Hoang mang bảo tồn lễ hội truyền thống

15/10/2009 07:27 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH Cuối tuần) - Lễ hội Lảnh Giang 2009 - một lễ hội LÀNG - bỗng chốc trở thành một hiện tượng văn hóa - xã hội nổi trội. Trên 70 bài báo khác nhau viết về lễ hội này và trên 100 website đăng tải những bài viết đó. Không khí chung trên các mặt báo là tưng bừng, vì lâu lắm rồi chúng ta chưa có được một sự kiện văn hóa nào “xôm” như lễ hội này, tuy nhiên, chỉ sau ba bài báo có tính chất phê phán của ba tên tuổi lớn (GS. TS. Ngô Đức Thịnh, PGS. TS. Nguyễn Văn Huy và PGS. TS. Lê Hồng Lý) trong giới nghiên cứu thì làn sóng truyền thông này dường như đã lặng lại?

Với những ý kiến như vậy (mặc dầu không hẳn đã xác đáng) thì không chỉ những người dân bình thường, những nhà khoa học trẻ, giới sinh viên mà cả những nhà quản lý cũng sẽ dễ bị hoang mang, thậm chí lạc lối. Vì vậy, tôi muốn trao đổi về chủ đề: Bảo tồn di sản (ở đây là lễ hội truyền thống) theo cách nào hay mô hình nào?

Nguy cơ toàn cầu

Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, không chỉ có những nước đang phát triển như chúng ta mới có nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa mà ở những nước phát triển (Âu - Mỹ) người ta cũng luôn phải trăn trở, đối phó với nguy cơ ấy. Chính họ là những người đi đầu trong việc kết hợp giữa nghiên cứu khoa học với hoạch định chính sách văn hóa để làm sao trong cơn lốc phát triển ấy, di sản văn hóa của họ được bảo tồn (bởi ở các nước này, tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh và mạnh hơn chúng ta rất nhiều).

Khách quan mà nói, ở những nước phát triển đó, di sản được bảo tồn và phát huy tác dụng tốt hơn ở ta. Điều này được thể hiện ở chỗ: Di sản văn hóa của họ không chỉ mang lại hiệu quả văn hóa xã hội mà còn cả hiệu quả kinh tế, đặc biệt trong phát triển du lịch. Ở nhiều nước, nhà nước chỉ cần đưa ra chính sách tích cực, không cần phải chi tiền cho hoạt động bảo tồn di sản mà di sản vẫn sống được.



Trình diễn body-art tại Lễ hội Lảnh Giang 2009

Ở ta, trải qua một thời kỳ dài của những hạn chế đối với sự vận hành của di sản, nhiều di sản văn hóa đã bị mất hoặc đứng trước nguy cơ bị mất, tuy nhiên do giới khoa học văn hóa của chúng ta chưa đủ mạnh (chủ yếu các nghiên cứu về di sản là những mô tả dân tộc học, hay văn hóa dân gian về hình thái các di sản, chứ chưa có những nghiên cứu hay những thể nghiệm mô hình bảo tồn di sản như thế nào để nó phát huy tác dụng trong cuộc sống đương đại) để có thể giúp các nhà quản lý đưa ra được những chính sách văn hóa phù hợp và kịp thời. Vì thế, tình hình chung trong việc bảo tồn di sản của chúng ta là mang tính tự phát và nguy cơ nhiều di sản không thể được bảo tồn trong xã hội đương đại nếu không có nguồn kinh phí của nhà nước.

Điều đáng nói ở đây là: Những lý luận được đúc kết, những kinh nghiệm thực tế về bảo tồn di sản của các nước phát triển chưa được chúng ta (các nhà khoa học và các nhà quản lý) học hỏi một cách nghiêm túc, sâu sắc và có hệ thống. Nhiều quan điểm khoa học, nhiều quyết định quản lý trong lĩnh vực này vì thế mà mang tính chất cảm tính và chủ quan, duy ý chí.

Ba mô hình bảo tồn

Tôi thực sự không hiểu tại sao một số học giả trong lĩnh vực di sản ở nước ta lại có những quan điểm bảo thủ đối với bảo tồn di sản đến vậy? Phải chăng họ chưa được cập nhật những tri thức mới về các mô hình bảo tồn di sản? Những tri thức này hiện nay rất phổ biến trong giới nghiên cứu văn hóa, thậm  chí ở Việt Nam đã có hẳn một luận án tiến sĩ trình bày về những vấn đề lý luận này (Bùi Hoài Sơn - Quản lý lễ hội truyền thống của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ từ năm 1945 đến nay - luận án tiến sĩ, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, 2006).

Ashworth, một học giả có uy tín hiện nay- đã tổng kết từ thực tế bảo tồn di sản ở nhiều nước trên thế giới thành ba quan điểm và tương ứng với nó là ba mô hình bảo tồn di sản:

1. Bảo tồn y nguyên: Đây là quan điểm dựa trên quan điểm bảo tồn văn hóa vật thể của các nhà bảo tàng học. Quan điểm này cho rằng, các sản phẩm của quá khứ cần được bảo tồn nguyên dạng như nó vốn có. Quan điểm này phát triển từ năm 1850 và thịnh hành một thời gian dài. Các nhà bảo tàng học nước ta cũng chịu ảnh hưởng khá mạnh bởi quan điểm này.

Đối với lễ hội truyền thống - một loại hình văn hóa phi vật thể - thì việc xác định đâu là các yếu tố nguyên gốc sẽ gặp phải những khó khăn. Một mặt, những thay đổi lịch sử tác động đến sự biến đổi về chức năng của các lễ hội dẫn đến biến đổi cấu trúc lễ hội, mặt khác, bất cứ một lễ hội nào cũng tự tích hợp những yếu tố văn hóa của thời đại hoặc ngoại lai (dù vô tình hay hữu ý) để thích nghi với từng thời đại.

Điều quan trọng hơn là: bản chất của lễ hội là sự lựa chọn và sáng tạo của từng cộng đồng. Các nhà bảo tồn hãy thử hình dung: Nhiều cộng đồng làng mà lễ hội của họ xưa kia không được đầy đủ lệ bộ, không có quy mô lớn... đã học hỏi những nghi thức, diễn xướng ở những lễ hội khác để làm cho lễ hội làng mình “hoành tráng” hơn, thu hút khách thập phương hơn? Chẳng lẽ điều đó là sai? Là không nguyên gốc và di sản như vậy không có giá trị ư?

2. Bảo tồn trên cơ sở kế thừa: Quan điểm này thừa nhận sự biến đổi của di sản, nhưng lại cực đoan cho rằng mỗi di sản có nhiệm vụ lịch sử ở những không gian và thời gian cụ thể, những mặt tích cực của chúng phải được phát huy cho phù hợp với nhu cầu thời đại, ngược lại những mặt tiêu cực phải bị loại bỏ. Di sản, nhất là di sản văn hóa phi vật thể luôn là một thực thể hữu cơ không thể chia cắt thành những yếu tố tích cực/ tiêu cực; tiến bộ/ lạc hậu; tốt/ xấu... Vì thế, khi chúng bị chia cắt một cách siêu hình thì lập tức bị biến dạng và tiêu vong. Thực tiễn ở Việt Nam đã cho thấy, với quan điểm bảo tồn này, nhiều lễ hội chỉ còn lại phần “hội”, nhiều hình thái văn hóa gắn với tín ngưỡng cổ xưa, nhiều diễn xướng dân gian có giá trị bị coi là dị đoan. Rõ ràng bảo tồn di sản theo quan điểm này sẽ dẫn đến một hệ quả tất yếu là nhiều hình thái văn hóa cổ truyền mà dưới con mắt của người đương thời là không phù hợp sẽ bị gỡ bỏ và di sản sẽ không còn toàn vẹn nữa.

3. Bảo tồn - phát triển: Đây là quan điểm đang chiếm vị trí chủ đạo trong giới học thuật cũng như giới quản lý văn hóa ở nhiều nước phát triển trên thế giới. Quan điểm này không bận tâm với việc tranh cãi nên bảo tồn y nguyên như thế nào, nên kế thừa cái gì từ quá khứ, mà đặt trọng tâm vào việc làm thế nào để di sản sống và phát huy được tác dụng trong đời sống đương đại. Hạt nhân của quan điểm này là khái niệm “tính chân thực”: Nếu như các quan điểm truyền thống cho rằng độ chân thực là cốt lõi của di sản thì ngày nay người ta lại đánh giá thấp vai trò của tính chân thực này: Chân thực hay không không phải là một giá trị khách quan và độ chân thực được đo bằng trải nghiệm.

Một trong những ví dụ tiêu biểu minh họa cho tính chân thực của di sản không quan trọng đối với việc quản lý, khai thác, và phát huy di sản là trường hợp bảo tàng dành cho thám tử Sherlock Holmes ở phố Baker, London và khu rừng ở Nottingham của Robin Hood, hai sản phẩm của trí tưởng tượng của các nhà văn Anh đã trở thành di sản thu hút khách du lịch ở nước này. Dù rằng hai nhân vật Sherlock Homes và Robin Hood không có thật trong lịch sử, nhưng do nhu cầu của xã hội hiện đại, những câu chuyện và kể cả những vật dụng của hai nhân vật trên được hiện thực hóa như ngôi nhà của Sherlock Homes ở phố Baker với các vật dụng của ông như chiếc gậy, cái mũ, những quyển sách... hay khu rừng được cho là nơi từng diễn ra những cảnh cướp của người giàu chia cho người nghèo của Robin Hood (theo Bùi Hoài Sơn). Hoặc tương tự như vậy ở Trung Quốc người ta xây dựng những “Vườn đào kết nghĩa” của ba anh em Lưu - Quan- Trương trong truyện Tam quốc diễn nghĩa ...

Nhiều năm vừa qua, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đã cùng với các địa phương tiến hành bảo tồn một số lễ hội truyền thống theo quan điểm và mô hình lý thuyết “bảo tồn - phát triển”. Lễ hội Kiếp Bạc 2006, Lễ hội Tịch điền 2009 và Lễ hội Lảnh Giang 2009 là những thể nghiệm khá thành công khi áp dụng mô hình bảo tồn này. Những lễ hội này không chỉ thu hút giới truyền thông quảng bá cho di sản, không chỉ làm tăng lượng khách tham quan du lịch cho di sản (qua đó tăng nguồn thu cho các khu di tích) mà còn là niềm tự hào của địa phương (tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hà Nam), của các cộng đồng cư dân sở tại về những nét văn hóa độc đáo mà chỉ ở lễ hội của họ mới có. Đó chính là những cơ sở vững chắc để di sản được bảo tồn trong xã hội đương đại.
 
(*) TS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) là tác giả kịch bản và đạo diễn Lễ hội Lảnh Giang 2009 gây xôn xao trong dư luận thời gian qua.

      Sau một năm thực hiện, với gần 50 bài báo cùng nhiều phát hiện về giá trị của những di sản văn hóa phi vật thể đang trong tình trạng “báo động” về sự “biến dạng” và “biến mất”, cuộc hội thảo xoay quanh chủ đề: Để di sản “sống” trong đời sống đương đại” (sống thế nào và sống ra sao?) do báo TT&VH cuối tuần, chuyên mục Báo động từ vốn di sản tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận, đóng góp của những chuyên gia trong lĩnh vực này. Những ý kiến có thể tiếp tục nảy ra tranh luận hoặc mở ra một hướng tư duy mới về việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. TT&VH Cuối tuần giới thiệu một số góc nhìn này.


T.S Bùi Quang Thắng (*)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm