Liverpool-Arsenal 4-4: Điên rồ hay... hợp lý?

23/04/2009 12:12 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Sẽ có người cho rằng, Liverpool và Arsenal đã trình diễn một thứ bóng đá đáng xem đối với các CĐV, nhưng cũng đáng... buồn đối với vị thế của họ. Các CĐV đều vui thích khi chứng kiến đội bóng của mình ghi 4 bàn trong mỗi trận. Nhưng cũng phải có một thần kinh thép, họ mới chịu đựng nổi con số tương tự khi thủ môn phải vào lưới nhặt bóng.

1. Chỉ trong 3 trận, Liverpool đã ghi 12 bàn thắng. Với Arsenal, con số này là cũng không kém là mấy: 11. Dù có muốn “chê” họ theo khía cạnh nào đi chăng nữa, cũng không thể phủ nhận, những đối thủ “Big Four” luôn sở hữu những ngôi sao tấn công thượng thặng. Trước Blackburn, Chelsea và Arsenal, một Liverpool thiếu vắng Gerrard vẫn khiến người xem mê đắm bởi những phương án tấn công biến ảo những cũng đầy hiệu quả. Còn với Arsenal, đã từ lâu, việc họ luôn chơi đẹp mắt với các sơ đồ dâng cao đã trở thành thói quen.
 
Trước The Kop, bất chấp việc thiếu cả 2 tiền đạo “cứng” nhất, những đứa trẻ nhà Wenger vẫn nỗ súng đều đặn. Arshavin là điểm sáng, nhưng một mình anh cũng không thể tự quyết định số phận của trận đấu, nếu không có những đồng đội luôn biết hỗ trợ, gây áp lực trực diện lên khung thành Pepe Reina. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ, cùng cả Chelsea và Man Utd nữa, là những đối thủ có hàng công chất lượng bậc nhất châu Âu vào thời điểm này. Yếu tố đó đã mang lại rất nhiều bữa tiệc bàn thắng cho người xem, cho dù các đại gia của Premiership có chọn lối chơi nào, phòng thủ hay tấn công cũng vậy thôi.
 
8 bàn thắng được ghi trong trận Liverpool-Arsenal 4-4

Ở Stamford Bridge 1 tuần trước, Liverpool và Chelsea đã đá rất sòng phẳng. Còn ở Anfield đêm thứ Ba, Arsenal cũng đã chơi sát ván với đội chủ nhà trội hơn. Nhưng những biểu hiện đó có thực sự lý giải cho việc có 16 bàn thắng được ghi? Đúng, nhưng chưa đủ. Chất lượng của những Torres, Benayoun, Drogba, hay Arshavin với thực sự quyết định điều đó.

2. Liverpool và Arsenal đều tấn công hay, Ok, nhưng có phải họ phòng ngự tồi đến mức để thua 4 bàn/trận? Không thể phủ nhận hàng thủ của cả 2 đội bóng trên đều đã có vấn đề khi gặp nhau. Liverpool bị hở sườn, và hở cả trung lộ khi Mascherano không hoàn thành nhiệm vụ. Còn bên phía đối diện, những Silvestre, Toure hay Sagna đã có một ngày tỏ ra mệt mỏi khi phòng thủ khu vực. Những bàn thắng đã đến theo từ những lỗ hổng đó. Nhưng ở những tình huống cụ thể, cũng phải thừa nhận các chân sút của 2 bên đã quá xử lý hoàn hảo trước khung thành.

Cả 4 bàn của Arshavin đều tới từ những cú ra chân quyết đoán, khi anh nhận ra khe hở dù rất nhỏ để dứt điểm. Còn với Torres và Benayoun, trên thực tế, những bàn thắng của họ đều là những pha bóng thể hiện sự uyển chuyển, tinh khôn, và đặc biểt nhạy cảm trong vòng cấm. Giả sử Arsenal có thêm cả Gallas lẫn Clichy, chắc gì họ đã cản phá nổi những pha dứt điểm như thế. 2 cú đánh đầu và 2 cú đá cận thành, đó chưa phải là những tuyệt tác của Quỷ đỏ. Nhưng có thể xem đó là biểu hiện của sự thực dụng, của những ý tưởng tấn công đầy sáng tạo, và tất nhiên, của cả những ngôi sao đích thực.

3. Khi Italia thoái trào và Tây Ban Nha ngự trị châu Âu, người ta đã nói: Bóng đá tấn công đang lên ngôi. Nhưng bây giờ, sẽ có một câu hỏi khác: Người Anh hay người Tây Ban Nha mới là đại diện số 1 của lối chơi ấy. Ở thập niên 90, các đại gia của Anh luôn cống hiến tất cả những gì hào hứng và hấp dẫn nhất mỗi khi đá với nhau. Còn bây giờ, họ đã mang phong cách ấy vượt qua eo biển Manche, làm khuynh đảo cả cựu lục địa. Lối chơi tấn công, sự mạnh mẽ, bền bỉ, thể lực tuyệt vời, cùng sự đa dạng trong các phương án chiến thuật đã tạo nên một làn sóng mới của Premiership. Tròn 25 năm sau thảm hoạ Heysel, nước Anh lại trở lại với những cuộc xâm chiếm toàn diện ở Cúp C1. Nhưng đáng nói hơn, họ đã chiến đấu và chiến thắng theo những cách ngày càng tích cực hơn, thuyết phục hơn, và đúng với bản sắc của mình hơn. Đó chính là tư duy xông lên phía trước, ghi nhiều bàn hơn đối thủ để chiến thắng.

Chelsea – Liverpool: 7-5, rồi Liverpool – Arsenal: 4-4, điều gì đằng sau những con số đó? Sự điên rồ? Bởi quan niệm về những đại gia không phải như vậy. Hay với những hàng thủ như vậy, họ không xứng là đại gia? Đúng. Và sai.

Khi không còn bất cứ rào cản nào về tính bất ngờ, các đội Anh đã chơi bóng như thể đó là trận đấu cuối của họ. Nhưng khi ra châu Âu, họ cũng có thể lập tức thể hiện những màn “bê tông hoá” xù xì, và cứng như thép nguội.

Nói một cách “nội bộ”, những cuộc tổng tấn công của bộ ba Liverpool – Chelsea – Arsenal về phía nhau có thể “điên” về tỷ số. Nhưng không hề khó hiểu về mặt trình độ. Hơn nữa, họ có quyền thực hiện những màn trình diễn đau tim như vậy. Bởi đơn giản, họ có những người chuyên để làm việc đó.

Yến Thanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm