HLV Trần Văn Phúc: "Tôi thấy HLV nội nhiều người rất giỏi"

27/05/2008 16:04 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Sau khi ĐT U23 VN thất bại ở Sea Games 24, người ta mới thấy VFF “ngó ngàng” đến vai trò của hội đồng HLV QG. Nhưng trước thực trạng của ĐT nói riêng, cũng như những vấn đề của bóng đá VN nói chung, các thành viên hội đồng đã không ngại “mổ xẻ” những chuyện của người trong cuộc, trong đó phó chủ tịch Trần Văn Phúc (HLV trưởng Halida.Thanh Hóa) đã nêu lên nhiều ý kiến thẳng thắn. TT&VH cuối tuần đã trao đổi với HLV Trần Văn Phúc:

- Người nhà và người ngoài VFF đã nói rất nhiều xung quanh thất bại của ĐT U23 ở SEA Games, trong đó đề cập đến vai trò của HLV trưởng. Theo ông, lúc này các đội tuyển bóng đá VN có cần HLV trưởng ngoại, hay chúng ta có thể giao quyền cho các HLV nội cầm quân?

- Nếu không coi thường thì tôi thấy HLV nội nhiều người rất giỏi. Nhưng do cơ chế, rồi chuyện tiền lương chênh lệch ở CLB và ĐTQG nên nhiều người không được lên tuyển. Với tình hình bóng đá VN hiện nay, có lẽ việc thuê HLV ngoại vẫn là cần thiết và hợp lý. Thử nhìn lại xem HLV nội chúng ta định tiến cử là ai? Người quen việc và được nhắc nhiều như ông Mai Đức Chung thì đã ngập ngừng. Nếu người được giao nhiệm vụ mà khi gọi đến tên còn giật mình như vậy thì làm thế nào được. Giải pháp tối ưu nhất là phải thuê HLV ngoại, bởi khi người ta được tôn trọng sẽ dễ làm việc hơn. Mà nói thực, về chuyên môn tầm nhìn HLV ngoại có những cái hơn mình. Như thực tế ở đội tuyển nữ chẳng hạn. Ông Trần Vân Phát đến từ một nước có trình độ BĐ nữ phát triển cao, nên có những cách nhìn khoa học, “đọc” được các vấn đề ở đội nữ để tạo được những thay đổi tích cực mà chúng ta đã chứng kiến. Với ĐT nam, tất nhiên có những cái khác với ĐT nữ, nhưng đấy là điều chúng ta cân nhắc để chọn được người đủ tầm cùng đưa BĐVN đi lên.

- Nếu vậy, bóng đá VN chỉ nên thuê HLV ngoại, hay chúng ta cũng cần thêm một Giám đốc kỹ thuật người nước ngoài?

- Trước mắt, nhiệm vụ cần thiết là chọn cho được một HLV ngoại, cộng thêm một HLV thể lực. Vị trí GĐKT tôi nghĩ có thể đưa người Việt mình làm cũng được. Chỗ ấy, chúng ta có nhiều người làm được chứ, vấn đề là VFF có dám giao việc cho họ hay không?! Mà kể cả thuê bất cứ ai, thì tất cả những vấn đề đó đều quy ra tiền hết, chứ không thể nói được chúng ta sẽ trả 10.000-15.000 USD và mong có HLV ngoại giỏi. Nếu muốn làm ĐT cho hiệu quả, VFF có thể mời một cặp HLV trưởng-HLV thể lực ngoại cùng quốc tịch để làm việc hiểu nhau cho ăn ý. Nền tảng thể lực của cầu thủ VN yếu nên nếu thuê HLV thể lực ngoại, họ có cách làm bài bản, khoa học sẽ giúp nâng sức quân chúng ta lên.

- Chủ tịch VFF có đề cập đến việc tận dụng vai trò của HĐ HLV QG trong thời gian sắp tới sao cho hiệu quả hơn. Nếu thuê HLV ngoại, ông thấy thế nào về mối quan hệ và sự phối hợp giữa HĐ HLV và BHL ĐTQG, bởi khi đã làm việc thì chắc chắn HLV ngoại muốn được toàn quyền về chuyên môn?

- Trong cách làm, tất nhiên mỗi người có những quan điểm khác nhau. HLV chuyên nghiệp đến làm việc ở ta có người không cần nghe người VN. Nhưng theo tôi, một HLV giỏi khi đến một địa bàn mới sẽ tận dụng những ý kiến của HLV địa phương. Có những cái người ta thuận theo, nhưng có cái người ta bỏ, bởi họ có quyền đưa ra quyết định cuối cùng. Điều mấu chốt là sự thỏa thuận ban đầu về cơ chế làm việc. Nếu trong quy trình làm việc với HLV ngoại, VFF có điều khoản xem xét kế hoạch tháng, kế hoạch năm của HLV, chúng ta sẽ giám sát, và có thảo luận để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế khi sự việc diễn ra. Hay về cơ chế trao đổi giữa HLV trưởng ĐTQG và HLV các CLB, bởi khi tuyển chọn cầu thủ chắc chắn không ai hiểu quân mình bằng HLV tại các CLB. Như vụ HLV Riedl, tôi không biết khi họp thấy có những bất cập về việc tập trung lực lượng cho mặt trận nào là chính, lãnh đạo VFF có dám phát biểu với ông ta, hay cứ để mặc ông ấy làm.

- Nếu đánh giá thẳng thắn, ông thấy bộ máy điều hành VFF với cách làm ở ĐTQG liệu có ổn?

- Tôi nghĩ các anh ấy đã rất nhiệt tình, có làm được kết quả tốt như thành tích ở giải vô địch châu Á, vòng loại Olympic... Trong khi làm sẽ có sai số, mà đã sai thì phải sửa. Tôi không có thời gian đi sâu vào công việc của VFF nên không lên án ai cả. Quan trọng là chúng ta có kế hoạch, định hướng đúng ngay từ đầu, chứ không để việc đi quá rồi mới sửa. Tôi rất thông cảm với cảnh anh Hỷ kêu mỗi ngày có đến 50-60 cuộc gọi nhỡ trong máy điện thoại vì không thể trả lời hết. Đau đầu lắm ấy chứ. Ngay lúc này, đâu phải cứ ông nào khác nhảy lên là làm được việc. Tôi thấy các anh ấy đã phân tích mọi chuyện rất thẳng thắn và hy vọng là họ rút được nhiều bài học để làm được tốt hơn.

- Chuyện tách bạch từng ĐTQG riêng rẽ đã được đề cập từ lâu, nhưng nay VFF nhấn mạnh đến việc này sau thất bại ở SEA Games 24. Phải chăng đây là bước lùi trong hoạch định chiến lược của VFF?

- Tôi không cho đấy là chuyện tiến hay lùi, mà hoạt động ở các ĐT cần thiết phải làm như vậy. Ông HLV trưởng ĐTQG có quyền xem ĐT Olympic tập, trao đổi với BHL Olympic về chuyên môn để giữa các ĐT có được sự kế thừa. Chứ nếu một ông HLV mà ôm từ ĐTQG đến ĐT U20 như vừa rồi thì trên thế giới không ai làm thế cả. Nếu chúng ta có hệ thống các BHL riêng biệt từ ĐTQG, ĐT Olympic, ĐT U20, ĐT U17-U18 thường xuyên được tập trung thì lực lượng của các đội lúc nào cũng sẵn có. Ngay với lực lượng ĐT Olympic, nếu không chuẩn bị ngay từ bây giờ cho SEA Games 2009 thì sẽ cực kỳ khó khăn đấy. Chúng ta phải xây dựng được BHL, để những người đó còn đi xem, tuyển chọn cầu thủ ở V-League. Giải của chúng ta có nhiều cầu thủ trẻ đá được, nhưng các HLV phải đến sân, phải tìm hiểu thực tế tập luyện ở CLB, chứ không phải ngồi một chỗ để chọn.

- Quay lại với V-League, thị trường chuyển nhượng vừa qua liên tiếp có những kỷ lục mua cầu thủ tiền tỷ. Theo ông điều ấy phản ánh giá trị cầu thủ đã được nâng lên, hay sự vung tiền ấy gây hại cho V-League?

- Ở đây có 2 vấn đề. Trước hết, các CLB có điều kiện về tài chính, đầu tư mua VĐV thì một số CLB khác thu được tiền chuyển nhượng, cầu thủ cũng được hưởng chế độ đãi ngộ cao hơn. Họ đã dám làm và tạo nên sự cạnh tranh về chuyển nhượng. Điều đáng nói là người làm chuyên môn phải tính toán sao cho hợp lý. Như Hữu Thắng có giá 3 tỷ, còn phải chờ anh ta thể hiện qua trận đấu, bởi nếu Thắng đá được, thể hiện vai trò đầu tàu ở Ninh Bình và đội bóng anh ta lên hạng được thì giá ấy không có gì là quá. Nhưng tác động ở chiều ngược lại thì rất chú ý. Thú thực là nhìn giá tiền tỷ như vậy, chúng tôi rất xót, bởi đội mình không tìm đâu ra tiền để làm như thế được. VĐV trình độ tốt có thể bị chao đảo bởi những tin chuyển nhượng, nhưng đồng thời VĐV trẻ sẽ có động lực để phấn đấu đạt được giá trị nếu không bằng thì cũng phải ở mức gần như vậy. Như quân chúng tôi có cầu thủ còn đi xe đạp, nay nghe giá chuyển nhượng 3 tỷ sẽ choáng ấy chứ!

- Với giá tiền mua cầu thủ tăng lên vùn vụt như vậy, trong khi chất lượng chưa hẳn đã đồng hành, ông có nghĩ sắp tới các CLB cần ngồi lại với nhau để bàn về việc chuyển nhượng?

- Nếu ngồi lại với nhau thì đấy chẳng qua là hội thảo để xem chúng ta đã làm được, chưa làm được vấn đề nào thôi. Trong kinh tế thị trường, anh không có quyền ngăn người ta mua cầu thủ giá cao. Như Công Vinh bây giờ Ninh Bình trả 5 tỷ đồng, hay thậm chí trả đến 10 tỷ, thì làm sao cấm được họ. CLB có tiềm lực tài chính, muốn quảng bá thương hiệu, muốn có cầu thủ giỏi, họ được quyền mua chứ. Chỉ có điều người ta nên trao đổi những phi vụ như thế có xứng đáng hay không mà thôi!

- Xin cảm ơn ông!

Tuấn Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm