Câu chuyện 'rau muống và thịt bò kobe'

08/05/2014 19:23 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin về việc VFF sẽ mời một chuyên gia Nhật Bản cầm cương đội tuyển Việt Nam đang trở nên " nóng bỏng" trong những ngày qua.

Tất nhiên, đó chỉ là những phỏng đoán của giới truyền thông, thông qua đối chiếu “CV” (lý lịch trích ngang), những người có trách nhiệm tìm kiếm và đàm phán (VFF) sẽ không vội vã công bố danh tính cụ thể, ít nhất cho đến trước ngày 15/5.

Thầy khủng và bóng đá vùng trũng

Năm 2008, Thái Lan gây sốc với không chỉ những người láng giềng Đông Nam Á, mà với cả châu Á, khi ký hợp đồng khủng với cựu HLV Manchester City, Sunderland và Leeds United…, ở giải Ngoại hạng Anh, cựu tuyển thủ quốc gia Anh, Peter Reid. Mục tiêu của người Thái khi ấy rất rõ ràng: Đoạt lại ngôi vị số 1 khu vực (thông qua AFF Suzuki Cup 2008), sau thời gian bị Singapore qua mặt (từ 2004 - 2007) và hướng tới đẳng cấp châu lục.

Người Thái có cơ sở để kỳ vọng vào tổng công trình sư Peter Reid, không chỉ bởi bản “CV” hoành tráng, mà Peter Reid cũng từng có thời gian nắm ĐT U21 Anh (1999), một chi tiết rất đáng lưu tâm bởi nó liên quan đến bóng đá trẻ, cội nguồn của sự phát triển. Giai đoạn thành công nhất trong sự nghiệp thi đấu của Reid là khoảng thời gian ông khoác áo Everton (1982 - 1989) và tham dự VCK World Cup 1986, đối đầu với Michel Platini và Diego Maradona...

Tuy nhiên, chưa tròn 1 năm sau, Peter Reid bị FAT (Hiệp hội Bóng đá Thái Lan, đứng đầu là nhân vật đầy quyền lực Makudi) cho thôi việc, khi Thái Lan thua Việt Nam tại chung kết AFF Suzuki Cup 2008. Không lâu sau khi sa thải Peter Reid, FAT rước về Bryan Robson, cái tên còn lẫy lừng hơn cả Reid, với không chỉ sự nghiệp thi đấu, mà còn cả nghiệp huấn luyện.

Nhưng Bryan Robson, cựu cầu thủ Manchester United, Middlesbrough, từng có hơn 10 năm khoác áo ĐTQG Anh, tham dự đủ các VCK World Cup và Euro (giai đoạn 1980 - 1991), lại giẫm lên vết xe đổ của đồng nghiệp đồng hương Peter Reid. Sau thất tại AFF Suzuki Cup 2010, Robson buộc phải nói lời chia tay Winfried “Winnie” Schafer, HLV từng giúp Cameroon vô địch giải châu Phi CAN 2002 và cùng năm đó lọt vào VCK World Cup, lên kế vị.

Sau rất nhiều những cuộc bể dâu (mà gần nhất là Winfried Schafer, sau AFF Suzuki Cup 2012), Thái Lan đã thôi mộng mơ, để quay về “tắm ao ta”, với vị HLV trưởng hiện tại là cựu danh thủ Kiatisak Senamuang.

Tại sao, đã và luôn là Thái Lan, mỗi khi chúng ta cần có một phép so sánh gần tương đồng?! Bởi đơn giản, họ đi trước và sở hữu đủ những điều kiện gần na ná chúng ta trong việc phát triển môn thể thao vua. Người Thái đã đầu tư rất nhiều nhưng vẫn không ăn thua!

“Cạn đìa mới biết lóc, trê”

Thông tin VFF mời Takeshi Okada, nhưng liệu ông có chấp nhận để bắt tay vào việc hay không, lại là chuyện khác. Nên nhớ, Takeshi Okada trước khi nghỉ hưu non (ở tuổi 58, năm 2014), đã là một thương hiệu cỡ bự và ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp như Nhật Bản, HLV và cầu thủ hoàn toàn độc lập với Liên đoàn Bóng đá (JFA). Thế nên, sự kỳ vọng vào những tác động của JFA (như kiểu giới thiệu Trưởng giải Tanaka Koji) khá... mông lung.

Đặt tình huống giả định, Takeshi Okada (hay một cái tên tương đương nào đó) chấp thuận cầm cương ĐTQG Việt Nam (tất nhiên kèm theo đó là mức lương khủng và điều kiện làm việc), cũng không chắc sẽ thành công. Những hiểu biết về văn-hóa-bóng-đá, cũng như tính cách của cầu thủ Việt Nam nói riêng và của xã hội Việt Nam nói chung, là một định lượng rất đáng lưu tâm, với những HLV ngoại quốc. Và ngoài ra phải kể đến cơ chế làm việc vốn rất đặc thù.

Vẫn cứ cho rằng Takeshi Okada sẽ gật, song cựu HLV trưởng ĐT Nhật Bản sẽ vào vai kiến trúc sư (chỉ huấn luyện ĐTQG tại một giải đấu, trong một giai đoạn ngắn) hay tổng công trình sư cho cả nền bóng đá?! Đây là điều cần phải bàn bạc kỹ, để tránh xảy ra tình trạng “một nách, 2, 3 con” như trước đây. Ở phần trên bài viết, chúng ta đã đề cập nhiều đến những cuộc chia ly của các đời HLV trưởng ĐT Thái Lan, sau mỗi kỳ AFF Cup, đấy là thói quen ăn xổi của bóng đá vùng trũng.

Trong buổi gặp gỡ báo chí thường kỳ mới đây, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông của VFF, ông Xuân Gụ, nói đại ý rằng, chúng ta không nên ước vọng quá cao, trước thực thể nền bóng đá, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tài chính, cũng như môi trường. Theo ngôn ngữ hình ảnh thì, bóng đá Việt Nam giống như bó rau muống (vốn gần gũi, dễ mua), thì đừng hy vọng được ăn với thịt bò Kobe (một loại thịt bò cao cấp, đắt tiền, còn bổ dưỡng đến đâu thì còn tùy).

Thực tế, rau muống (hay rau cần) mà xào với thịt bò từ lâu đã là món ăn khoái khẩu ở Việt Nam, trước khi đi vào các nhà hàng sang trọng. Trong “cương lĩnh hành động”, lãnh đạo VFF khóa VII quyết đi về hướng mặt trời mọc, để hy vọng vực dậy nền bóng đá. Còn việc, nền bóng đá xứ sở có thể lên hương hay không dưới bàn tay của một thuyền trưởng người Nhật Bản là những chuyện không giống nhau!

Thêm một ví dụ để tham khảo nữa khi tại đất nước đông dân nhất, nhì thế giới như Trung Quốc đến "phù thủy" Bora Milutinovic cũng bất lực, huống hồ. Dẫu sao, nói như người nhân miền Tây Nam Bộ, "Cạn đìa mới biết lóc, trê", chúng ta cũng không nên bàn lùi bởi bóng đá Việt Nam thực sự không thể lùi hơn được nữa rồi sau cú trượt dài tính bằng nửa thập niên.

Trước khi nghỉ hưu non, ông Takeshi Okada (sinh năm 1956) đã chia tay Hangzhou Greentown ở Chinese Super League (giải chuyên nghiệp Trung Quốc, C-League), sau 2 năm dẫn dắt CLB này (2012 - 2013). Trước đó, HLV Takeshi Okada là người thứ 2 đưa Nhật Bản lọt vào vòng 1/8 tại một kỳ World Cup (sau Nhật Bản của Philippe Troussier tại giải đấu trên sân nhà năm 2002). Takeshi Okada từng dẫn dắt ĐT Nhật Bản lần đầu ra đấu trường thế giới (FIFA World Cup 1998).


Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm