Thầy 'khủng' cho đội tuyển Việt Nam

06/05/2014 09:55 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin về việc VFF sẽ mời một chuyên gia Nhật Bản về làm HLV trưởng ĐTQG không còn mới, nhưng cho đến chiều qua (5/5), một nguồn tin không chính thức (qua đối chiếu giữa những dữ liệu do một lãnh đạo VFF cung cấp với thông tin thực tế) khẳng định, có nhiều khả năng ĐT Việt Nam sẽ được đặt dưới sự dẫn dắt của ông Takeshi Okada, cựu HLV trưởng ĐT Nhật Bản.

Chúng ta có thể mở cờ trong bụng, nếu thật ông Takeshi Okada, HLV của năm 2010 do AFC bầu chọn, sau thành công với ĐT Nhật Bản tại FIFA World Cup ở Nam Phi năm đó (lọt tới vòng 1/8) cầm cương ĐTQG Việt Nam.

Trước khi “về hưu non” năm 2014 (thực tế là thất nghiệp), ông Takeshi Okada (tuổi Thân, sinh năm 1956) đã chia tay Hangzhou Greentown ở Chinese Super League (giải chuyên nghiệp Trung Quốc, C-League), sau 2 dẫn dắt CLB này. Trước đó nữa, như đã nhắc ở trên, HLV Takeshi Okada là người thứ 2 đưa ĐT Nhật Bản lọt vào đến vòng 1/8 tại một kỳ World Cup (sau ĐT Nhật Bản của HLV Philippe Troussier tại giải đấu trên sân nhà năm 2002)…

Tất nhiên, chúng ta cũng không quên Takeshi Okada đã từng dẫn dắt ĐT Nhật Bản lần đầu tiên bơi ra đấu trường thế giới (FIFA World Cup 1998), rồi giai đoạn ông huấn luyện Consadole Sapporo, đội bóng mà sau này Lê Công Vinh khoác áo, và cả Yokohama F. Marinos...

Về cơ bản, lý lịch trích ngang của ông Takeshi Okada, cựu tuyển thủ quốc gia Nhật Bản (thập niên 80 của thế kỷ trước), là cực kỳ hoành tráng.

Nhưng, liệu HLV Takeshi Okada có chấp nhận đến cầm quân tại ĐT Việt Nam?! Ông đã hiểu bao nhiêu về bóng đá, văn hóa, cũng như tính cách của cầu thủ Việt Nam nói riêng và của xã hội Việt Nam nói chung?! Và nữa (cơ chế), ông Takeshi Okada sẽ vào vai kiến trúc sư (chỉ huấn luyện duy nhất ĐTQG tại một giải đấu trong một giai đoạn ngắn) hay tổng công trình sư cho cả nền bóng đá?!

Chỉ có thời gian mới có thể trả lời câu hỏi này, bởi tất cả chúng ta đều biết, trước khi VFF quyết định phương án mời HLV Nhật Bản, ĐT Việt Nam từng được làm việc với những ông thầy từ châu Âu thậm chí còn sở hữu lý lịch hoành tráng hơn nhiều so với ông Okada, chẳng hạn như HLV Falko Goetz, người từng đưa Hertha Berlin đứng hạng 4 Bundesliga ở mùa bóng 2004-2005 để giành quyền tham dự Cúp UEFA.

Tuy nhiên, việc sở hữu bằng cấp cùng lý lịch hoành tráng vẫn không thể giúp HLV Goetz gặt hái thành công với bóng đá Việt Nam, và ông thầy này đã bị sa thải sau chỉ nửa năm được bổ nhiệm làm HLV trưởng 2 ĐT Việt Nam. Từ trường hợp của HLV Goetz có thể thấy lý lịch bằng cấp của HLV dù rất quan trọng, nhưng chưa phải là sự bảo đảm để một ông thầy có thể làm nên chuyện cùng ĐT Việt Nam.

Vì thế, việc ĐT Việt Nam có khả năng sẽ được đặt dưới sự dẫn dắt của một HLV có bề dày thành tích và kinh nghiệm như ông Okada là rất đáng mừng, nhưng điều này không có nghĩa chỉ với một ông thầy có lý lịch hoành tráng là bóng đá Việt Nam có thể sẽ sớm vươn mình ra tầm châu lục.

Trần Hải
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm