Thầy ngoại không phải vấn đề cốt lõi

08/05/2014 17:11 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá Việt Nam lại “được mùa” tìm HLV cho đội tuyển. VFF thông báo đã thu nhận được hàng chục hồ sơ của các ứng cử viên. Liệu gương mặt nào trong số đó sẽ làm thay đổi diện mạo và mang thành tích đến cho đội tuyển Việt Nam. Cà phê cuối tuần có cuộc “bàn thảo” về vấn đề này với nhà báo Hoàng Lâm đến từ báo Lao Động.

*Thưa anh, anh có cảm thấy hào hứng với đợt tuyển HLV cho ĐTVN của VFF sắp tới?

-Tôi chẳng thấy hào hứng mà chóng mặt bởi cách làm…tùy hứng của VFF. Bao năm nay cứ mỗi lần tìm HLV là VFF quay người hâm mộ và giới truyền thông như chong chóng. Hết thời của các HLV ngoại, VFF quay sang dùng HLV nội bây giờ thấy nội chán quá thì lại quay sang tìm HLV ngoại.

Tôi nhớ có một lần VFF “phẫu thuật” thất bại của đội U.23 VN, một HLV lão làng nói rằng: “Chúng ta làm bóng đá một cách rất kỳ quặc, thắng cũng không hiểu sao thắng mà thua cũng không lý giải thật sự tại sao thua”.

Chuyện tìm HLV cũng vậy, chưa bao giờ người ta lý giải tại sao dùng HLV nội khi chọn ông Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, giờ thì cũng không ai đưa ra những phân tích cụ thể tại sao dùng HLV ngoại. Tôi thì có cảm giác ở đây đơn giản là câu chuyện sính ngoại, cứ thấy ngoại là tốt hơn nội…

*Ngắt lời anh một chút, khi VFF dùng HLV nội là thấy Thái Lan và đặc biệt là Malaysia dùng “phù thủy” Rajagopal hiệu quả?

-Cái chết của mình là ở chỗ ấy, thiếu chiến lược dài hơi. Thấy người ăn khoai thì cũng tính vác mai đi đào. Hội chứng đám đông và tâm lý a-dua là những thứ tôi cho là khá điển hình với người Việt.

Khi bị nhiễm hai thứ này là người ta mất niềm tin vào trực giác, mất niềm tin vào bản thân và không phải cố gắng nữa. Hội chứng đám đông và tâm lý a-dua này cũng có tác động ghê gớm trong xã hội, dễ thấy nhất là trong cơn sốt chứng khoán, sốt đất, sốt vàng… Thấy người ta làm ăn, mình không có kiến thức về thị trường cũng nhắm mắt nhắm mũi kinh doanh để rồi khi có biến động, chạy không kịp.

Ở đây tôi không nói HLV nội bất tài mà là cách dùng người. Mà tôi thấy bảo Rajagopal là “phù thủy”, tôi nghĩ chắc là do báo chí nhà mình thấy cứ thua ông này nhiều lần thì nâng lên thành phù thủy thôi. Thành công của bóng đá Malaysia từ HLV chỉ là một phần.

*Anh có cảm thấy rằng, hình như VFF và cả người hâm mộ hình như đặt quá nhiều kỳ vọng vào một ông HLV ngoài nào đó, với cây đũa thần có thể xoay chuyển được cả một đội tuyển, một nền bóng đá...

-Kỳ vọng thì cũng tốt thôi, “mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng”, bỏ chừng ấy tiền mà không kỳ vọng thì hóa ra…đốt tiền. Nhưng đúng là chúng ta quá đặt trọng tâm vào HLV.

Lâu nay, người trong làng bóng đá cứ đùa rằng: “Kể cả Mourinho, Ferguson mà về Việt Nam thì cũng chẳng làm nên trò trống gì”. Riêng nhận định ấy có thể  đưa ra đây hai vấn đề: một là, thay vì tập trung cải thiện chất lượng HLV thì cần cải thiện chất lượng cầu thủ trước. Có bột mới gột nên hồ. Tôi nhớ cách đây không lâu, ông Hoàng Văn Phúc khi còn tại vị đã đến xem trận B.Bình Dương đá với Thanh Hóa để tìm cầu thủ. Xin lỗi, trận đó, mỗi đội đá 7 Tây, từ ngoại xịn đến ngoại nhập tịch, đá ở những vị trí trọng yếu nhất, vậy thì tuyển với chọn vào đâu.

Vấn đề thứ hai, có phải là do cơ chế của VFF mà các thầy ngoại giỏi đến đâu cũng…bó tay. Cơ chế ở đây có nhiều thứ, đầu tiên là tiền lương. Với chừng 20-30.000 USD/tháng thì đúng là không thể tìm thầy xịn, nói như PCT VFF phụ trách truyền thông thì “đủ tiền ăn rau muống thì đừng mơ ăn phở bò Kobe”.

Ngoài ra còn là hệ thống giúp việc, từ các trợ lý đến hệ thống chuyên gia y tế, dinh dưỡng đi kèm, nó phải là một ê-kíp chuyên nghiệp và vận hành trơn chu. Thầy ngoại ở Việt Nam, thành công như ông Calisto mà còn phải đi nhặt từng clip trên Youtube, xin phóng viên đĩa về nghiên cứu đối thủ thì rất khó kỳ vọng.

*Nghĩa là chúng ta chưa có một sân bay tốt, đã tính mua Boeing…

- Đại để là ví von giống với “rau muống- thịt bò Kobe” trên kia. VFF bỏ lửng hay nói một cách chính xác là không quan tâm tới khoa học huấn luyện.

Tính khoa học thể hiện trong từng bài tập, từng miếng ăn cầu thủ. Đơn giản chuyện thế này, ai cũng khẳng định học viện HAGL-Arsenal là chuyên nghiệp, khi Viện dinh dưỡng TPHCM vào khảo sát thì mới “té ngửa” ra là cầu thủ chẳng biết gì về dinh dưỡng thể thao, hơn nữa do đầu vào thiếu khoa học trong lựa chọn đầu vào, hầu hết các cầu thủ U.19 HAGL Arsenal đã không còn khả năng tăng thêm chiều cao. Vậy thì dù đổ tiền tỉ, HLV giỏi bằng giời thì các cầu thủ ấy không thể xuất khẩu sang Châu Âu được mà chỉ có thể loanh quanh “ao làng” Đông Nam Á mà chơi ở ao làng mà mơ World Cup thì khác gì ăn rau muống- mơ thịt bò Kobe.

Hay chuyện khác, vừa rồi tuyển bóng đá nữ được xác định mục tiêu là đi World Cup nữ, ấy thế mà khi luyện tập ở nhà và lúc sang tập huấn thì ăn uống kham khổ cho tới khi báo chí lên tiếng, VFF mới bổ sung 20 USD mỗi bữa cho một cầu thủ. Đấy, chúng ta cứ lo tìm thầy ngoại xịn, thầy ngoại giỏi mà quên đi những thứ rất bình thường.

Tôi nghĩ chuyện tìm một ông HLV ngoại và trả lương 30.000USD/tháng không quan trọng bằng tăng khẩu phần ăn thêm 20USD cho mỗi cầu thủ và có chuyện gia theo dõi và đảm bảo lượng klo mỗi ngày…

*Suốt nãy giờ, có vẻ như anh đưa ra quan điểm không cần thầy ngoại lắm, hoặc nội- hay ngoại đều ổn?

-Quan điểm của tôi là HLV dù là thầy nội hay ngoại cũng chỉ là một mắt xích trong hệ thống. Mắt xích HLV dù có tốt nhưng những mắt xích còn lại lỏng lẻo thì không thể có thành tích tốt.

Nói chung là phải có một giải pháp tổng thể chứ đừng trông vào bất kỳ ông phù thủy nào. Trong bóng đá, ở Việt Nam hay trên thế giới, nghề HLV hay bị đổ thừa. Riêng Việt Nam thì đội tuyển cứ thua là “trăm dâu đổ đầu HLV”.

Chọn HLV ngoại thì an toàn cho VFF hơn vì ít phải chịu trách nhiệm hơn. Nhưng nếu vậy thì chúng ta luôn phủ nhận khả năng và những cố gắng của các HLV nội, như vậy là thiếu công bằng với họ.

*Song VFF, với tân Chủ tịch Lê Hùng Dũng dường như đã “quyết” chọn thầy ngoại, cụ thể là thầy Nhật

-Tôi phải nói ngay thế này, đối với người Việt, khái niệm “hàng Nhật” đã bao gồm các yếu tố bền, đẹp và…rẻ. Chẳng hạn như ô tô Nhật, xe đạp Nhật thậm chí nồi cơm Nhật. Nghĩa là từ “Nhật” tạo ra sự an tâm. Con người Nhật với cách làm việc vừa chỉnh chu nhưng cũng rất sáng tạo là điều mà người Việt hướng tới. Song như tôi nói, bóng đá là tổng hòa các mối quan hệ mà ông thầy dù tốt- rẻ như Nhật, đắt- khoa học như Đức cũng không giải quyết được vấn đề.

Không phải đâu xa, VPF thuê hai chuyên gia Nhật sang làm trưởng BTC giải là ông Tanabe và Koji, nhưng rõ ràng vai trò của những chuyên gia này khá mờ nhạt. Hơn nữa, như tôi đã nói ban đầu, bóng đá Việt vừa thiếu định hướng vừa yếu về chiến lược lâu dài. Vì sao chọn HLV Nhật? Nếu là người Nhật thì ai mới phù hợp? Chưa hề có một tiêu chí cụ thể nào. Phải có những đánh giá mang tính chuyên môn, thậm chí là phải có hội đồng phản biện chứ không thể để việc chọn HLV theo ý thích và tùy hứng của một vài người.

Trong một số bài viết của tôi, tôi có so sánh rằng giờ đây nhiều Bộ, ngành và địa phương đã tổ chức thi tuyển lãnh đạo thì việc chọn thầy cho đội tuyển cũng phải có hình thức nào đó gần giống như vậy, thậm chí là phải có cam kết là sẽ làm gì, định hướng tới đâu.

Bóng đá Việt Nam phải trả giá quá nhiều cho lối làm ăn tùy hứng rồi, mỗi lần thua lại dỡ ra, làm lại vừa thấy phí phạm mà chưa tìm ra bản chất vấn đề…

* Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi, có lẽ chúng ta sẽ còn quay trở lại chủ đề ngày sau khi VFF chính thức công bố danh tính ông thày ngoại mới!

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm