Assange bị bắt, WikiLeaks bị phong tỏa

08/12/2010 11:09 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 7/12, sáng lập viên WikiLeaks, Julian Assange, đã đầu thú tại cơ quan cảnh sát Anh sau thời gian dài trốn chạy một lệnh bắt quốc tế do Thụy Điển đưa ra. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh WikiLeaks đang vấp phải một loạt tổn thất, sau khi công bố hàng trăm ngàn văn kiện ngoại giao mật khiến Mỹ và nhiều nước phẫn nộ.

Hãng tin Reuters nói rằng Julian Assange bị bắt lúc 9h30 phút sáng ngày 7/12. Người đàn ông 39 tuổi mang quốc tịch Australia cùng các luật sư Mark Stephens và Jennifer Robinson đã tới đồn cảnh sát theo lịch hẹn từ trước.

Khả năng bị dẫn độ sang Thụy Điển

Tiếp đó Assange bị bắt theo một lệnh truy nã ban hành trên toàn cõi châu Âu. Ông hiện đang bị nhà chức trách Thụy Điển lùng bắt vì tội lạm dụng tình dục và cưỡng hiếp hai phụ nữ hồi tháng 8/2010. Một người được xác định là Anna Ardin, nhân vật giúp đưa Assange tới Thụy Điển và tổ chức các buổi thuyết trình của ông. Người phụ nữ thứ hai được xác định là cô B., một người hâm mộ Assange.


Việc Julian Assange bị bắt là một tổn thất lớn cho WikiLeaks
nhưng khó lòng buộc trang web im tiếng

Luật sư Stephens nói rằng cáo buộc hiếp dâm hình thành từ thực tế rằng cả hai phụ nữ đã có quan hệ tình dục “một cách tự nguyện” với Assange nhưng các bên không dùng biện pháp bảo vệ như bao cao su. Hai người phụ nữ ban đầu không quen nhau, đã cùng tố cáo Assange khi biết về mối quan hệ bí mật của ông với người kia. Đầu tháng 11, một tòa án ở Stockholm đã ban lệnh bắt quốc tế nhằm vào Assange. Cuối tháng 11 này, cơ quan Cảnh sát quốc tế Interpol đã đưa Assange vào danh sách những nhân vật bị truy nã gắt gao nhất.

Được biết Assange và các luật sư của ông đã liên tục thay đổi địa điểm nơi ông dự định ra đầu thú cho tới tận đêm ngày 6/12 để tránh con mắt tò mò của báo giới. Theo kế hoạch, ông sẽ xuất hiện trước tòa án Thành phố Westminster để nghe các cáo buộc nhằm vào bản thân.

Ông sẽ đối mặt với việc bị dẫn độ sang Thụy Điển. Hiện chưa rõ Assange có chống lại lệnh dẫn độ hay không. Nếu ông đâm đơn lên tòa án Anh, thủ tục pháp lý có thể trì hoãn hoạt động dẫn độ trong nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng.

Người đàn ông bí ẩn

Cho tới trước khi bị bắt, Julian Assange đã cố gắng giữ cuộc sống riêng của ông dưới một bức màn bí ẩn. Assange thậm chí còn giữ kín ngày tháng năm sinh của mình, cho tới khi Interpol thông báo nó là ngày 3/7/1971 trong lệnh bắt quốc tế nhằm vào ông.

Assange sinh ra tại Townsville, một ngôi làng nằm ở Đông Bắc Australia, nơi ông sống thời thơ ấu cùng với mẹ đẻ. Assange đã mô tả cuộc sống khi còn nhỏ của mình là “nay đây mai đó” và tiết lộ việc ông từng theo học ở 37 ngôi trường khác nhau. Tuổi thơ dường như cũng ảnh hưởng tới phong cách sống sau này của Assange. Ông không ở lại một nơi nào đó quá lâu và đã từng đặt chân qua nhiều quốc gia như Kenya, Tanzania, Iceland, Anh, Thụy Điển, Thụy Sĩ và nhiều nước châu Âu khác. Ông sống hoàn toàn nhờ sự giúp đỡ của những người bạn.

Trong những năm 1990, khi còn sống ở Melbourne, Australia, Assange đã hình thành sở thích đột nhập máy tính của người khác. Nhưng niềm đam mê này khiến ông gặp rắc rối với pháp luật. Ông bị cáo buộc phạm 30 tội khác nhau, gồm việc đột nhập vào máy tính của cảnh sát và quân đội Mỹ.

Assange bị phạt một khoản tiền sau lần đó. Song những trải nghiệm đã tạo động lực để ông thành lập WikiLeaks hồi năm 2006 cùng khoảng 10 cộng sự hoạt động trong các lĩnh vực nhân quyền, truyền thông, công nghệ. Trang web chính thức đi vào hoạt động từ năm 2007 và bắt đầu tiết lộ nhiều thông tin mật, trước khi gây sốc bằng việc tung ra 77.000 tài liệu mật về cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan hồi tháng 7 năm nay. Tiếp đó là việc công bố 400.000 tài liệu về cuộc chiến của Mỹ ở Iraq vào tháng 10.

Cuộc chiến vẫn tiếp tục

Sau khi WikiLeaks xuất bản các văn kiện ngoại giao mật, hoạt động của trang web đã liên tục gặp tổn thất. Họ vấp phải hàng loạt vụ tấn công của giới tin tặc. Tiếp đó, địa chỉ wikileaks.org của họ bị nhà cung cấp dịch vụ EveryDNS.net xóa bỏ với lý do trang mạng này là mục tiêu tấn công của các tin tặc, qua đó đe dọa sự ổn định của cả hệ thống. Trang web Amazon.com cũng đã cắt dịch vụ với WikiLeaks trong khi trang thanh toán điện tử PayPal chấm dứt các giao dịch với WikiLeaks và phong tỏa số tiền trị giá 80.000 USD của trang web.

Trong những diễn biến mất nhất, nhà chức trách Thụy Sĩ đã đóng tài khoản ngân hàng của Assange, qua đó tước đi công cụ gây quỹ cho trang web của ông. Hãng phát hành thẻ tín dụng MasterCard cũng ngừng việc thực hiện các giao dịch tới cho trang web.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ David Lapan gọi việc tiết lộ thông tin của WikiLeaks là “nguy hiểm”. Còn Công tố viên trưởng Eric Holder thì cho rằng chính quyền Obama đang cân nhắc việc sử dụng các đạo luật ngoài luật Chống gián điệp để khởi tố WikiLeaks.

Các nỗ lực này dường như đã bước đầu thành công trong việc chặn hoạt động của WikiLeaks. Trong 24 giờ qua, trang web đã không đăng tải thêm bất cứ thông tin mật nào mới lên Internet, mặc dù câu chuyện về các văn kiện ngoại giao mật tiếp tục xuất hiện trên New York Times và Guardian, 2 tờ báo đã được xem trước toàn bộ 250.000 văn kiện ngoại giao mật.

Tuy nhiên WikiLeaks đã ra thông báo nói rằng khó khăn không cản bước họ trong việc đưa sự thật tới với công chúng. “WikiLeaks vẫn đang hoạt động. Chúng tôi sẽ vẫn đi theo con đường đã được vạch ra” - phát ngôn viên Kristinn Hrafnsson tuyên bố sau khi Assange bị bắt - “Bất kỳ diễn biến nào liên quan tới Julian Assange sẽ không thay đổi các kế hoạch chúng tôi đã có, liên quan tới việc tiết lộ thông tin mật trong ngày hôm nay và cả trong những ngày tới”.  

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm