Học lái xe mà quên học… đứng đường an toàn

13/03/2024 11:09 GMT+7 | HighTech

Cách đây 8 năm, lần đầu du lịch qua châu Âu thuê xe tự lái, lúc cô nhân viên hãng cho thuê xe Europcar mở cửa xe chỉ cho tôi mọi thứ, có thể sẵn sàng lên đường. Tuy nhiên, thứ khiến tôi ngạc nhiên nhất là bộ áo phản quang, cọc tiêu và cả bảng nhựa phản quang báo hiệu cấp cứu xếp gọn gàng trong cốp.

Tôi được giải thích rằng nếu gặp sự cố gì trên đường thì việc đầu tiên là hãy cố gắng dừng xe ở nơi an toàn nhất (khu vực dừng khẩn cấp có vạch cứng), sau đó thì sử dụng các dụng cụ này- mặc áo phản quang, đặt cọc tiêu sau và trước xe để cảnh báo, rồi làm gì hẵng làm (như tự kiểm tra khắc phục sự cố, hoặc gọi cứu hộ).

Học lái xe mà quên học… đứng đường an toàn - Ảnh 1.

Khi xe gặp sự cố bất ngờ trên đường, dừng đỗ xe trong làn dừng xe khẩn cấp là việc cần làm đầu tiên, nhưng chưa đủ

Lâu nay học lái xe ở Việt Nam chủ yếu là học các kỹ năng lái, mà kỹ năng dừng xe khi gặp sự cố giữa đường thì hầu như chả mấy ai quan tâm, trong khi thực tế, tai nạn trên đường nhiều khi lại xảy ra từ chính điều chưa học này.

Vụ tai nạn mới nhất trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn giữa xe khách và xe tải gây nên cái chết thương tâm cho cặp vợ chồng trẻ trên xe khách đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phong Điền điều tra làm rõ. Một trong những nguyên nhân ban đầu được nêu ra có liên quan đến việc dừng đỗ xe và phạm vào các nguyên tắc an toàn của chiếc xe tải đang gặp sự cố. Tình huống này vốn được liệt kê vào một trong những nguy hiểm khi lái xe trên đường, nhất là trong điều kiện tầm nhìn hạn chế như trời tối, mù sương, mưa. (Cụ thể: theo thông tin của cơ quan chức năng Thừa - Thiên Huế, nguyên nhân ban đầu vụ tai nạn do tài xế L.H.Q (điều khiển xe khách) không chú ý quan sát gây tai nạn. Tài xế P.Đ.T (điều khiển xe ôtô tải) khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định gây tai nạn giao thông).

Nhiều người còn nhớ, tối Noel năm 2016, trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, một chiếc xe bán tải dừng lại thay lốp đã bị xe bồn cùng chiều đâm vào. Hai người đang sửa xe tử vong tại chỗ. Theo tường thuật thì chiếc xe gặp nạn dừng vào làn khẩn cấp, nhưng một phần xe bị lấn ra làn số ba. Hai người trên xe cùng nhau thay lốp, người còn lại đứng ngoài làm nhiệm vụ cảnh báo. Khi xe bồn chở xăng đi tới đã không quan sát được xe đang dừng đỗ nên tông thẳng. Người làm nhiệm vụ cảnh báo cố hét lên nhưng không ngăn được tai nạn…

Học lái xe mà quên học… đứng đường an toàn - Ảnh 2.

Để an toàn cho chính mình và các xe khác trên đường, việc sử dụng bộ cảnh báo chuyên dụng gồm áo phản quang, cọc tiêu/bảng tam giác phản quang để báo hiệu sự cố là một nguyên tắc cần áp dụng khi dừng xe khẩn cấp trên đường

Vậy đấy, lái xe không chỉ "lái an toàn", mà còn phải "dừng, đỗ và đứng đường an toàn" nữa. Nhất là khi phần lớn đường Việt Nam hiện nay nhiều phương tiện giao thông lưu thông cùng làn, nhiều đoạn đường thiếu đèn chiếu sáng khi trời tối, lái xe bất cẩn khi quan sát… - tất cả đều có thể là nguyên nhân dẫn tới nguy hiểm.

Sử dụng các trang thiết bị cảnh báo là nguyên tắc bắt buộc trong trường hợp này. Một bộ chuyên dụng như thế bao gồm: áo khoác phản quang (mặc khi người ra khỏi xe), vật báo hiệu chướng ngại hoặc còn gọi là cọc tiêu phản quang (đặt trước và sau xe), đèn pin (sử dụng báo hiệu nếu sự cố xảy ra khi trời tối).

Nhờ áo phản quang, chúng ta có thể được phát hiện ở khoảng cách từ 130 - 150 mét, đủ để các phương tiện đang di chuyển giảm tốc và né tránh. Không chỉ có tác dụng khi trời tối, mà ngay cả ban ngày, bộ trang thiết bị cảnh báo phản quang cũng giúp các lái xe khác nhanh chóng phát hiện ra bạn (cùng chiếc xe) từ khoảng cách an toàn.

Ở châu Âu, bộ đồ chuyên dụng này, đặc biệt là áo phản quang, được quy định vào nhóm trang bị bắt buộc kèm theo xe, nếu vi phạm bị phát hiện có thể mức phạt lên tới vài trăm Euro, hoặc thậm chí phải ra tòa. Thậm chí luật giao thông đường bộ ở nhiều nước châu Âu còn quy định người đi bộ trong khu vực có xây dựng sau giờ hoàng hôn cũng phải mặc áo phản quang.

Bộ cảnh báo chuyên dụng này hiện có thể mua dễ dàng tại nhiều cửa hàng bảo hộ an toàn, mua online, với giá rất rẻ, chỉ từ vài chục tới tầm 200.000 đồng. Chúng cũng không chiếm mấy diện tích, cân nặng trong cốp xe. Tuy nhiên qua quan sát của tôi, hiện nay rất ít chủ xe, lái xe ở Việt Nam sử dụng. Nhiều khi trên đường gặp khá nhiều cành cây bị bẻ, đặt trên đường thay cho thiết bị cảnh báo. Do không phản quang, nên khả năng cảnh báo của chúng rất hạn chế, đó là chưa kể còn để lại rác trên đường, đôi khi gây nguy hiểm cho xe khác.

Trộm nghĩ, thay cho cái quy định một dạo bắt xe nào cũng phải mua bình cứu hỏa mini (mà thực chất loại đó gần như không giải quyết được việc gì), là bắt buộc các xe phải có bộ cảnh báo chuyên dụng này, thiết thực hơn rất nhiều. Mà thôi, đâu cần ai bắt hoặc chờ luật nào quy định. Vì sự an toàn của chính chúng ta mà thôi, học lái rồi phải học cả cách… đứng đường nữa.

Thủy Phạm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm