Khi “cậu ấm, cô chiêu” làm… chiến sĩ nhí

03/06/2011 14:01 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Không game online, điện thoại di động, máy nghe nhạc Ipod bên cạnh, nhưng các “cậu ấm, cô chiêu” vẫn có 7 ngày Hè thú vị khi trở thành các chiến sĩ nhí trong quân đội.

Phóng viên TT&VH đã có mặt trong buổi lễ tổng kết khóa huấn luyện “học kỳ trong quân đội” (HKTQĐ) ghi nhận những gì mà các em và phụ huynh có được khi vừa trải qua chương trình này.

Bài học từ môi trường quân đội

Sau 7 ngày tổ chức khóa “huấn luyện HKTQĐ thiếu nhi nâng cao”, từ ngày 25/5 tại Sư đoàn 309, hơn 122 em thiếu nhi đến từ 20 tỉnh, thành khắp cả nước đã cảm thấy mình bản lĩnh hơn, rắn rỏi hơn... với việc sống trong môi trường kỷ luật của quân đội. Đây là 1 trong 15 chương trình HKTQĐ của Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (SYC) thực hiện trong dịp Hè 2011.

Trước đây khi ở nhà, các em được cha mẹ phục vụ chu đáo, các em thường không biết gấp chăn màn, không biết giặt quần áo, mọi việc đó đã hoàn toàn thay đổi khi các em phải tự làm tất cả. Do vậy trong những ngày đầu tiên, cảm giác của các em là sự lạ lẫm, bức bối, giận hờn thường trực.

Các chiến sĩ nhí báo công bên tượng đài Bác Hồ


“Ngày đầu tiên em đến doanh trại quân đội Trung đoàn 96 - Sư đoàn 309, em cảm thấy thực sự xa lạ và buồn chán, nhớ nhà kinh khủng. Nhiều bạn cũng giống như em, lần đầu tiên viết thư về cho ba mẹ đều khóc lóc, than “khổ” với sinh hoạt khác xa so với ở nhà” - em Võ Trọng Hiển, 15 tuổi, nhà ở quận Thủ Đức tâm sự.

Tuy nhiên, chỉ sau 7 ngày trong môi trường quân ngũ, sự nhút nhát, nhớ cha mẹ, sự lười biếng, nhõng nhẽo đã dần biến mất, thay vào đó là các em đã tự biết chăm sóc cho mình, biết yêu thương cha mẹ, có bản lĩnh hơn trong cuộc sống và nhận ra những lỗi lầm khi ở trong vòng tay che chở của cha mẹ.

Anh Nguyễn Tuấn Hùng, Phó Giám đốc SYC cho biết: “Ngoài việc học tập nội vụ và điều lệ trong quân ngũ, chúng tôi còn tập luyện cho các em về quân sự như: đội hình đội ngũ, 7 tư thế vận động trên chiến trường, 24 động tác thể dục quân đội.

Các em còn được quan sát đợt tập trận của Trung đoàn bộ binh 31, Sư 309 với bộc phá và đạn hơi do các anh bộ đội thực hiện. Những tiếng nổ đinh tai, nhiều em đã bật khóc vì hoảng sợ, nhưng ngay sau đó chính các em đã lấy lại bình tĩnh, hăng hái tham gia vào trận giả, cũng núp sau ụ đất, bồng súng tấn công.

Anh Hùng cho biết thêm: “Các em còn được tham gia những buổi sinh hoạt với các chủ đề như gia đình tôi, cách yêu thương bố mẹ... cho đến những hoạt động như đêm suy tư, lắng đọng, đêm nhìn lại bản thân, nói thật với lòng mình qua chương trình giã từ sự gian dối. Trong chương trình đó, những tiếng nấc nghẹn ngào, những giọt nước mắt hối hận, những lời bộc bạch chân tình và những tình cảm sâu lắng về cha mẹ, gia đình là những thông điệp nói lên sự trưởng thành của mỗi chiến sĩ “nhí”.

Riêng hành trình về bảo tàng và viện dưỡng lão để lại nhiều cảm xúc cho các em, giáo dục cho các em tinh thần yêu nước, yêu dân tộc và biết quý trọng, chia sẻ giúp đỡ người khác”.

“Chiến sĩ xa nhà” viết thư về cho gia đình


“Em thấy mình trưởng thành hơn”

Em Đinh Công Nhật Huy, 12 tuổi, ở TP Cần Thơ cho biết: “Em cảm thấy mình trưởng thành hơn khi qua chương trình này, em không muốn xa các bạn và những người thầy đã dạy em biết yêu thương. Giờ đây em cảm thấy yêu thương cha mẹ mình hơn và em sẽ tự lo cho mình khi trở về nhà, không bắt cha mẹ phải làm thay cho mình nữa. Năm sau em sẽ xin mẹ cho em tiếp tục tham gia chương trình”.

Chị Hoàng Thị Lâm Trúc, ở Cần Thơ, đã quyết định cho con trai 12 tuổi của mình tham gia chương trình HKTQĐ cho biết: “Mới đầu, gia đình tôi cho rằng việc đưa con tôi vào HKTQĐ là quá sức đối với một đứa trẻ. Tuy nhiên, qua thời gian “tại ngũ” vừa qua, lá thư mà con trai tôi gửi về đã cho thấy sự thay đổi rất lớn, con trai tôi biết quan tâm đến gia đình. Điều này khiến gia đình tôi rất mừng”.

Việc xóa bỏ sự nhút nhát, ích kỷ, biết yêu thương những người thân xung quanh và sống với mục tiêu thật của đời mình cho các “cậu ấm, cô chiêu” trong độ tuổi thiếu niên là mục tiêu của SYC đặt ra trong chương trình HKTQĐ. Mục tiêu của chương trình này hướng đến là từ một điều thường thấy hiện nay, nhất là tại các gia đình có điều kiện, dẫu nhiều bậc phụ huynh biết nuôi con, dạy con tốt, nhưng lại quên mất cách “làm đứa trẻ trong con mình lớn lên”.

Một đứa trẻ muốn “lớn lên”, thì quy luật bắt buộc là phải gặp thử thách và nỗ lực hết sức để vượt qua giới hạn của chính mình. Nếu các em lớn lên mà thiếu những thử thách cần thiết, lại thêm điều kiện được hưởng thụ quá nhiều tiện nghi, các em sẽ dần phát sinh sức ỳ trong bản thân, hài lòng với chính mình.

Được biết, SYC đã tổ chức chương trình HKTQĐ từ năm 2008 và đã gặt hái nhiều thành công. Đến nay sau 3 năm hoạt động, SYC đã đủ năng lực thực hiện 33 chương trình với quy mô trung bình từ 100 - 200 em mỗi đợt và Trung ương Đoàn cũng đã thực hiện chuyển giao mô hình cho các tỉnh, thành Đoàn khác để có thể tự tổ chức tại địa phương. Ngoài chương trình HKTQĐ, SYC còn tổ chức các chương trình khác trong Hè 2011 như: Học làm người nông dân, đào tạo lãnh đạo trẻ tương lai, học làm người có ích, cai nghiện game online, trui rèn và trưởng thành...

Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm