... xong từ khi các tiệm bánh ngoài đường còn chưa treo bảng đại hạ giá.

Trung thu của người lớn thường là trước rằm một tháng. Khi những mẻ bánh đầu tiên vừa mới nướng xong, ra khỏi lò, đã phải báo tin một mùa biếu tặng rộn ràng.

Quả vậy, từ lâu, người tiêu dùng cũng xác định rằng, chiếc bánh kia được các nhà sản xuất đầu tư mẫu mã, nhiều thức, nhiều vị cũng chỉ để “đánh bóng” hình ảnh, làm gia tăng giá trị của món quà dùng để biếu tặng. Vật biếu tặng càng giá trị càng “ép phê” về mặt thông điệp; theo đó, tạo tình cảm, ấn tượng, sự lưu tâm với người nhận. Và bổn phận của người nhận, mặc dù chưa chắc anh ta đã có dịp nếm qua món bánh cao cấp đó nhưng đã đón nhận, thì cũng phải nạp vào bộ nhớ một sự hàm ơn, đền đáp, hay ít ra, cũng là thay đổi ấn tượng theo chiều hướng tích cực với người biếu xén. Nhà xã hội học người Pháp Marcel Mauss (1872 – 1950) nói rất chính xác rằng, món quà biếu tặng không phải là một vật trơ ỳ.

Nếu sống vào thời buổi này, hẳn ông Marcel Mauss, tác giả của cuốn Luận về biếu tặng nhất định sẽ phải sang Việt Nam vào những mùa như Trung thu để nghiên cứu về hình thức và lý do của sự trao đổi trong các xã hội mà các mối quan hệ công được đặt nền tảng trên tình cảm nhập nhằng. Ông ấy sẽ không quá ngạc nhiên khi thấy những chiếc bánh có giá trị cao xuất hiện ở điểm rơi thời gian hợp lý mà người ta có thể biếu tặng nhau để hun đúc mối quan hệ làm ăn, thiết lập một sự “được lòng” ở người nhận. Và văn hoá biếu tặng này chi phối giá trị thực của món hàng, tác động biến tướng ý nghĩa về một dịp lễ tết có tính chu niên. Có thể kiểm nghiệm ngay, chỉ cần chệch đi điểm rơi không gian – thời gian biếu tặng, những chiếc bánh đã gấp gáp trở thành mặt hàng ế ẩm (mua một tặng hai, thậm chí, tặng ba, bốn...)

Lúc bấy giờ, hộp bánh trung thu giá hàng triệu đồng, có khi cao hơn thu nhập hàng tháng của một anh công nhân hay một cô giáo viên miền núi, lập tức trở thành món hời đổ ra các sạp dã chiến bên lề đường và mặc vào thân phận của những món second-hand, “đồ xôn” khi được chính người bán gọi là “xổ”. Bán mau. Bán lẹ. Bán rẻ rúng. Bán tống bán tháo bởi vì dịp tốt để làm ăn đối với nhà sản xuất đã trôi qua – thời điểm khách hàng mua để biếu tặng xem như đã xong, những hộp bánh đã sắp xong nhiệm vụ của mình.

Những biển chữ đỏ khuyến mãi được tung ra, cập nhật liên tục phơi bày cái giá trị ảo mà người ta khoác vào chiếc bánh trong những hành vi tiêu dùng biếu tặng có nguồn gốc từ thói quen trao đổi rất “cổ sơ” (theo cách nói của Mauss).

Đến bây giờ, chính người có nhu cầu mua bánh cho con cái ăn cũng ngó nghiêng chiếc bánh và tự hỏi, điều gì đang xảy ra, vì sao giá trị của nó lại tụt hạng nhanh như vậy, phải chăng chúng đang tiềm tàng sự bất ổn về chất lượng? Với những ai không dám chi tiền mua chiếc bánh trung thu hảo hạng thưởng thức vào đầu mùa với giá ảo (dành để biếu tặng), lúc này dĩ nhiên có thể mua với giá thực hơn, song, chiếc bánh đã bớt ngon đi ít nhiều chỉ vì tâm lý người ăn đã phụ thuộc, bị mặc định vào thang giá cả. Người ta mua những chiếc bánh với giá rẻ và tự hỏi “vì sao lại chóng rẻ như vậy?”, “phải chăng món bánh đã quá hạn sử dụng?”...

Lâu dần, người ta có tâm lý muốn ăn bánh trung thu ngon thì phải ăn trước trung thu hàng tháng trời. Bánh ăn trước thì không phải là hàng dạt, hàng rớt giá. Cứ như hành vi tiêu dùng của cả cộng đồng bị cuốn theo văn hoá biếu tặng kia mà thay đổi.

Và, thật buồn cười, ngay cả trong việc thưởng thức một miếng bánh trung thu, người lớn cũng khuyến khích lũ trẻ phải... chạy đua với thời gian (đến ông trời xứ này chắc cũng đang mải chạy đua với thời gian hay sao đó, cứ đợi tới đêm rằm là dồn dập mưa bão!)

Ăn bánh trước cỗ, học trước chương trình, đi trước giờ hẹn để còn chen lấn... cả cộng đồng dường như đang vội vàng nháo nhác lao về phía trước đầy hấp hoắng với thói quen thiếu minh bạch đã trở thành tâm tính.

Tâm tư, tính toán xoay quanh chiếc bánh, lũ trẻ nào có biết. Mà cũng cầu mong chúng đừng biết những gì đang xảy ra trong thế giới Trung thu đầy phức tạp của người lớn.

Theo Sài Gòn tiếp thị

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm